8 tuổi vào cấp 3, 11 tuổi thi đại học, cuộc sống hiện tại của cậu bé này khiến những người từng nghi ngờ phải "chưng hửng"

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Thế giới bên ngoài có lẽ không biết cậu đã bỏ ra bao nhiêu công sức và nỗ lực dưới bề ngoài vinh quang của mình.

Hứa Hằng Thụy sinh ra trong một gia đình giàu có ở Vân Nam (Trung Quốc). Ngay từ khi học lớp 2, cậu đã bộc lộ tài năng "thần đồng" có một không hai, tiếp thu kiến thức vượt cả tiến độ giáo trình của giáo viên. Điều này cũng dẫn đến việc trong buổi học, Hằng Thụy trở nên lơ là, mất tập trung.

Để đáp ứng tốc độ tiếp thu của con, bố mẹ Hằng Thụy đã phải thuê gia sư kèm từng môn học một. Chỉ trong hai năm, cậu bé đã hoàn thành tất cả các môn học tiểu học và vào trung học cơ sở khi mới 7 tuổi.

Tuy nhiên, việc chỉ hoàn thành việc học ở nhà sẽ khiến Hằng Thụy sau này không thể thi vào đại học được. Vì vậy, bố mẹ cậu lại một lần nữa đưa con đến trường trung học. Do tốc độ học tập cực nhanh nên Hằng Thụy gần như không đến trường, chỉ đến để thi và tham gia các hoạt động trải nghiệm, thời gian còn lại sẽ tự học. Trong vòng hai năm, Hằng Thụy đã hoàn thành tất cả các môn học trung học.

8 tuổi vào cấp 3, 11 tuổi thi đại học, cuộc sống hiện tại của cậu bé này khiến những người từng nghi ngờ phải "chưng hửng" - Ảnh 1.

Hứa Hằng Thụy

Khi còn là học sinh năm nhất trung học, điểm số của Hằng Thụy không hề tốt, chỉ đạt khoảng 200 điểm. Tuy nhiên, cậu đã nhanh chóng cải thiện lên 400 điểm và đạt được sự cân bằng giữa các môn học khác nhau. Hằng Thụy trả lời các câu hỏi một cách nhanh chóng và có độ chính xác cao.

Năm 2010, Hằng Thụy trở thành thí sinh thi đại học trẻ nhất và đạt được số điểm 510. Tuy nhiên, cậu chỉ coi kỳ thi này là một cuộc thử nghiệm. Năm sau, khi mới 11 tuổi, Hằng Thụy lại tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học với số điểm 526, cao hơn điểm sàn các trường đại học tuyến 1 tới 30 điểm. Cậu được nhận vào Khoa Luật của Đại học Nhân dân Trung Quốc thông qua kì tuyển sinh độc lập.

Hứa Hằng Thụy tuy là một "thần đồng", ham học hỏi và có khả năng tự học mạnh mẽ nhưng cũng rất chú trọng đến việc vui chơi. Hằng Thụy thích chơi cầu lông và bóng bàn. Cậu cũng thường tham gia các hoạt động thể thao của trường ở trường trung học và rất hòa đồng với các học sinh khác. Điều này cho thấy một sự thật rằng người thông minh không chỉ biết học mà còn biết giải trí.

Năm 2018, khi những đứa trẻ cùng tuổi mới vào đại học, Hứa Hằng Thụy, 18 tuổi, đã tốt nghiệp thạc sĩ. Cậu tiếp tục học lấy bằng Tiến sĩ. Với sự giới thiệu của người cố vấn, Hằng Thụy đến Đại học Waseda ở Nhật Bản để tiếp tục học Luật lúc mới 22 tuổi. Tương lai vô cùng hứa hẹn.

Câu chuyện của Hứa Hằng Thụy nhận được những luồng ý kiến trái chiều: Người hết lời khen ngợi, người chỉ trích. Một số người lại đặt câu hỏi liệu có sự "thao túng" nào từ phía người cha khiến đứa trẻ nhỏ tuổi phải bị ép trưởng thành sớm hay không. Trong mắt của họ, Hứa Hằng Thụy còn quá trẻ để đào sâu vào lĩnh vực Luật ở cái tuổi đáng ra phải được khám phá thế giới. Có ý kiến còn tố Hằng Thụy "lừa đảo" để lấy thành tích vì hoàn cảnh gia đình của cậu rất có điều kiện.

Tuy nhiên, không ít người bênh Hứa Hằng Thụy. Thế giới bên ngoài có lẽ không biết cậu đã bỏ ra bao nhiêu công sức dưới bề ngoài vinh quang của mình. Không ai đi "đôi giày" của Hứa Hằng Thụy để hiểu cậu đã nỗ lực ra sao. Có xuất phát điểm phi thường, nhưng cậu không bao giờ lười biếng trong quá trình học tập, thậm chí còn chăm chỉ hơn những người bình thường.

Đến thời điểm hiện tại, cậu vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc với con đường đã chọn của mình và đạt những thành công nhất định. Đó cũng là câu trả lời cho những tranh cãi về con đường phát triển "thần tốc" của cậu bé "thần đồng" này.

Chia sẻ