7 bệnh nguy hiểm gia tăng trong mùa lạnh

Thu Hương,
Chia sẻ

Các bệnh như suy hô hấp, cảm lạnh, đau bụng, đau khớp… có xu hướng trở nên trầm trọng hơn trong điều kiện trời rét và nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Thời tiết giá rét trong những ngày cuối năm không có xu hướng giảm đi. Đi kèm với cái lạnh ngày càng tăng là một số các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng mỗi người.

Suy hô hấp

Theo đánh giác của các bác sĩ viện Tai Mũi Họng Trung ương, thời tiết lạnh chính là thời điểm khiến các bệnh về hô hấp như sổ mũi, viêm xoang mũi, viêm họng, viêm phổi… có điều kiện phát triển.

Cũng theo các bác sĩ ở viện này, khí hậu Việt nam khắc nghiệt, khi rét đậm thường không có gió nên không khí càng lạnh hơn. Do niêm mạc mũi của chúng ta rất mỏng nên khi chúng ta hít thở bầu không khí lạnh đó vào sẽ dễ dẫn tới viêm mũi, viêm họng, xoang, phổi, viêm phế quản…


Đột quỵ

Vào mùa đông, nhiệt độ hạ xuống thấp, các bệnh lý liên quan đến tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim… có thể tăng lên nhanh chóng. Ở nhiệt độ thấp, mạch máu co lại, gây tắc nghẽn dẫn đến tai biến, đột quỵ. Theo lời khuyên của các bác sĩ, bệnh nhân tim mạch nên thường xuyên theo dõi huyết áp hàng ngày, và nên mang theo thuốc trợ tim mỗi lúc ra ngoài.

Đau khớp

Nhiệt độ thấp khiến các mạch máu ngoại vi co lại, khiến lượng máu cung cấp cho các cơ quan ngoại biên trong đó có sa, cơ, khớp bị hạn chế, gây ra các triệu chứng như đau mỏi cơ xương, đau mỏi khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.


Viêm tai giữa và điếc

Nguyên nhân gây ra bệnh điếc khi trời trở rét là do các mạch máu co lại, tạo nên sự rối loạn vận chuyển của các mạch máu nuôi dưỡng vùng ta trong bao gồm ốc tai và các dây thần kinh thính giác. Khi tai trong bị tổn thương sẽ dễ dẫn đến giảm thính lực hoặc điếc.

Loại bệnh này thường gặp ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn. Thời tiết lạnh, trẻ em rất dễ bị viêm tai giữa. Viêm tai giữa ở trẻ thường có những dấu hiệu như sốt, đau tai, ù tai, chảy mủ tai, nghe kém… nếu không điều trị sớm, trẻ dễ bị thủng màng nhĩ gây điếc.

Cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh phổ biến thường gặp nhất trong điều kiện thời tiết lạnh, nhất là khi nhiệt độ hạ xuống thấp. Những bệnh nhân bị cảm lạnh thường có các triệu chứng như sốt mà không ra mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, ho, sổ mũi, người ớn lạnh.


Đau bụng

Nếu không giữ ấm cơ thể, bạn khó có thể tránh khỏi đau bụng. Đau bụng do trời lạnh thường có một số triệu chứng như đau bụng, đầy bụng, ăn uống không tiêu, đi cầu lỏng, hoặc có thể buồn nôn, tay chân lạnh. Và đặc biệt là cảm giác sợ lạnh.

Khi bị đau bụng do lạnh, bạn có thể dùng thuốc kèm theo xoa ấm vùng bụng quanh rốn hoặc đun nóng lá ngải cứu để chườm làm ấm vùng rốn và quanh bụng. Bạn cũng nên giữ ấm vùng bụng khi ngủ và tránh ăn các loại thức ăn sống, lạnh, nguội…


Đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày thường có nguy cơ tái phát vào những ngày lạnh, bởi ở nhiệt độ thấp, sức đề kháng của cơ thể giảm và tạo điều kiện cho các vi khuẩn helicobacterpylori phát triển mạnh. Các vi khuẩn này chính là thủ phạm gây nên viêm dạ dày dẫn đến đau dạ dày.
Chia sẻ