7 dấu hiệu hôn nhân rạn nứt cần cứu vãn trước khi quá muộn
Dưới đây là 7 điểm chung mà các cặp đôi không hạnh phúc, không hòa hợp, đang đi vào con đường bế tắc và rạn nứt thường mắc phải.
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng vì sao có những cặp đôi có thể chung sống với nhau rất hạnh phúc từ trẻ cho đến già, cho dù họ không có những thứ cầu kỳ, xa hoa. Họ sống rất giản dị, thậm chí là thiếu thốn về những tiện nghi vật chất nhưng họ vẫn rất hạnh phúc không?
Những cặp đôi hạnh phúc họ có điểm chung là đều biết bao dung, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng, nhẫn nhịn… Và những cặp đôi không hạnh phúc họ cũng có những điều chung giống nhau khác.
Chuyên gia tâm lý Tuệ An cho biết một sự đổ vỡ của tình yêu, hôn nhân có thể có những dấu hiệu báo trước, nếu tinh ý, bạn có thể dễ dàng nhận ra.
Xung khắc về tính nết và không tìm được điểm chung
Mỗi con người đều là những thực thể khác biệt, không có người nào giống với người nào. Nhưng bạn nghĩ sao nếu chúng ta có 100 điểm mà chúng ta lại khác nhau cả 100 điểm? Đó sẽ là hai cái đường thẳng song song không thể nào có lấy một điểm chung.
Vợ làm việc của vợ, chồng làm việc của chồng không có sự thấu hiểu, đồng điệu, không có cả sự sẻ chia.
Đã là vợ chồng chúng ta cần phải nhận thức được: “Mình đương nhiên sẽ có những sự khác biệt về tính cách nhưng mình cũng phải tìm ra cho mình và người ấy những điểm chung hay thậm chí cố tình tạo ra những điểm chung với người ấy”. Vì chỉ khi cả hai có điểm chung thì chúng ta mới dễ dàng nói chuyện được với nhau và có nhiều thứ để chia sẻ với nhau hơn.
Thiếu tình yêu và thiếu việc yêu
Tình yêu là danh từ nhưng yêu là động từ. Việc yêu dành cho nhau là những sự quan tâm nhỏ bé, là những tiếng gọi đầy tình cảm “vợ ơi, chồng ơi…” là những hành động nhỏ dành cho nhau như là mua cho nhau món quà nhỏ, hay nấu cho nhau những bữa ăn sáng, những hành động quan tâm nhỏ bé… Khi chúng ta thiếu đi rồi thì tình yêu của chúng ta sẽ chết dần chết mòn.
Giống như chuyện bạn có một cái cây nhưng bạn chẳng tưới tắm cho nó, chẳng quan tâm chăm sóc nó, chẳng lo lắng cho nó cứ đi lo những công việc khác ở bên ngoài, đối tác làm ăn, bạn bè,… mà quên đi mất chúng ta còn một người rất quan trọng trong cuộc đời chính là người đã nên vợ nên chồng với chúng ta.
Gặp chuyện sẽ đi kể lể với người thân, bạn bè
Khi một vấn đề bạn kể ra thì hầu như 99% họ sẽ có đánh giá chủ quan về vấn đề hai vợ chồng bạn đang gặp phải. Vì lời đánh giá của họ sẽ dựa trên lời kể của bạn, cộng thêm họ thân thiết với bạn hơn thì họ sẽ ưu tiên thiên vị bạn hơn.
Lời khuyên muôn thủa mà chúng ta hay nghe được chính là: “Ôi, cái người đàn ông/ đàn bà này quá tồi tệ, quá khốn nạn, nên bỏ quách nó đi mà tìm một người khác tốt hơn!”. Nhưng người ấy có thật sự tệ đến thế hay không, người tiếp theo có thật sự sẽ tốt hơn không hay còn tồi tệ hơn cả người cũ có khi chính bản thân chúng ta cũng không thể đưa ra đáp án chính xác được.
Khi kể chuyện chúng ta có bao giờ kể mặt tốt của bạn đời và mặt chưa tốt của chúng ta đâu. Luôn luôn là mặt xấu tệ của bạn đời và mặt tốt của chúng ta nên khi người thân, bạn bè nghe được bạn kể thì họ hầu như sẽ bênh vực bạn và còn khuyên bạn nên ly hôn. Để rồi chính tay mình phá hủy đi mái ấm mà mình cùng người ấy đã dày công sức để xây dựng trong khi bản thân còn chưa rõ nguyên nhân gốc rễ gây nên vấn đề hai vợ chồng đang gặp phải là gì?
Ngoại tình
Ngoại tình được cho là biến cố rất lớn trong tình yêu và hôn nhân. Và đương nhiên không phải chuyện gì cũng tự nhiên xảy đến với mình mà nó đều là nhân bạn đã gieo từ trước.
Nếu người ấy ngay từ đầu đã có bản tính trăng hoa thì bạn cũng cần xem lại xem vì sao ngay từ đầu mình lại lựa chọn một người trăng hoa như thế làm vợ làm chồng?
Còn nếu bản thân người ấy là một người tốt thì mình mới lấy, nhưng lâu dần khi hai người về chung một nhà họ lại đi ngoại tình thì hãy xem xem có phải cái mái nhà này nó không đủ ấm khiến người ta phải dời đi hay không?
Và khi biến cố ngoại tình đến thì bạn có buồn cũng buồn chút xíu thôi nhé. Chúng ta phải vực dậy tinh thần của mình, phải xem xét lại mối quan hệ, phải chọn cái Đích buông hay giữ, phải cư xử văn mình và tử tế trong bất cứ một tình huống nào. Đừng để mình xấu mặt hay trở thành câu chuyện giải trí cho thiên hạ bàn tán.
Mâu thuẫn tài chính
Tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì vất vả thế thôi. Chuyện này đối với những cặp vợ chồng đã có con rồi sẽ rõ ràng nhất.
Tiền quan trọng nhưng không thể vì tiền mà bất chấp mọi chuyện, đánh đổi tất cả mọi thứ. Hãy hiểu rằng khi chúng ta có giá trị, khi chúng ta biết trao đi những giá trị tốt đẹp cho người khác thì tiền tự khắc sẽ về lại với chúng ta. Đây chính là quy luật nhân quả, gieo những điều tốt sẽ gặt hái được những quả ngọt.
Và hãy nhớ chúng ta cần phải độc lập về tài chính, chỉ có độc lập về tài chính chúng ta mới có thể tránh đi những mâu thuẫn không đáng có trong mối quan hệ với bạn đời.
Còn nếu có mâu thuẫn về tài chính thì cần bình tĩnh ngồi lại với nhau để biết rằng tiền có thể đến rồi lại đi rồi lại đến, miễn là chúng ta chung tay với nhau để cùng tạo giá trị cho cộng đồng, cho khách hàng, cho người khác là được.
Luôn luôn phê bình và so sánh
Đôi khi chúng ta đóng vai một quan tòa luôn phán xét và chỉ trích đối phương. Chỉ tay và nói cho đối phương biết họ đang sai ở đâu, cần làm gì, giáo dục và đạo tạo họ luôn.
Hãy hiểu rằng yêu là lắng nghe, là thấu hiểu chứ không phải là chỉ trích, là phê bình rồi còn so sánh. So sánh họ với chính ta, so sánh người ấy của bây giờ với người ấy của trước đây. Rồi còn so sánh người ấy của mình với người ấy của bên hàng xóm.
Đừng so sánh và phê bình vì: “Khi bạn chê bai người bạn đời của mình, hạ thấp người bạn đời của mình thì chính là bạn đang chê bai chính bạn và hạ thấp chính con người của bạn”. Hãy nhớ “vợ chồng như chim liền cánh như cây liền cành”. Làm gì có chuyện bạn hạ người ấy của mình xuống thấp mà bạn có thể ở trên cao được.
Bạo lực gia đình
Bạo lực ở đây không chỉ là bạo lực về mặt thể xác mà còn cả bạo lực về mặt tinh thần.
Bạo lực về mặt thể xác thì nó đã rõ ràng rồi, ai cũng thấy rồi nhưng bạo lực về mặt tình thần lại là thứ không thể cứ nhìn là sẽ thấy. Và nó còn là thứ khủng khiếp hơn cả bạo lực về mặt thể xác. Đã có không ít những người vợ, người chồng bị trầm cảm, bị bệnh tâm thần và phải điều trị nhiều năm bằng thuốc.
Vậy nên khi chúng ta lựa chọn bước chân vào hôn nhân chúng ta hãy lựa chọn mình là những người đã trưởng thành, biết kiềm chế về mặt cảm xúc để không nói ra lời làm tổn thương người ấy, không làm ra những hành động làm người ấy đau khổ. Biết giữ vững chính mình để chúng ta luôn bình an trước mọi tình huống có thể xảy ra, để chúng ta bao dung và thấu hiểu hơn cho người ấy và để cả ta và người ấy luôn hạnh phúc trong cuộc đời này.