750.000 người Việt bán hàng đa cấp, 90% là thực phẩm chức năng
Ông Võ Đan Mạch - Chánh văn phòng Hiệp hội bán hàng đa cấp - cho biết, Việt Nam hiện có 750.000 người bán hàng đa cấp. 90% doanh số của ngành này đến từ thực phẩm chức năng. Doanh thu tăng trưởng tốt, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh.
Tại Diễn đàn về kinh doanh đa cấp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay (5/1), ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI - cho biết, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, do các quy định và chế tài quản lý còn khá lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo chiều hướng rất xấu. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia.
Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế, bức xúc trong nhân dân. Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng này, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.
“Mặc dù được pháp luật công nhận nhưng do một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn chụp giật, lừa đảo, gây nên sự mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh đa cấp và các doanh nghiệp chân chính, dẫn đến tình hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ và cho rằng, để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính.
Ông Võ Đan Mạch - Chánh văn phòng Hiệp hội bán hàng đa cấp - cho biết, Việt Nam hiện có 750.000 người bán hàng đa cấp. 90% doanh số của ngành này đến từ thực phẩm chức năng. Theo ông Mạch, năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Doanh thu tăng trưởng tốt, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Phương Sơn - Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam - thông tin, có một số khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp thành viên gặp phải. Như việc phát hiện doanh nghiệp đa cấp bất chính tại một địa phương đã khó, nhưng khi được tố giác, rất ít cơ quan quản lý vào cuộc kịp thời dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp đa cấp chân chính,được cấp phép hoạt động
Hay quy định doanh nghiệp đa cấp đăng ký hoạt động tại địa phương còn không đồng nhất. Trong đó có tình trạng, cùng một hoạt động, nhưng khi doanh nghiệp xin phép địa phương này thì được, nhưng địa phương khác lại bị từ chối. Thậm chí trong cùng một địa phương cũng có sự khác nhau.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đa cấp còn phản ánh những khó khăn trong việc chưa được phép sử dụng hợp đồng điện tử; quy định tiêu chuẩn người đại diện tại địa phương, sự bất hợp lý khi đăng tải phát biểu của bác sĩ hay người có chuyên môn cao bị cấm; quy định tỷ lệ hàng hóa được bán...
Trả lời cho những ý kiến nêu trên của doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Thu Trang - đại diện Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương - cho biết, như quy định tiêu chuẩn người đại diện tại địa phương đặt ra là cần thiết, khi trước đây, nhiều doanh nghiệp chống chế, lách luật, thậm chí thuê người làm đầu mối.
Những quy định có phần chặt chẽ với kinh doanh đa cấp, theo bà Trang là cần thiết. Bởi, nếu “bão” đa cấp trở lại, thì không biết khi nào, ngành mới thoát được định kiến xấu từ người dân.