Mùa đông: Ở nhà tránh lạnh cũng... bị bệnh

,
Chia sẻ

Con người không thể tránh lạnh mùa đông bằng cách đi vào giấc ngủ như động vật. Nhiều người chọn chỉ ở trong nhà để tránh lạnh, nhưng lại có hai bệnh rủ do nguy hiểm cần lưu ý.

Trẻ em nên hạn chế ngủ trong phòng lạnh vào mùa đông vì dễ mất nhiệt hơn người lớn (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Mi Ka

Bình thường, cơ thể có những cơ chế trời cho để thích nghi với thay đổi nhiệt độ chung quanh. Ngoài ra, với vốn kiến thức sẵn có, con người cũng biết tạo ra nhiều phương thức tránh tổn thương do thời tiết gây ra. Khi nhiệt độ xuống dưới mức trung bình thì làm sao an toàn cho cơ thể là một thách đố.

Cảnh giác hai loại bệnh nguy hiểm

Ta có thể tránh tai nạn ngoài đường bằng cách ở trong nhà, nhưng trong nhà cũng có những rủi ro. Tiếp cận lâu với khí lạnh trong nhà có thể đưa đến những vấn đề trầm trọng, đôi khi chết người. Mọi người đều có thể bị nguy hiểm, đặc biệt trẻ em, người cao tuổi và người đang bệnh. Có hai vấn đề liên quan với nhiệt độ lạnh cần hết sức cảnh giác:

Sự giảm nhiệt: giảm nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể xuống dưới 35oC. Có nhiều yếu tố đưa tới giảm nhiệt: nhà không sưởi đủ nóng; ăn không đủ chất dinh dưỡng; uống nhiều rượu; có bệnh lâu năm về tim, gan, tuyến giáp trạng; có bệnh nhiễm trùng; do tác dụng của một số dược phẩm; mặc quần áo không đủ ấm; mới gặp tai nạn hay té xuống nước;… Triệu chứng thường thấy là trong người mệt mỏi, tâm thần rối loạn, nói ngượng nghịu, cơn run rẩy rùng mình, ngón chân ngón tay lợt lạt, cử động khó khăn, cơ thịt cứng nhắc, người lạnh toát. Nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau chậm dần. Nạn nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê. Cần phải nhập viện điều trị ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Chứng cóng giá: cóng giá là tổn thương cơ thể do hiện tượng lạnh giá, đóng băng gây ra. Cóng giá đưa đến mất cảm giác tạm thời hay vĩnh viễn ở bộ phận thương tổn. Mũi, tai, má, cằm, ngón tay, ngón chân là những nơi hay bị cóng giá nhất. Nguy cơ tăng lên nếu máu huyết lưu thông bị cản trở hoặc không mặc quần áo đủ ấm khi trời rất lạnh. Nhiều nạn nhân không biết bị cóng giá cho tới khi có người nhìn thấy và cho hay. Cóng giá là một trường hợp cấp cứu, cần được chữa trị trong bệnh viện ngay. Trong khi chờ đợi, đặt nạn nhân vào phòng ấm, ngâm phần bị cóng giá trong nước ấm (không phải nước nóng); không thoa bóp phần bị cóng giá để tránh gây tổn thương thêm cho tế bào, và đừng hơ bộ phận cóng giá trên lửa.

Để an toàn trong mùa lạnh


Việc đầu tiên mọi người nên làm là kiểm soát nhà coi đã lấp kín các khe hở làm mất nhiệt và đưa hơi lạnh vào nhà chưa. Giữ nhiệt độ trong nhà không nóng quá, khoảng 22,2oC là đủ. Mặc quần áo đủ ấm, không quá bó sát để máu lưu thông và thoáng khí. Khi ra ngoài lạnh, nên mặc quần áo nhiều lớp (trong cùng là loại vải hút hơi ẩm như lụa, polypropylene. Lớp giữa là hàng len giữ nhiệt trong cơ thể. Lớp ngoài vừa giữ nhiệt vừa chắn gió, ngăn nước). Một phần tư nhiệt trong cơ thể bay đi ở đầu, nên cần đội nón che đầu, tai. Bảo vệ bàn tay, bàn chân bằng tất và bao tay (bao hở ngón cái ấm hơn bao tay riêng ngón). Khi ra ngoài lạnh, che miệng để khỏi mất nhiệt qua hơi thở. Nếu quần áo, cơ thể bị ướt thì cần lau khô, thay quần áo ngay vì đồ ướt làm mất rất nhiều nhiệt cơ thể. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tránh uống rượu vì rượu làm giảm nhiệt cơ thể. Trẻ em dưới một tuổi không nên để ngủ trong phòng lạnh vì trẻ mất nhiệt dễ hơn người lớn đồng thời các em cũng khó thích nghi với nhiệt độ quá lạnh.

Khi phải làm việc ngoài trời vào mùa lạnh, nên sắp đặt để công việc cần làm thực hiện vào thời điểm ấm áp nhất trong ngày. Tránh đứng hay ngồi quá lâu ở một vị thế, khiến máu không lưu thông và nhiệt không được sản xuất. Ai chưa làm quen ngoài lạnh cần tập dần một thời gian ngắn cho quen. Vào mùa lạnh cũng như mùa nóng, cơ thể vẫn đổ mồ hôi nên cần uống nước đầy đủ.

Theo BS Nguyễn Ý Đức
SGTT
Chia sẻ