7 quy tắc để không gây mích lòng đối phương qua tin nhắn
Nhắn tin là một hoạt động giao tiếp rất phổ biến, nhưng vẫn có những quy tắc chúng ta cần ghi nhớ.
Trong thời đại ngày nay, nhắn tin đang dần trở thành hình thức liên lạc chính của rất nhiều người. Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), một nghiên cứu về nhắn tin cho thấy đây là phương tiện giao tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của chúng ta.
Leora Trub, tiến sĩ tại Đại học Pace, New York, Mỹ đã trình bày các nghiên cứu về thói quen nhắn tin và phát hiện rằng, tìm một người có phong cách nhắn tin giống bạn sẽ giúp cải thiện sự hài lòng về các mối quan hệ nói chung.
Nhóm nghiên cứu của Trub đã khảo sát 205 người trong độ tuổi từ 18 đến 29, tất cả đều đang trong mối quan hệ. Các câu hỏi xoay quanh chuyện cảm xúc, thói quen nhắn tin và sự hài lòng trong mối quan hệ.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy ngay cả khi các cặp đôi nhắn tin gây gổ, phàn nàn, thì việc có cùng phong cách nhắn tin vẫn giúp cải thiện sự giao tiếp và hài lòng nói chung.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi một người thường xuyên nhắn tin sẽ không phù hợp lắm với một người không thích nhắn tin. Một trong hai, hoặc cả hai, sẽ bắt buộc phải thay đổi để thích nghi. Nhưng phong cách nhắn tin không chỉ dừng ở chuyện tần suất nhắn tin, mà quan trọng là nhắn tin như thế nào. Trub cho biết: “Cách các cặp đôi nhắn tin quan trọng hơn tần suất nhắn tin”.
Ngoài ra, cũng có những cặp đôi chọn nhắn những tin “khêu gợi”, nhắn tin 18+ (sexting) để tìm kiếm cảm giác mới trong tình yêu.
Dùng tin nhắn để né tránh
Trub đồng thời cũng tiến hành một nghiên cứu cho thấy việc nhắn tin có khả năng gắn kết mọi người hoặc gây chia rẽ tùy thuộc vào người mà chúng ta đang nhắn tin, cách nhắn tin. Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 982 người trưởng thành từ 18 đến 29 tuổi về hành vi “nghiện điện thoại”, mức độ lo lắng xã hội và tính cách của họ.
Bên cạnh việc nhắn tin thúc đẩy mối quan hệ, Trub nhận thấy mọi người cũng sử dụng tin nhắn để né tránh xung đột, hoặc để thoát ra khỏi những đoạn hội thoại ngượng ngùng, khó xử, nhàm chán.
Trub cho biết: “Chúng ta nhắn tin để hỏi thăm vợ/chồng của mình trong lúc làm việc hoặc để giữ liên lạc với bạn bè ở xa, nhưng chúng ta cũng nhắn tin để tránh giao tiếp với họ hàng, và cũng có người thậm chí dùng tin nhắn để chia tay. Nhắn tin có thể trở thành một rào cản”.
Mặc dù vậy, Trub khuyên rằng không nên cả ngày nhắn tin, bởi phụ thuộc vào tin nhắn sẽ dẫn đến cảm giác cô đơn, bị xa lánh.
Mặc dù nhắn tin có thể cải thiện mối quan hệ, nhưng nghiên cứu của Đại học Purdue cho thấy nhắn tin quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn và không hài lòng.
Michelle Drouin, tiến sĩ của Đại học Purdue Fort Wayne, Ấn Độ cho biết tại hội nghị APA, nhắn tin yêu đương 18+ có thể giúp các cặp vợ chồng xích lại gần nhau và thêm thắt gia vị tình yêu, nhưng nhắn quá nhiều thì lại không ổn, đặc biệt là với các cặp đôi “nghiện quan hệ tình dục”.
Nhắn tin thế nào để cải thiện mối quan hệ?
Theo tờ Care to change, dưới đây là 7 quy tắc nhắn tin cần nhớ để các cặp đôi cải thiện mối quan hệ:
1. Gọi điện hoặc thu âm nếu tin nhắn không giúp giải quyết vấn đề: Sự thực là đôi khi có những thông điệp quan trọng không thể truyền tải đầy đủ qua tin nhắn, thậm chí dễ gây hiểu lầm khi nhắn tin. Những lúc thế này, hãy sắp xếp thời gian để gọi cho người kia.
2. Hạn chế tin nhắn tiêu cực: Khi bạn tỏ thái độ bực bội với đối phương, họ sẽ chỉ nghe thấy, nhìn thấy một lần. Nhưng nếu đó là tin nhắn xúc phạm, bất kỳ lúc nào đối phương cũng có thể tìm lại và đọc lại tin nhắn không hay ho đó. Rất may là trên một số nền tảng nhắn tin hiện đại đã có chức năng thu hồi tin nhắn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể nặng lời với đối phương.
3. Chú ý tin nhắn nhạy cảm: Đôi khi bạn sẽ muốn nhắn tin hơi thân mật một chút với người yêu, nhưng đừng quên rằng có thể họ đang không ở một mình mà ngồi cạnh ai khác, hơn nữa có thể họ đang bật chế độ hiện tin nhắn lên “màn hình chờ”. Vì vậy, hãy cân nhắc đến cả bối cảnh khi nhắn tin.
4. Đừng vội vàng đánh giá: Vì tin nhắn khó có thể bộc lộ cảm xúc của một người, sẽ không tránh khỏi trường hợp bạn hiểu nhầm ý của đối phương. Lúc này, đừng vội vàng phản ứng lại, hãy từ tốn hỏi lại họ hoặc hẹn gặp mặt trực tiếp để giải quyết vấn đề.
5. Đừng tiếp tục nhắn tin: Nếu người yêu bạn không trả lời sau hai, ba tin nhắn, đừng tiếp tục gửi tin nhắn nữa. Họ có thể đang bận họp hoặc đang ở ngoài đường.
6. Hạn chế viết in hoa: Khi bực mình, đừng cố viết in hoa NHƯ THẾ NÀY để người đối diện biết là bạn đang tức giận hét lên. Không ai muốn lao vào một cuộc “hỗn chiến” bằng tin nhắn.
7. Hãy kín đáo. Đừng gửi tin nhắn quá riêng tư, vì bạn không bao giờ biết liệu điện thoại của mình có bị đánh cắp dữ liệu không. Ngay cả khi bạn xóa đi rồi thì dòng tin vẫn sẽ nằm trên hệ thống máy chủ.