7 cách hiệu quả giúp bạn khử mùi cơ thể
Nếu bạn cũng thuộc trường hợp tự ti với mùi cơ thể, đừng vội bi quan: Luôn có cách để khử mùi hôi, một cách lành mạnh và hiệu quả.
Mùi cơ thể không chỉ xuất phát từ vùng phía dưới cánh tay. Nó có thể toả ra từ bất cứ nơi nào có tuyến bã nhờn (dầu) và tuyến mồ hôi – bao gồm da đầu, cơ quan sinh dục, bàn chân và thậm chí cả núm vú! Mồ hôi tự bản thân nó không thực sự bốc mùi - thứ mùi khó chịu mà bạn ngửi thấy được tin rằng do vi khuẩn vốn có sẵn trên da một cách tự nhiên gây ra khi chúng bắt đầu phân huỷ mồ hôi.
Với nhiều người, cách xử lý mùi cơ thể thường là tắm hàng ngày, thay quần áo và sử dụng lăn khử mùi. Nhưng với những người bị tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis), hay mắc một số bệnh nhất định (như tiểu đường) hoặc không thích dùng những sản phẩm chống chảy nhiều mồ hôi có thành phần từ nhôm, họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giữ cho cơ thể khỏi toả mùi khó chịu.
Nếu bạn cũng thuộc trường hợp này, đừng vội bi quan: Luôn có cách để khử mùi hôi, một cách lành mạnh và hiệu quả.
1. Xem xét việc tiêm botox
Ít ra mồ hôi hơn thường đồng nghĩa với việc cơ thể ít có mùi hơn, đơn giản bởi vì độ ẩm giảm khiến vi khuẩn khó sinh sôi nảy nở. Nếu bạn từng thử những loại chống tiết nhiều mồ hôi nhưng vẫn trong tình trạng người sũng ướt, hãy thử tiêm botox vùng dưới cánh tay (và có thể tiêm cả vào lòng bàn tay).
Botox là dung dịch pha loãng có nguồn gốc từ độc tố của vi khuẩn Botulinum (vi khuẩn gây ngộ độc khi ăn thịt hộp, xúc xích). Liệu pháp này tạm thời sẽ chặn các hoá chất có tác dụng kích thích tuyến mồ hôi của cơ thể. Do đó, bạn sẽ đổ mồ hôi ít hơn 87% trong vòng 4 tháng tới 1 năm.
2. Thay đổi chế độ ăn
Bạn biết rằng, thức ăn và gia vị có mùi mạnh như hành, tỏi và ớt có thể hoà vào hơi thở. Nhưng mùi khó chịu cũng có thể đi xuyên qua lỗ chân lông trong nhiều giờ sau khi bạn ăn. Nếu bạn ăn uống vừa phải, chừng mực mà vẫn phải "sống chung" với mùi cơ thể, bạn hãy thử nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà vào lưỡi.
Bác sĩ Joshua Zeichner, giám đốc nghiên cứu lâm sàng và thẩm mỹ thuộc khoa da liễu Bệnh viện Núi Sinai (New York, Mỹ), giải thích: "Các thành phần tinh dầu được bài tiết qua tuyến bã nhờn, nhờ đó, cải thiện tình trạng nặng mùi. Nhiều bệnh nhân cho biết, cách này hiệu quả với họ".
3. Giảm mức độ stress
Theo ông George Preti, một nhà hóa học hữu cơ tại Trung tâm Monell Chemical Sense, khi bạn căng thẳng, cơ thể sản xuất nhiều apocrine từ các tuyến apocrine ở nách của họ, có thể tạo ra mùi hôi nách. Không những thế, luyện tập quá nhiều hoặc khi bị quá nóng, tuyến mồ hôi cungnx tiết ra một hợp chất lỏng như nước có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nhưng áp lực cảm xúc có thể tác động tới nhiều tuyến khác nữa – như tuyến đầu tiết được tìm thấy chủ yếu ở vùng dưới cánh tay và vùng háng – và chúng tiết ra chất dịch có màu trắng sữa, gây ra mùi hôi cơ thể.
Chất lỏng này được tạo thành từ nước và lipit – đây thực sự là bữa tiệc thịnh soạn dành cho các loại vi khuẩn gây mùi cơ thể. Thiền, yoga và các biện pháp giúp giảm stress khác có thể giúp bạn bớt căng thẳng và bớt nặng mùi.
4. Mặc quần áo có chất liệu dễ thở
Những loại vải có nguồn gốc tự nhiên như cotton, lụa và len tạo độ thông thoáng hơn so với phần lớn những chất liệu nhân tạo khác như rayon, spandex – theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên Applied and Environment Microbiology. Nhưng khi chọn trang phục cho các buổi tập luyện thể dục thể thao, bạn lại nên chọn những chất liệu tổng hợp có tác dụng kiểm soát lượng mồ hôi tiết ra, giúp quần áo bạn mặc không bị dính bết, từ đó, tăng khả năng vận động dễ dàng.
5. Làm sạch vùng dưới cánh tay
Vi khuẩn sinh sôi ở môi trường ấm, ẩm và lông nách có thể đem lại môi trường lý tưởng đó. Bác sĩ Zeichner cho biết: "Lông, cùng với bụi và dầu tích luỹ trong đó, có thể thúc đẩy sự sinh sôi của các vi khuẩn gây nặng mùi". Làm sạch vùng này chính là làm cho mình thơm tho hơn.
6. Thoa dấm rượu táo
Axit – như loại có trong dấm rượu táo hay nước chanh, có thể cản trở sự sinh sôi của vi khuẩn – bao gồm những loại gây mùi cơ thể. Chỉ là bạn hãy thận trọng và dùng với lượng nhỏ. Bác sĩ Zeichner giải thích: "Dù dấm rượu táo và nước chanh có thể giúp giảm vi khuẩn gây mùi trên da, chúng lại có thể khiến da bị kích ứng".
Do đó, nếu bạn quyết định nhỏ vài giọt rượu dấm táo/nước chanh lên vùng dưới cánh tay bằng bông tăm hoặc vào nước tắm, hãy đảm bảo rằng da bạn không bị một vết trầy xước hay rách da nào. Ngoài ra, tinh dầu cây chè và cây phỉ cũng được tin là có tác dụng kháng khuẩn.
7. Dùng thảo mộc
Cây xô thơm là một sự bổ sung tuyệt vời để thức ăn có vị ngọt và ngon. Không những thế, nó còn có thể giúp đánh bại mùi cơ thể (khi chiết xuất cây xô thơm được bôi lên da). Tinh dầu hương thảo cũng có tác dụng tương tự, vừa ngăn sự sinh sôi của vi khuẩn vừa tạo mùi mát mẻ, dễ chịu.
Các chuyên gia y khoa tại Trung tâm y tế Ronald Reagan UCLA, California (Hoa Kỳ) đã phát hiện ra rằng chỉ cần hít một lượng nhỏ tinh dầu hương thảo trong vòng 5 phút có thể giảm đáng kể nồng độ cortisol - hormone gây ra căng thẳng - một cách đáng kể. Giảm căng thẳng sẽ giảm được lượng mồ hôi tiết ra, từ đó, bạn cũng bớt nỗi lo về mùi cơ thể.
(Tổng hợp)