7 vùng đất kì lạ nơi người dân không được phép... chết
Chết là điều chẳng ai có thể kiểm soát nổi, ấy thế mà tại những vùng đất này, việc đó lại bị cấm.
Với bất kì tội ác nào, cái chết thường được coi là hình phạt nặng nề nhất. Vậy nếu như ngay cả việc chết cũng là một tội thì sao? Dù nghe có vẻ phi lý, nhưng có những nơi trên thế giới mà điều tự nhiên và không thể tránh khỏi như cái chết lại bị cấm, và nếu không tuân theo thì họ cũng…chẳng làm sao cả, bởi lẽ cũng chưa có ai nghĩ ra hình phạt cho tội “chết” là gì.
Dưới đây là những vùng đất nơi người dân có lẽ phải sống bất tử, hoặc nếu có chết thì cũng không được chết ở đấy.
1. Sellia, Ý
Thành phố nằm ven sườn núi Sellia ra sắc lệnh quái gở vì có quá ít người.
Vào tháng 8/2015, thị trưởng thị trấn Sellia nằm ở phía Nam nước Ý đã ra sắc lệnh rằng người dân không được phép đổ bệnh. Với dân số chỉ vỏn vẹn 537 người, phần lớn đã trên 65 tuổi, thị trấn có thể sẽ lụi tàn theo nếu người dân chẳng may qua đời. Vì thế "lệnh cấm" này dù có vẻ không khả thi, nhưng nó thật ra nhằm khuyến khích mọi người sống khỏe mạnh và chăm sóc cho sức khỏe của mình. Bất cứ ai không đi khám sức khỏe định kì mỗi năm sẽ bị phạt nặng.
2. Cugnaux, Pháp
Cugnaux không thể tìm ra nơi mới để chôn cất người đã khuất.
Năm 2007 thành phố Cugnaux chỉ có 2 nghĩa địa với tổng số chỗ trống còn lại là 17 chỗ. Thật không may, vì ở đây mực nước ngầm có thể dâng lên khá cao, mảnh đất duy nhất có khả năng sử dụng để cơi nới diện tích bãi nghĩa trang là tại một doanh trại quân đội ngoài trời ở gần đấy.
Khi chính quyền ra quyết định cấm không cho thị trấn chôn người chết ở đó, thị trưởng Philippe Guérin đã tuyên bố “chết” là bất hợp pháp đối với bất cứ ai chưa có giấy phép được mai táng ở địa điểm mới.
3. Sarpourenx, Pháp
Mặc dù ra lệnh người dân không được phép chết, chính ngài thị trưởng của Sarpourenx lại "vi phạm".
Cũng giống như trường hợp của Cugnaux, vào năm 2008, khu nghĩa trang quá đông đúc của Sarpourenx đã khiến thị trưởng của thị trấn nhỏ bé với 260 cư dân nằm tại miền Tây Nam nước Pháp ra "lệnh cấm" không cho bất cứ ai được phép qua đời. Theo đúng sắc lệnh đã ra thì: “Người vi phạm sẽ bị xử phạt nặng”. Dù vậy, chính ngài thị trưởng đã đi ngược lại quy định chính mình đề ra khi ông đã qua đời cuối năm ngoái ở tuổi 70.
4. Biritiba Mirim, Brazil
Biritiba Mirim cũng đồng cảnh ngộ vì tình trạng quá tải tại nghĩa trang thị trấn.
Vào năm 2005, đối mặt với tình trạng thiếu chỗ chôn ở nghĩa địa địa phương, thị trưởng của Biritiba Mirim, thành phố cung cấp một lớn rau và hoa quả cho Sao Paulo, Brazil đã ban lệnh cấm không ai được chết. Phương pháp hỏa táng không được sự đồng tình bởi Nhà thờ Thiên Chúa, và nơi đây cũng không còn chỗ chôn hay hầm mộ còn trống. Thị trấn cũng không thể mở rộng diện tích nghĩa trang vì một bộ luật được đưa ra vào năm 2003 liên quan đến các khu vực có mực nước ngầm cao hoặc khu bảo tồn đặc biệt.
May mắn thay, vào năm 2010 một nghĩa trang mới đã được mở ra, và tạm thời mọi người đã có thể được phép “chết” như bình thường.
5. Lanjaron, Tây Ban Nha
Vào năm 1999, ngài thị trưởng của thành phố Lanjaron, nằm ở phía Nam Tây Ban Nha, cũng phải đau đầu vì vấn đề quá tải ở nghĩa trang trong vùng. Để giải quyết, ông đã "cấm" người dân của mình không được chết cho đến khi chính quyền sở tại có thể tìm ra địa điểm mới để lập nghĩa trang.
Người dân Lanjaron phải đặc biệt chăm sóc sức khỏe để tránh việc chết.
Một sắc lệnh được ban hành, yêu cầu người dân “phải chăm sóc sức khỏe ở mức tối đa để không được chết cho đến khi chính quyền thành phố có thể tiến hành những bước cần thiết để sở hữu khu đất mới dành cho những người đã khuất có thể yên nghỉ”.
6. Falciano Del Massico, Ý
Vì tranh chấp với thị trấn cạnh bên, Falciano Del Massico vẫn chưa có nghĩa trang cho riêng mình.
Thị trấn Falciano Del Massico, với dân số khoảng 3.700 người, nằm bên ngoài thành phố Naples (Ý), đã quyết định chết là bất hợp pháp vào năm 2012 nhằm "khiêu khích" thị trấn cạnh đó, nơi đã cho người dân của Falciano “mượn” chỗ trong nghĩa trang của họ nhưng lại tính phí cao hơn bình thường. Kể từ đó, đã có 2 người dân không may “phá luật” mà qua đời.
Falciano Del Massico từ trước tới nay không có nghĩa trang của riêng mình và cho đến tận năm 2014, thị trấn vẫn phải cố gắng đấu tranh để có được một nghĩa trang mới.
7. Longyearbyen, Na Uy
Thị trấn băng giá với khoảng 2.000 người này được coi là nơi định cư xa xôi nhất về phương Bắc của thế giới, vốn là một thị trấn khai thác mỏ. Vào năm 1950, sau khi nhận ra rằng các tử thi chôn trong nghĩa địa của thị trấn không thể phân hủy được, chính quyền đã ngừng cho phép việc chôn người đã khuất.
Nằm ở Cực Bắc lạnh lẽo, Longyearbyen đối mặt với vấn đề nan giải về việc phân hủy xác những người đã khuất.
Những xác người nằm bên dưới lớp băng vĩnh cữu đã được bảo quản nguyên vẹn đến nỗi virut gây dịch cúm Tây Ban Nha chết chóc vào năm 1918 vẫn còn có thể được tìm thấy trên người các nạn nhân xấu số được chôn tại đây, thậm chí thị trấn còn cho phép các nhà khoa học đến đây nghiên cứu loại virut này.
Chính vì những phúc lợi y tế của Na Uy không đến được thị trấn, nếu người dân quá già yếu hoặc bị bệnh, họ phải đến nơi khác để yên nghỉ.
(Nguồn: Mentalfloss)