7 câu hỏi lớn ai cũng muốn giải đáp về người anh em Trái đất mới được công bố
Cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi - ai ai cũng muốn được trả lời về Proxima b - hành tinh giống hệt Trái đất mới được khai sáng.
Có thể nói, với việc phát hiện ra hành tinh mới giống Trái đất mang tên Proxima b - cách chúng ta hơn 4 năm ánh sáng - là một trong những khám phá thiên văn lớn nhất của thế kỷ.
Phát hiện này sẽ mở ra cho loài người một hi vọng mới về viễn cảnh có thể tìm ra sự sống mới trên hành tinh mới, một cuộc sống đầy đủ. Và biết đâu, loài người có thể ghé thăm hành tinh đó "ở nhờ" khi Trái đất bị quá tải.
Nhưng trước khi các nhà khoa học tìm ra được con đường ngắn nhất để lên đó thì vô vàn câu hỏi đã được đặt ra và dưới đây là 1 vài câu hỏi mà nhiều người thắc mắc nhất.
1. Có người ngoài hành tinh tồn tại trên Proxima b không?
Tại thời điểm này, chưa ai có thể đưa cho bạn câu trả lời chính xác cả. Proxima b là một hành tinh giống Trái đất ở một số khía cạnh như khối lượng, nhiệt độ... nên có khả năng tồn tại sự sống ở đây.
Nhưng Proxima b cũng có những điểm khác biệt với Trái đất, ví dụ như một mặt của hành tinh này luôn chìm trong ánh sáng, còn nửa kia thì tối "cả ngày lẫn đêm".
Sự sống có thể phát triển trong những điều kiện này, nhưng thật khó để nói việc loài người có thể tồn tại ở đây được hay không. Trong mọi trường hợp, nếu cuộc sống không tồn tại trên Proxima b, thì nhiều khả năng vi khuẩn sẽ trú ngụ ở nơi đây.
2. Làm thế nào để ta có thể biết chắc chắn Proxima b có tồn tại sự sống?
Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu cần xác định đó là xem liệu Proxima b có bầu không khí hay không?
Nếu chúng ta phát hiện ra bầu không khí và nghiên cứu thành phần hóa học của nó, điều này sẽ bật mí cho ta biết nhiều hơn về cuộc sống hiện tại ở đây, hoặc thậm chí là sự sống ở bên dưới.
Những phân tử mà Trái đất có thể hỗ trợ sự sống, chẳng hạn như nước, carbon dioxide hay là methane.
Các khí khác như chlorofluorocarbons có thể bật mí về sự xuất hiện của người ngoài hành tinh - nhân tố khiến ô nhiễm hành tinh của họ hay như khí etan có thể tiết lộ về một thế giới đã bị tuyệt chủng chẳng hạn.
3. Thời gian để đi tìm câu trả lời này sẽ rất lâu phải không?
Không may là đúng như vậy. Chúng ta biết rằng Proxima b quay quanh ngôi sao chủ Proxima Centauri tương đối mờ nhạt và ánh sáng của ngôi sao này lại dễ lấn át các hành tinh gần đó nên khiến cho chúng trở nên khó quan sát hơn từ Trái đất.
Cách duy nhất để thu được hình ảnh của Proxima b là bằng cách nào đó phải tách được ánh sáng của sao chủ, ra khỏi từ ánh sáng phản chiếu lên hành tinh.
Đây quả là một nhiệm vụ khó khăn bởi Proxima b rất gần ngôi sao. Giới chuyên gia hi vọng rằng trong tương lai, kính thiên văn vũ trụ trên mặt đất có thể sẽ làm được điều đó nhưng đó là câu chuyện của ít nhất 1 thập kỷ nữa.
4. Không chụp được ảnh thì sao không lên tận nơi tham quan nghiên cứu?
Thật tiếc là với công nghệ hiện tại, về cơ bản chúng ta không thể lên tận nơi tham quan nghiên cứu, nhưng cử một tàu thăm dò robot thì có thể khả thi hơn.
Proxima Centauri cách ta khoảng 4,2 năm ánh sáng, hay khoảng 40 nghìn tỉ km. Và con tàu vũ trụ có tốc độ nhanh nhất hiện nay ta có là New Horizon, với vận tốc rơi vào khoảng 58.000km/h.
Nghĩa là ngay cả với con tàu vũ trụ nhanh nhất, chúng ta cũng cần đến... 734 triệu giờ, tương đương 83 nghìn năm mới có thể tiếp cận được Cận tinh.
5. Chúng ta có thể thiết kế ra con tàu có thể chạy nhanh hơn?
Chắc chắn rồi và chúng ta đang nỗ lực làm điều đó. Một dự án đột phá có tên Starshot do nhà vật lý Stephen Hawking khởi xướng đã được tiến hành.
Đây là sáng kiến nhằm gửi một tàu vũ trụ nhỏ có thể bay ra ngoài Hệ Mặt trời nhờ một hệ thống laser khổng lồ.
Về mặt lý thuyết, một chiếc tàu như vậy có thể đi đến ngôi sao chỉ trong vòng 20 năm, thay vì phải mất hàng chục ngàn năm như việc dùng các tên lửa sử dụng động cơ đẩy như hiện tại. Tuy nhiên, dự án sẽ cần nguồn đầu tư lớn và rất nhiều tỷ đô la để thành công.
6. Hay chúng ta gửi một tin nhắn lên hành tinh Proxima b này?
Điều đó chúng ta có thể làm chứ. Các nhà thiên văn đã sử dụng kính thiên văn khổng lồ để gửi thông điệp lên các hành tinh thuộc chùm hệ sao khác, mặc dù có người cho rằng chúng ta nên giữ im lặng phòng trường hợp thu hút sự chú ý của nhóm người hành tinh thù địch.
Và nếu muốn gửi tin nhắn đến cho Proxima b, ta cần phải chuyển tin qua quãng đường dài 4,2 năm ánh sáng và bất kỳ câu trả lời nào từ phía ấy cũng phải chu du 1 quãng đường như vậy. Tính ra thì cũng gần 1 thập kỷ thì ta mới có "nghe ngóng" được bất cứ thông tin gì từ nơi ấy.
7. Liệu có tồn tại những hành tinh khác như Proxima b không?
Câu trả lời là chắc chắn. Ví dụ như hành tinh GJ 667Cc được phát hiện vào năm 2012 ở khá gần Trái đất, khoảng 22 năm ánh sáng và cũng có nhiệt độ bề mặt gần bằng nhiệt độ trên Trái đất, nên nước có thể tồn tại trên hành tinh này, hay Kepler 452b mới được phát hiện vào năm ngoái...
Dữ liệu từ kính thiên văn không gian Kepler của NASA đã phát hiện ra hàng ngàn ngôi sao sở hữu các hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống.
Tuy nhiên, Proxima b sẽ luôn đặc biệt bởi nó là hành tinh đang gần Trái đất nhất và được quan tâm nhất ở thời điểm hiện nay.