Người biểu tình tấn công tác phẩm nghệ thuật trị giá 59 triệu USD của danh họa Warhol
Một chiếc xe thể thao BMW M1 do huyền thoại nghệ thuật đại chúng Andy Warhol vẽ ở Milan, Italy đã bị "tấn công" hôm 18/11 ở tại trung tâm nghệ thuật Fabbrica del Vapor.
Cụ thể, các nhà vận động biến đổi khí hậu cùng với nhóm hoạt động Ultima Generazione ('Last Generation') đã đổ bột mì lên chiếc xe BMW M1. Theo truyền thông địa phương, các thành viên khác trong nhóm Ultima Generazione đã cho nổ những quả bóng bay chứa đầy sơn trên sàn khiến sơn bám đầy vào thân xe và sàn nhà.
Video ghi lại cuộc biểu tình tại trung tâm nghệ thuật Fabbrica del Vapor cho thấy, ít nhất ba người biểu tình lấy bột mì từ bao ra và đổ lên chiếc BMW, trong khi một người cố gắng giương biểu ngữ trên sàn. Các nhân viên bảo vệ đã khống chế lấy hai phụ nữ nhưng kiên nhẫn chờ đợi, trong khi hai người này liên tục cảnh báo cho khán giả trước bị đưa đi.
(Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin La Repubblica của Italy, phòng trưng bày nghệ thuật đã buộc phải đóng cửa sau vụ tấn công. Stefano Lacagnina, nhà sản xuất của cuộc triển lãm, giải thích rằng những người biểu tình đã "trả tiền mua vé và giấu bột mì trong túi".
Ông Stefano Lacagnina cho biết: "Chiếc xe bị rắc bột mì là một tác phẩm quan trọng, lần đầu tiên được trưng bày trong triển lãm và có giá trị rất lớn. Chiếc xe đã tham gia cuộc đua 24 Hours of Le Mans vào năm 1977, về thứ sáu trước khi Warhol sơn nó. Và giá trị của xe ước tính lên tới hơn 57 triệu Euro (59 triệu USD), theo Daily Mail.
(Ảnh: Reuters)
Mặc dù cuộc triển lãm đã mở cửa trở lại vào cuối ngày sau khi những người biểu tình bị bắt giữ nhưng vẫn chưa rõ liệu chiếc xe có bị hư hại gì hay không. "Chúng tôi đang đợi các kỹ thuật viên BMW đến từ Đức", ông Lacagnina nói với hãng tin La Repubblica.
Đây là vụ tấn công mới nhất của các nhóm hoạt động môi trường nhằm vào các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Các thành viên của Ultima Generazione đã ném súp đậu vào một bức tranh của Van Gogh ở Rome vào đầu tháng 11. Một bộ phận của nhóm Letzte Generation đã đổ một chất dầu màu đen lên một bức tranh của Klimt ở Vienna (Áo) vào đầu tuần này. Vụ việc, diễn ra trong cuộc triển lãm tại Bảo tàng Leopold được tài trợ bởi một công ty dầu khí, có thể gây ra thiệt hại vĩnh viễn.
(Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, các nhóm hoạt động môi trường ở Anh và Hà Lan cũng đã bày tỏ sự thất vọng về việc không hành động vì biến đổi khí hậu, "trút giận" lên các công trình mang tính biểu tượng.
Những người biểu tình đã bảo vệ hành động gây tranh cãi của họ, cho rằng đây là "một tiếng kêu tuyệt vọng và có cơ sở khoa học, không thể hiểu là hành vi phá hoại đơn thuần". Họ đã đưa ra tuyên bố rằng "các hành động trực tiếp phi bạo lực sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi người dân nhận được câu trả lời từ chính phủ của họ về yêu cầu ngừng sử dụng khí đốt và than, đầu tư vào ít nhất 20 GW năng lượng tái tạo".