7 "món" ai cũng tưởng siêu lành mạnh hóa ra lại dễ khiến bạn ốm yếu
Nếu bạn vẫn thường xuyên dùng những món này vì cho rằng chúng tốt cho sức khỏe, đã đến lúc nên nhìn nhận lại.
Luôn cố gắng để sống khỏe mạnh đôi khi khiến bạn bối rối trước những luồng thông tin. Nhất là trên mạng xã hội hiện nay có quá nhiều thông tin trái chiều. Ví dụ như, có những thực phẩm không hề tốt cho sức khỏe nhưng hầu hết chúng ta lại tin rằng chúng lành mạnh. May thay, những nghiên cứu khoa học tuyệt vời sẵn có sẽ luôn là "kim chỉ nam" để hướng bạn đến kết luận chính xác nhất.
7 món kém lành mạnh nhưng ai cũng tưởng tốt
1. Nước ép trái cây 100%
Đây hẳn là món đồ uống được nhiều người cho rằng rất lành mạnh, rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, theo một bài báo đăng trên The Washington Post được viết 3 chuyên gia dinh dưỡng, "sự thật là nước trái cây 100% nguyên chất, ngay cả khi mới ép xong rồi uống ngay cũng không hẳn tốt vì chúng thường có quá nhiều đường".
Việc loại bỏ vỏ, hạt, chất xơ, chỉ lấy nước ép có thể khiến đường huyết tăng vọt, dùng nước ép trái cây thường xuyên kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Thêm vào đó, nước ép trái cây sẽ nạp nhiều calo hơn hẳn so với việc ăn quả. Điều này có thể gây tăng cân.
Làm thế nào để uống nước trái cây mà vẫn có được cơ thể khỏe mạnh? Theo Webmd, điều quan trọng nhất là bạn phải bổ sung thêm các loại rau trong món nước ép. Hoặc bạn có thể bỏ qua nước ép và dùng sinh tố, bổ sung thêm bột protein, sữa hạnh nhân...
2. Bắp rang bơ
Bỏng ngô là một món ăn nhẹ tuyệt vời có hàm lượng calo thấp, nhiều chất xơ, tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu món ăn của bạn được làm từ lò vi sóng thì coi chừng.
Vào tháng 5 năm 2015, một nhóm các nhà khoa học môi trường đã phát hành Tuyên bố Madrid - được xuất bản trên tạp chí Environmental Health Perspectives với sự hỗ trợ của Viện Y tế Quốc gia. Các nhà khoa học bày tỏ mối quan ngại về một nhóm chất được gọi là hóa chất perfluorinated (PFCs hay PFSAs) tìm thấy trong bắp rang bơ chế biến trong lò vi sóng.
Nguyên nhân bởi bắp rang bơ kiểu này cần đảm bảo chống thấm nước, chống thấm dầu mỡ. Bên trong túi đựng bắp rang bơ lò vi sóng cũng thường được phủ một lớp PFC. Do đó, theo một bài báo đăng trên Today Healthy Living, nhóm vận động bảo vệ môi trường EWG gợi ý rằng tốt nhất bạn nên "làm bỏng ngô theo cách cổ điển, tức là rang trên bếp nấu nhà bạn".
3. Nước ngọt ăn kiêng và chất làm ngọt nhân tạo
Đối với nhiều người, cố gắng giảm cân thường liên quan đến việc chuyển từ soda thông thường sang phiên bản ăn kiêng không calo. Thật đáng buồn cho những ai trong chúng ta thích Diet Coke, đây không phải là một ý tưởng tuyệt vời.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học và Sinh học Yale (YJBM), chất làm ngọt nhân tạo trong soda ăn kiêng hiện nay rất phổ biến. Chúng ta chọn sản phẩm có chất làm ngọt nhân tạo không calo thay thế vì muốn giảm cân hoặc duy trì cân nặng.
Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy chất làm ngọt nhân tạo có thể liên quan đến tăng cân và béo phì ở cả trẻ em và người lớn. Trên thực tế, theo một phân tích tổng hợp của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada, tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo có liên quan đến sự gia tăng các chỉ số sức khỏe như tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Nguyên nhân bởi, chất làm ngọt nhân tạo không kích hoạt cảm giác hài lòng sau khi ăn thứ gì đó ngọt như món có vị ngọt tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn và thèm đường. Thay vì ăn những món này, bạn nên chuyển sang thực phẩm sử dụng chất làm ngọt tự nhiên như mật ong, xi-rô cây phong với lượng nhỏ.
4. Đồ uống thể thao
Theo một báo cáo được công bố bởi Đại học California, mặc dù đồ uống thể thao được bán trên thị trường là nguồn bù nước lý tưởng cho "sức khỏe và tăng cường sức mạnh" nhưng đây chỉ là những lời hứa hẹn mang tính tiếp thị.
Những đồ uống này thường được tăng cường với các chất dinh dưỡng bổ sung, được quảng cáo là mang lại lợi ích cho sức khỏe.... Tuy nhiên, hàm lượng đường và tác dụng phụ tiềm ẩn của một số chất phụ gia cũng rất lớn. Nước lọc vẫn là lựa chọn tốt hơn cả khi bạn phải tập luyện trong thời gian kéo dài, đổ nhiều mồ hôi.
5. Vitamin tổng hợp
Nhiều người cho rằng, càng có tuổi thì càng nên bổ sung nhiều vitamin tổng hợp. Đây là quan niệm sai lầm. Việc nạp quá nhiều beta-carotene, vitamin E và vitamin A có thể gây hại cho sức khỏe của bạn khi bạn ngày càng già đi.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên, hãy ăn những thực phẩm lành mạnh. Trong khi các chất bổ sung có thể giúp ích thì "chìa khóa giúp bạn nạp lượng vitamin và khoáng chất lành mạnh tốt nhất là ăn chế độ cân bằng". Điều này là do "thực phẩm cung cấp nhiều hợp chất hoạt tính sinh học và chất xơ thường không có trong chất bổ sung".
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, nếu bạn đang ăn một chế độ ăn uống lành mạnh mà vẫn bị thiếu (những loại thiếu hụt phổ biến nhất đối với phụ nữ bao gồm sắt, canxi và vitamin D) thì việc bổ sung mới cần thiết.
6. Bánh quy phủ sữa chua
Bánh quy ít béo nhúng trong sữa chua vani thoạt nhìn có thể là một món ăn vặt ngon và lành mạnh, nhưng hãy xem lại. Đầu tiên, chúng không đơn giản chỉ được nhúng vào sữa chua bởi vì những món ăn nhẹ này nằm trên các kệ hàng tạp hóa, trái ngược với ở trong các khu vực tủ lạnh.
TS David Katz (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa, Đại học Yale) giải thích với Time: "Lớp phủ gọi là sữa chua nghe có vẻ rất lành mạnh, yên tâm ăn nhiều nhưng thực ra chúng còn có nhiều thành phần đường, muối, chất bảo quản trong đó".
Vì vậy, hãy chọn một loại sữa chua nguyên chất hoặc vani để nhúng trái cây hoặc các loại hạt vào, sau đó đông lạnh để có một món ngọt với lượng đường bổ sung ít hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn.
7. Súp đóng hộp
Nhiều thương hiệu súp phổ biến thường cho thêm bột ngọt, chất phụ gia làm tăng hương vị, tăng cảm giác ngon miệng. Nếu lạm dụng có thể khiến bạn bị đau đầu, đỏ mặt, đổ mồ hôi, tê, ngứa ran hoặc bỏng rát ở mặt, tim đập nhanh, đau ngực, buồn nôn và suy nhược.
Cách giải quyết vấn đề này là dùng súp tự làm. Nếu sự tiện lợi là thứ bạn muốn, hãy tìm các thương hiệu tự nhận không sử dụng phụ gia đề rõ trên bao bì.