Học sinh quên mang sách giáo khoa, cô giáo chỉ trích phụ huynh trong nhóm: Ông bố nói 1 câu, ai nấy liền im lặng
Phụ huynh đã giải thích lý do với cô giáo và chân thành xin lỗi nhưng sự việc chưa dừng lại.
Đang ở chỗ làm, một phụ huynh Trung Quốc bất ngờ nhận được tin nhắn "tag" thẳng tên mình từ giáo viên trong nhóm lớp. Tưởng con có chuyện, ông bố nhanh chóng vào xem thì chỉ thấy một câu hỏi khó hiểu của giáo viên: "Làm thế nào có thể trở thành cha mẹ vậy?".
Bối rối hỏi nguyên nhân, phụ huynh mới biết con gái năm nay học lớp 3 của mình buổi sáng vội đi học quên mang theo sách giáo khoa. Lúc này, giáo viên nhắn tiếp: "Sách mà còn chẳng mang theo, thật sự quá đáng".
Suy cho cùng cũng là sơ suất của con, ông bố giải thích lý do và chân thành nhận lỗi: "Thật xin lỗi, gần đây công việc bận bịu quá, tôi quên kiểm tra cặp sách của con, lần sau tôi sẽ kèm chặt con hơn".
Tưởng sự việc sẽ kết thúc êm đẹp nhưng không ngờ cô giáo vẫn nhắn tiếp: "Còn có lần sau sao?". Cảm thấy giọng điệu giáo viên có chút quá đáng, phụ huynh liền phản ứng: "Cách nói của cô cũng quá đáng lắm đấy. Con cũng lớp 3 rồi, cũng không phải bé nhỏ gì. Con bé không mang theo sách, cô trách học sinh thì thôi đi, dựa vào gì mà cho rằng đó là trách nhiệm của phụ huynh?".
Sau khi cuộc trò chuyện này được tung ra, hầu hết cư dân mạng đều đứng về phía phụ huynh, cho rằng giáo viên đã làm ầm ĩ quá mức và cũng rất thô lỗ. Tuy nhiên cũng có người cho rằng, phụ huynh cũng cần có nhiệm vụ nhắc nhở con chuẩn bị sách vở, đồ dùng, không thể "phủi bỏ" và cho rằng mình "vô can".
Khi giáo dục gia đình càng được quan tâm và trình độ học vấn được nâng cao thì các bậc phụ huynh càng nhận nhiều nhiệm vụ: Cần đưa đón con đi học đúng giờ; cần kiểm tra bài tập về nhà của con; Cần mở rộng tầm nhìn của con; Cần giải tỏa căng thẳng cho con…
Mục đích ban đầu của cha mẹ và giáo viên là mong trẻ có thể tiến bộ, nhưng khi nhiều yêu cầu đặt ra và có nhiều vấn đề phát sinh, nếu không xử lý tốt mối quan hệ này sẽ dễ đẩy nhau về phía "đối địch".
Một số phụ huynh thường gây ồn ào và căng thẳng với giáo viên và nhà trường. Một số giáo viên ép buộc, can thiệp quá nhiều khiến phụ huynh né tránh, dẫn đến những vấn đề của trẻ không được truyền đạt kịp thời. Dù bên nào "thắng" thì cuối cùng chính các em vẫn chịu thiệt thòi.
Phụ huynh và giáo viên nên hòa hợp với nhau thế nào?
Giáo viên và phụ huynh là một kiểu quan hệ rất đặc biệt bởi có mối quan tâm chung là những đứa trẻ. Vì vậy, sự hòa hợp và hợp tác chặt chẽ rất quan trọng trong việc mang lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ.
Cha mẹ và giáo viên đều đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em, nhưng họ có sự phân công lao động khác nhau.
Đối với cha mẹ, điều quan trọng nhất cần làm là hợp tác. Hợp tác với các nội quy, quy định của nhà trường và với việc sắp xếp giảng dạy của giáo viên. Trường học giống như một xã hội thu nhỏ. Muốn tồn tại trong đó thì phải tuân thủ nội quy. Một số quy định tưởng chừng như nghiêm khắc đối với phụ huynh thực chất lại là nhằm bảo vệ và giáo dục trẻ.
Vì đã cho con đi học nên các bậc phụ huynh hãy tin tưởng vào đội ngũ giáo viên và khả năng chuyên môn của các thầy cô. Hãy nhớ đừng phủ nhận hay coi thường giáo viên trước mặt trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ mất niềm tin vào giáo viên.
Nếu thực sự có thắc mắc, phụ huynh có thể trao đổi riêng với giáo viên hoặc nhà trường. Sự đóng góp của phụ huynh có thể giúp trường học hoạt động tốt hơn và có lợi hơn cho sự phát triển của trẻ.
Đối với giáo viên, giao tiếp là điều quan trọng nhất. Trước hết, giao tiếp phải kịp thời, duy trì liên lạc tốt với phụ huynh hàng ngày. Thứ hai, giao tiếp phải chuyên nghiệp. Khi cha mẹ đối mặt với vấn đề của con cái, cảm xúc luôn chiếm ưu thế. Giáo viên phải sử dụng khả năng chuyên môn của mình để giúp đỡ và giải quyết vấn đề, nhằm tăng thêm cảm giác tin cậy và an tâm cho cha mẹ.