8 trẻ sốc phản ứng nặng sau chiến dịch tiêm sởi – rubella
Trong số gần 20 triệu trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vắc xin sởi-rubella, chỉ có 8 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trong vòng 1,5 năm qua, chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella lớn nhất từ trước tới nay đã thực hiện tiêm cho gần 20 triệu trẻ trong độ tuổi từ 1-14 tuổi, đạt tỉ lệ tiêm và tỉ lệ bao phủ trên 95% quy mô xã, phường.
Một số xã thuộc 4 tỉnh: Bình Phước, Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Lắk có tỉ lệ tiêm chủng dưới 95% đang tiếp tục triển khai tiêm vét.
Báo cáo cho biết, trong số gần 20 triệu trẻ được tiêm sởi-rubella, có gần 16.000 trường hợp có phản ứng nhẹ thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu…, chiếm 0,08%, thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất (5-15%).
Trong số đó có 8 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Hội đồng chuyên môn đã vào cuộc điều tra, đánh giá nguyên nhân.
Kết quả 3 trong số đó có liên quan đến phản ứng của vắc xin gồm 1 trường hợp sốt cao co giật, 2 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc xin. Cả 3 trường hợp trên đều được xử trí kịp thời và hồi phục.
Cục Y tế Dự phòng khẳng định, trong suốt chiến dịch, chất lượng vắc xin tại các điểm tiêm chủng được đảm bảo. Kết quả kiểm tra của các đoàn giám sát cũng cho thấy, tại các bàn tiêm, vắc xin được bảo quản lạnh đúng qui định.
Việc 8/20 triệu trẻ bị sốc phản ứng nặng sau tiêm là con số rất nhỏ, tức 2,5 triệu trẻ mới có 1 trẻ có phản ứng nặng sau tiêm vắc xin sởi-rubella.
Hiện sởi và rubella vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin sởi-rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin đạt 95%.
Sau chiến dịch này, Bộ Y tế đã đưa vắc xin sởi-rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng, định kỳ hàng tháng từ tháng 5/2015.
Theo đó, khi trẻ 18 tháng thay vì tiêm mũi sởi đơn (mũi 2) sẽ được tiêm thay thế bằng vắc xin phối hợp sởi-rubella, hướng tới mục tiêu nhằm giảm số ca mắc và tiến tới loại trừ hoàn toàn bệnh sởi vào năm 2017.