7 khoản đầu tư "độc hại", có "cho thêm tiền" thì cũng đừng bao giờ làm theo, đặc biệt là điều số 5
Hãy chỉ thực hiện các khoản đầu tư mà bạn tự nghiên cứu kỹ lưỡng, đáp ứng những mục tiêu cá nhân cũng như khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.
Đầu tư là một cách hiệu quả và nhanh chóng để làm giàu. Tuy nhiên nó cũng có thể cuốn bay tài khoản nếu như bạn đưa ra các quyết định đầu tư sai lầm.
Dù bạn đang có tiền nhàn rỗi thì cũng đừng bao giờ đổ vào những khoản đầu tư độc hại dưới đây, kẻo có ngày tay trắng!
1. Cho vay thế chấp dưới chuẩn
Giao dịch cho vay này được hiểu là bên vay vốn không đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản để vay tiền. Họ là đối tượng có mức tín nhiệm thấp, chẳng hạn như không có thu nhập cố định, lịch sử tín dụng kém… Tuy nhiên vì thu về mức lãi suất cao hơn thông thường nên nhiều người vẫn quyết định cho vay.
Thực tế đây là một trong những khoản đầu tư độc hại. Bởi vì đối tượng vay tiền của bạn khả năng cao không hoàn trả được món nợ, thậm chí là bị vỡ nợ. Lúc ấy thì mức lãi suất cao nhận được cũng chẳng thể bù đắp nổi một phần thiệt hại bạn phải chịu đựng.
2. Cổ phiếu penny
Đây là loại cổ phiếu được phát hành bởi các công ty rất nhỏ. Theo cách nói của Wall Street thì chúng là những cổ phiếu được giao dịch với giá dưới 1 USD/cổ phiếu. Nó chiếm được sự quan tâm của nhà đầu tư vì giá rẻ và phần trăm tăng giá có thể rất lớn. Ví dụ bạn mua một cổ phiếu penny với giá 50 xu, chỉ cần nó tăng thêm 10 xu cho một cổ phiếu thì mức tăng giá đã là 20%.
Một lý do quan trọng khiến cổ phiếu penny giao dịch ở mức giá thấp như vậy là vì công ty đứng đằng sau nó đang làm ăn thua lỗ và có thể sắp phá sản. Mua cổ phiếu penny là một canh bạc đối với nhà đầu tư. Chính xác hơn đây là sự đầu cơ, giá cổ phiếu cũng chịu sự thao túng của thị trường, do vậy nó được xếp vào danh sách những khoản đầu tư độc hại.
3. Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao
Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao nhận được sự hào hứng từ các nhà đầu tư nhưng chúng lại bị xếp hạng rất thấp bởi các cơ quan tín dụng. Những khoản đầu tư có lãi suất cao hơn bình thường luôn đi kèm rủi ro lớn hơn.
Đưa ra mức lãi suất cao là chiêu bài mà những công ty đang làm ăn thua lỗ thu hút vốn. Rõ ràng khoản đầu tư này chỉ mang lại lợi nhuận lý tưởng trước mắt, trong thời gian dài hơn nó rất độc hại vì công ty có khả năng bị phá sản.
4. Tài khoản tiết kiệm truyền thống tại các ngân hàng lớn
Tài khoản tiết kiệm ngân hàng là phương án đầu tư an toàn, có mức lãi suất thường xuyên. Khoản đầu tư này không độc hại theo nghĩa nó sẽ làm mất sạch số tiền vốn bạn có. Độc hại ở đây mang ý nghĩa tương đối hơn.
Các ngân hàng lớn thường huy động vốn với lãi suất thấp nhất trong hệ thống các ngân hàng hiện hành. Lãi suất như vậy thậm chí còn không theo kịp tỷ lệ lạm phát. Gửi tiền trong loại tài khoản này, bạn không bao giờ tạo ra được lợi nhuận, có khi còn phải chịu thiệt hại.
5. Khoản đầu tư mà người hàng xóm của bạn khoe khoang
Dường như tất cả chúng ta đều có ít nhất một người hàng xóm/bạn bè/người quen từng khoe khoang về khoản đầu tư “tăng gấp đôi tiền vốn” nhanh chóng. Bạn rất dễ bị lôi cuốn vào điều đó, bởi vì ai cũng muốn gấp đôi tài khoản của mình.
Tuy nhiên đầu tư theo sự khoe khoang của người khác là cực kỳ dại dột, vì con người có xu hướng phóng đại mọi thứ. Cho dù đó là sự thật thì có một nguyên tắc không bao giờ sai, đó là lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn.
Hãy chỉ thực hiện các khoản đầu tư mà bạn tự nghiên cứu kỹ lưỡng, đáp ứng những mục tiêu cá nhân cũng như khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.
6. “Thiên thần sa ngã”
"Thiên thần sa ngã" là từ để chỉ một cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp rơi từ mức giá cao ngất ngưởng xuống thấp đến "thảm thương". Trong thế giới trái phiếu, điều đó có nghĩa là một công ty từng xếp hạng tín nhiệm cao rơi xuống trạng thái “rác”. Đối với cổ phiếu, nó ám chỉ những cổ phiếu từng có giá rất cao nhưng nay rơi xuống “bãi thải”.
Khoản đầu tư này thường hấp dẫn mọi người vì bản chất con người là nhớ các mức giá cao trước đây. Họ nghĩ rằng mức giá thấp hiện tại chỉ là tạm thời, cổ phiếu rồi sẽ lại tăng giá, trở về thời kỳ "huy hoàng" khi xưa.
Mua một cổ phiếu đang giảm mạnh chẳng khác gì bắt 1 con dao rơi trong không khí, khả năng bạn bắt được nó mà không bị thương là rất nhỏ. Bạn không thể xác định được đâu mới là mức giá “đáy”, càng chẳng thể dự đoán bao giờ nó mới có xu hướng tăng giá trở lại.
An toàn hơn cả là bạn chờ cho đến khi cổ phiếu ấy có dấu hiệu chắc chắn đã quay trở lại xu hướng tăng, sau đó hãy rót vốn.
7. Khoản đầu tư được đảm bảo về mức lợi nhuận
Chẳng khó để bạn bắt gặp quảng cáo về các khoản đầu tư kiểu như “đảm bảo sinh lời 20% mỗi năm”. Tuy nhiên lại không có thông tin chi tiết về khoản đầu tư ấy, hoặc dụ dỗ người đầu tư bằng những từ ngữ đầy mờ ám như “được chính phủ hậu thuẫn”, “không lãi đền tiền gấp đôi”...
Thực tế chẳng ai có thể đảm bảo chắc chắn về mức lợi nhuận hai con số mỗi năm. Lấy ví dụ lợi nhuận trung bình hàng năm cho S&P 500 từ năm 1926 đến năm 2018 chỉ là khoảng 10% và thậm chí lợi nhuận đó còn không thể được đảm bảo.
Do vậy bất kỳ khoản đầu tư nào mà bạn bè hoặc các trang web quảng cáo có nội dung tương tự chắc chắn là độc hại và khả năng cao chính là lừa đảo.
Theo: GBR