7 thành phần dễ gây dị ứng có trong sản phẩm chăm sóc cơ thể
Nếu bạn đã từng bị nổi mẩn ngứa hay dị ứng da thì nguyên nhân có thể là do các thành phần trong sản phẩm chăm sóc cơ thể mà bạn dùng.
"Hầu hết các thành phần trong kem tẩy tế bào chết, làm sạch, hoặc lột da mặt đều có thể gây khó chịu", Ron Robinson, nhà hóa học về mỹ phẩm và người sáng lập của BeautyStat.com cho biết.
Hơn nữa, theo tiến sĩ Dendy Engelman thì một số người có cơ địa rất nhạy cảm với các thành phần dễ gây dị ứng. Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi bạn thử một sản phẩm chăm sóc cơ thể, hãy xem kỹ thành phần và tìm hiểu về các chất gây kích ứng phổ biến cho da.
Dưới đây là 7 thành phần trong sản phẩm chăm sóc cơ thể dễ khiến bạn bị dị ứng.
1. Axit salicylic
"Axit này là một thành phần hoạt tính tương tự như trong thuốc aspirin. Và có khoảng 3-5% dân số là nhạy cảm với aspirin", tiến sĩ Engelman cho biết.
Axit salicylic thường được sử dụng để điều trị mụn, nhưng nó có thể gây ra tình trạng phát ban hoặc viêm da. Tiến sĩ Engelman đề nghị sử dụng benzoyl peroxide để kiểm soát mụn trứng cá thay vì axit salicylic nếu da bạn bị kích ứng với hợp chất trên.
Ảnh minh họa
2. Nhôm (Aluminum)
Nhôm thường được tìm thấy trong các chất khử mùi và chất chống mồ hôi vì nó giúp làm giảm tiết mồ hôi, theo tiến sĩ Engelman. Tuy nhiên vì nó là một dạng muối, nó có thể gây ra mẩn đỏ, ngứa, và thậm chí là sưng tấy. "Một lựa chọn khác là dầu magiê, trong đó sử dụng clorua ninasium để ngăn chặn đổ mồ hôi, hay các chất khử mùi không chứa nhôm", tiến sĩ Engelman cho biết.
3. Axit Glycolic
Theo tiến sĩ, bác sĩ da liễu c tại Mount Kisco, New York thì: "Axit này nhỏ đến mức chúng có thể thâm nhập rất tốt vào da. Về mặt hiệu quả, điều đó là tuyệt vời. Nhưng sự thâm nhập nhanh chóng đó có thể khiến nó trở nên dễ kích ứng hơn".
Kết quả là gây ra một chút tác dụng phụ như tấy đỏ và khô da. "Một lựa chọn tốt hơn cho làn da nhạy cảm là axit lactic, về mặt vật lý chúng có kích thước lớn hơn nên sẽ giải phóng từ từ vào da", bác sĩ tiến sĩ Engelman khuyên.
4. Hợp chất sulfat (Sulfates)
"Khi mọi người sử dụng từ “sunfat”, họ đang đặc biệt đề cập đến hợp chất sodium lauryl sulfate (SLS). Những chất tẩy rửa được tìm thấy trong sữa rửa mặt và dầu gội có thể gây tình trạng khô và tấy đỏ cho những làn da nhạy cảm hay có nguy cơ bị eczema", tiến sĩ Bank cho biết. Giải pháp với vấn đề này là hãy thay bằng các sản phẩm không chứa chất sulfat.
5. Retinol
Theo tiến sĩ Bank, "Retinol vẫn là tiêu chuẩn vàng để chống lão hóa, đảo ngược các tác hại của ánh nắng mặt trời, và kích thích collagen. Hạn chế lớn nhất là nó có thể gây ra các tác dụng phụ như khô da hay khó chịu". Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng rất hiếm khi phản ứng độc hại xảy ra, chỉ là bạn có thể gặp phải những kích ứng khó chịu mà thôi.
Ảnh minh họa
6. Các chất bảo quản
"Các chất này hiện diện trong hầu hết các sản phẩm có chứa thành phần nước", tiến sĩ Engelman cho biết. Những chất bảo quản phổ biến nhất có thể nhìn thấy trên nhãn là: parabens, imidazolidinyl urê, Quaternium-15, DMDM hydantoin, phenoxyethanoil, methylchloroisothiazolinone, và formaldehyde. Những thành phần này ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ (và giữ cho sản phẩm được lâu hơn), nhưng chúng có thể gây ra phản ứng trương nở hoặc phát ban trong một tỷ lệ phần trăm nhỏ dân số bị dị ứng.
7. Hương liệu
Theo tiến sĩ Bank: "Các hương liệu nhân tạo chính là nguyên nhân số một gây ra dị ứng cho làn da". "Hương liệu" này không thực sự đề cập tới nước hoa, mà là các hợp chất hóa học giúp cho sản phẩm có mùi tốt hơn. "Hương liệu được sử dụng rất nhiều ngày nay. Thậm chí nếu sản phẩm được ghi là “không mùi”, thực ra nó vẫn chứa thành phần hương liệu để che dấu mùi của các hợp chất tạo thành", theo tiến sĩ Engelman.
Những người bị dị ứng có thể gặp vấn đề về sưng tấy, ngứa da, và trong trường hợp nặng, mí mắt có thể bị sưng phù lên. Do đó, lời khuyên là hãy lựa chọn những sản phẩm thay thế không chứa hương liệu (không chỉ là không có mùi mà trên nhãn cũng không được có bất kỳ thành phần hương liệu hóa học nào).
Cách xử lý nếu bị dị ứng với các sản phẩm chăm sóc, làm đẹp
Trước hết, hãy sử dụng các sản phẩm này một cách an toàn. "Nếu bạn nghĩ rằng da mình nhạy cảm, hãy bôi thử một chút lên phần da ở mặt trong của cổ tay trước khi sử dụng cho toàn mặt hoặc cơ thể", theo Robinson. "Nếu không có phát ban hay mẩn đỏ xuất hiện sau 24 giờ, bạn mới có thể an tâm sử dụng các sản phẩm như ý muốn".
Nếu bạn vẫn còn bị kích ứng, tiến sĩ Engelman đề nghị nên sử dụng một liều bôi nhẹ của steroid, ví dụ như cortisone, hoặc uống thuốc chống dị ứng, như Allegra hay Zyrtec, để làm giảm sưng, tấy đỏ và ngứa. Nếu các phản ứng nặng hơn, steroid dạng uống có thể được yêu cầu để giảm phản ứng dị ứng này. Và nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng sưng môi, lưỡi, hoặc họng, khó thở, hay phát ban, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
(Nguồn: WomenHealthMag)