Phát hiện khoa học làm sáng tỏ nghịch lý cho giai đoạn hôn nhân lâu năm
Cuộc khảo sát được chia ra 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn cách nhau 5-6 năm.
Bộ phim truyền hình nổi tiếng One Foot in the Grave đã khắc họa một thực trạng trong các cuộc hôn nhân, đó là nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi dường như không thể chịu đựng được những tính cách của đối phương. Lý do đơn giản là vì ngọn lửa tình yêu của họ đã bị dập tắt từ lâu.
Liên quan đến vấn đề gây tranh luận này, các nhà khoa học tại Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài 13 năm. Cụ thể, họ đã tiến hành theo dõi 2 nhóm đối tượng.
Một nhóm là các cặp vợ chồng từ 40-50 tuổi đã kết hôn ít nhất 15 năm. Nhóm còn lại bao gồm các cặp đôi từ 60-70 tuổi và kết hôn ít nhất là 35 năm.
Cuộc khảo sát được chia ra 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn cách nhau 5-6 năm.
Trong mỗi lần thực hiện khảo sát, các cặp vợ chồng được mời tham gia một cuộc trò chuyện kéo dài 15 phút. Chủ đề của cuộc nói chuyện không được thông báo trước nhưng là một lĩnh vực mà trước giờ họ không có cùng quan điểm với đối phương. Tất cả đều được quay video và sau đó các nhà khoa học tiến hành phân tích thái độ của họ.
Thái độ được đánh giá dựa trên nét mặt, ngôn ngữ cơ thể, nội dung của lời nói và giọng điệu của đôi bên.
Ngoài ra, các cung bậc cảm xúc được áp dụng để đánh giá bao gồm: Tức giận, khinh thường, ghê tởm, độc đoán, phòng thủ, sợ hãi, căng thẳng, buồn bã, than vãn, quan tâm, tình cảm, hài hước và nhiệt tình.
Kết quả được công bố trên tạp chí Emotion (Anh) chỉ ra rằng các cặp đôi có xu hướng thể hiện nhiều tình cảm với đối phương và họ cũng tỏ ra rất hài hước trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ngược lại, những biểu hiện như phòng thủ hay căng thẳng dần biến mất qua từng giai đoạn.
Đương nhiên, cảm xúc của phụ nữ thường được thể hiện mãnh liệt, còn những người chồng lại tỏ ra độc đoán hơn, nhưng điều đó không ảnh hưởng quá nhiều so với biểu hiện tích cực chung.
Tác giả của nghiên cứu - Robert Levenson, giáo sư tâm lý học của Đại học California Berkeley (Mỹ) cho biết: “Phát hiện của chúng tôi đã làm sáng tỏ một nghịch lý trong giai đoạn sau của cuộc hôn nhân”.
Đó là, mặc dù phải trải qua nhiều sự mất mát hơn trong cuộc sống, những người lớn tuổi lại tương đối hạnh phúc và ít có những cảm xúc lo lắng. Điều này cho thấy hôn nhân đã có ảnh hưởng rất tích cực đối với sức khỏe tinh thần của họ.
Ví dụ, đối với những cặp vợ chồng kết hôn lâu năm, tần suất của các cuộc cãi vã giảm dần, thay vào đó, họ trở nên đồng cảm và thấu hiểu nhau hơn. Lý do đơn giản là vì trong những năm đầu của hôn nhân, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề như tình hình con cái hay sự ổn định tài chính. Hơn nữa, khi đã sống với nhau trong nhiều thập kỷ, cả hai sẽ hiểu nhau hơn, dần trở nên thấu hiểu và rộng lượng với đối phương.
Bên cạnh đó, một sinh viên đang theo học tiến sĩ ở Mỹ Alice Verstaen cũng thực hiện một nghiên cứu trên các đối tượng ở độ tuổi 70, 80 và 90 đến từ Khu vực Vịnh San Francisco (Mỹ).
Kết quả cho thấy khi con người già đi, họ sẽ tập trung nhiều hơn vào những điều tích cực trong cuộc sống.
“Đối với người già, những mối quan hệ thân mật với người khác đóng vai trò rất quan trọng. Chúng giúp họ duy trì được sức khỏe tinh thần và nhiều cảm xúc tích cực”, Alice giải thích.