70% nhân viên ưu tú đều biến thành tầm thường vì một lý do: Càng thay đổi nhanh càng mau đổi vận!
Tự tin lên, dũng cảm hơn, nghĩ kĩ rồi làm, đừng có nghĩ xong rồi sợ mà không dám. Thay vì chờ hoài ở một gốc cây chết, sao bạn không chịu cho mình cơ hội, tìm đến phương trời mới rộng hơn, để bay cao và xa hơn nữa?
- 01 -
Hôm nay, bên cạnh những bức thư gửi về để hỏi về diễn biến tình hình của virus corona, có một bức thư độc giả gửi tôi để hỏi về một vấn đề rất quen thuộc:
"35 tuổi rồi, có nên xin nghỉ việc hay không?"
Qua bức thư anh ấy gửi, tôi có thể cảm nhận được phần nào sự bất lực, chán nản và bất mãn với lãnh đạo của anh ấy.
Anh N. đã làm ở công ty này được 10 năm, nhưng tính từ trước đến nay, lương của anh ta cao lắm chỉ tăng được thêm 2 triệu là cùng.
Anh N. dám khẳng định rằng, anh luôn làm việc hết mình cho công ty, không bao giờ ỷ mình là nhân viên lâu năm mà chểnh mảng công việc hay ức hiếp người mới.
Hơn nữa, nhiều hợp đồng quan trọng của công ty cũng là do anh N. kiếm được.
Vậy mà lãnh đạo thà đề cử cấp dưới ít kinh nghiệm, ít công lao lên vị trí quản lý, chứ cũng không cân nhắc cho anh N. cơ hội đó.
Lúc đầu nghe lãnh đạo bảo:
"Anh cố gắng kiếm thêm vài cái hợp đồng "béo bở" nữa, tôi sẽ tăng chức cho anh ngay lập tức."
Anh N. cũng tin tưởng, nên cố gắng tăng ca, hoàn thành vượt cả chỉ tiêu mỗi tháng. Nhưng hóa ra lãnh đạo chỉ hứa suông, dường như lúc nào N. đề nghị muốn được thăng chức, lãnh đạo đều tìm cớ cho qua.
Trước năm 26 tuổi, anh N. còn chưa gấp gáp việc thăng chức, tăng lương. Vì nghĩ rằng mình còn trẻ, phấn đấu vài năm nữa là ổn định ngay thôi.
Nhưng hiện tại anh ấy đã 35 tuổi, còn phải lo cho vợ con, người nhà nữa. Với mức lương hiện tại, làm sao sống đủ ở cái đất Sài Gòn đắt đỏ này?
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp khuyên anh nên từ chức, chuyển sang chỗ làm mới, nhưng anh có phần thiếu tự tin, thậm chí là khá nhút nhát.
Anh sợ từ chức rồi lại phải thất nghiệp cả tháng ở nhà để chạy vạy kiếm việc mới, còn bị hàng xóm xung quanh dò hỏi khiến anh rất ngại, nên hỏi tôi phải làm thế nào?
Tôi bảo anh ấy trả lời mình hai câu hỏi:
Thứ nhất: "Giả dụ anh có gắng làm ở đó thêm 5 năm nữa, anh nghĩ lãnh đạo sẽ thay đổi suy nghĩ, thăng chức cho anh chứ?"
Thứ hai: "Khi anh thất nghiệp, ai là người lo lắng cho anh, vợ con hay hàng xóm? Người sống với anh đến cuối đời là ai, vợ con hay hàng xóm?"
Anh ấy đáp:
Câu thứ nhất: "Tôi nghĩ là không, trừ phi lãnh đạo là một người khác. Vì thái độ ông ta đối với tôi, suốt 10 năm qua tôi đã nhìn thấu, có vẻ không thích tôi và cũng không muốn đề bạt tôi lên."
Câu thứ hai: "Cái này còn phải hỏi, dĩ nhiên là vợ con rồi!"
Tôi mới bảo:
"Vậy thì anh còn chần chừ gì nữa, đã biết trước kết quả 5 năm sau như vậy rồi, bây giờ chi bằng dứt khoát mà xin nghỉ việc, xin nơi khác làm. Thay vì cầu mong lãnh đạo cũ bị thay thế, sao anh không nghĩ rằng người mới biết đâu còn cực đoan hơn cả người cũ. Vả lại nếu anh thực sự có năng lực, vậy không nên sợ điều gì cả."
Dù thị trường bây giờ cần nhiều người trẻ năng động, nhưng 35 tuổi thì đã sao, miễn bạn là người ưu tú, có năng lực vững chắc, vậy nhất định đi đến đâu đi nữa cũng có thể "kiếm cơm".
"Hơn nữa, người anh sẽ sống cùng đến cuối đời là người nhà, mà không phải hàng xóm. Những người thực sự yêu mến anh, sẽ không bao giờ dò hỏi, soi mói, cười nhạo như vậy. Nếu đã biết bọn họ xấu xa, vậy để ý làm gì cho lãng phí thời gian."
Tôi nói này, một ngày có 24 tiếng đồng hồ, bạn ngủ mất 8 tiếng, đi làm mất 8 tiếng, chỉ còn 8 tiếng để ăn uống, sinh hoạt cá nhân, đi tham quan thế giới bên ngoài, bầu bạn với người nhà... Bạn bận như vậy rồi, cần gì phải quan tâm đến "cái miệng" của người đời.
Tự tin lên, dũng cảm hơn, nghĩ kĩ rồi làm, đừng có nghĩ xong rồi sợ mà không dám. Nếu đụng phải những lãnh đạo vô tâm, thiếu trách nhiệm như vậy, hãy xem xét xem công việc hiện tại có thực sự phù hợp với năng lực của bản thân hay không. Nếu không tương xứng, vậy sao bạn không chịu cho mình cơ hội, tìm đến phương trời mới rộng hơn, để bay cao và xa hơn nữa?
- 02 -
Trái ngược với trường hợp trên, Huyền – đồng nghiệp cũ của tôi lại từng bị sa thải vì một lí do: "Tự tin thái quá!"
Cô ấy là du học sinh Mỹ, có bằng IELTS 9.0, tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh loại giỏi, nói tiếng Anh trôi chảy.
Người hoàn hảo như cô ấy chỉ có một khuyết điểm duy nhất: Quá kiêu ngạo về bản thân mà quên mất việc cần phải học hỏi thêm ở người khác.
Bởi vì những thành tích "khủng" trong quá khứ, mới vào công ty, cô ấy đã được chọn làm quản lý phòng kinh doanh.
Tuy nhiên, do "bệnh" tự tin thái quá, cô ấy không bao giờ nghe ý kiến từ cấp dưới, mọi việc đều chỉ dựa theo suy nghĩ của mình rồi phân công.
Công việc vẫn tiến triển rất tốt, nhưng những người bất mãn với cô ấy lại ngày càng nhiều.
Đến khi tất cả cấp dưới không chịu nổi nữa, liền xin giám đốc đổi lãnh đạo mới, nếu không họ sẽ kí đơn xin nghỉ tập thể.
Giữa một người và một nhóm người, lãnh đạo dĩ nhiên sẽ chọn vế đầu để đỡ mất công sức kiếm tìm người mới.
Thế là, Huyền bị sa thải.
Làm vua mà không được lòng dân thì sớm hay muộn cũng có ngày bị lật đổ.
Dù bạn có ưu tú đến cỡ nào đi nữa, cũng đừng nên tự biến nhân cách của mình trở nên tầm thường chỉ vì lối kiêu ngạo và tự phụ.
Đời người, muốn sống bình an thì nên nhớ: Dù giỏi cũng không được "kiêu", dù dở cũng không được nản. Chưa thành công thì lo cố gắng, thành công rồi thì lo tích lũy, không chỉ tích lũy tiền bạc, mà còn tích lũy cả cái "đức", cái "tâm", cái "tầm."