6 năm "sợ" ra đường vì không sinh được con, vợ chồng người Tày vỡ oà khi "gặp con" vào thời điểm không ngờ tới

Bảo Nam,
Chia sẻ

Kể từ sau 2 lần thực hiện IUI thất bại, chị Quỳnh chẳng còn dám mơ về một mái ấm có những đứa trẻ. Tuy nhiên vào lúc vợ chồng chị không ngờ tới, một vận may đáng giá "bạc vàng" đã đến với gia đình.

Kết hôn từ năm 2015, thế nhưng sau 6 năm ngày cưới, tổ ấm của hai vợ chồng chị Nông Thị Quỳnh (SN 1995) và anh Ma Văn Toàn (SN 1990), tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa một ngày rộn ràng tiếng cười trẻ thơ.

Đi thăm khám hiếm muộn, chị Quỳnh được chẩn đoán PCOS (Hội chứng buồng trứng đa nang) - một trong những căn bệnh gây vô sinh phổ biến ở nữ giới. Những năm sau đó, anh chị thường "sợ" ra đường mỗi dịp Tết đến vì đi đến đâu mọi người cũng hỏi, hối thúc chuyện con cái.

Vợ chồng chị Quỳnh, anh Toàn hạnh phúc đón "trái ngọt" là 2 bé sinh đôi sau 6 năm điều trị hiếm muộn.

Cất giấu nỗi buồn lại trong lòng, vợ chồng nghèo người Tày bảo nhau cố gắng làm lụng, nhịn ăn nhịn tiêu, có bao nhiêu đều dồn hết vào việc cắt thuốc chữa hiếm muộn. Ai bảo cắt thuốc ở đâu thì đều không quản ngại xa xôi đến tận nơi tìm vận may.

"Vợ chồng mình đều làm công nhân, bố anh Toàn lại mất sớm, kinh tế của cả nhà chủ yếu do vợ chồng mình cáng đáng và lo toan. Vì thế, những lần bốc thuốc, khám bệnh khiến kinh tế gia đình thực sự kiệt quệ", chị Quỳnh kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình.

Sau những lần bốc thuốc bạc triệu, tiền bạc và tài sản cứ đội nón ra đi mà con yêu vẫn chưa "về". Thế nhưng khi được mọi người khuyên nên xuống Hà Nội làm thụ tinh nhân tạo. Vợ chồng chị lại gắng gượng vay mượn, dốc hết những gì đang có thể thực hiện Thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) đến 2 lần, nhưng đều thất bại.

Đến lúc này, hành trình "tìm con" của gia đình chị Quỳnh, anh Toàn đã thực sự phải gác lại vì kinh tế gia đình không còn có thể vực dậy nữa. Họ từng đau lòng, chán nản, nhưng lại không dám khóc trước mặt nhau vì sợ sẽ làm người còn lại cảm thấy tổn thương. Những ngày tháng ấy, cặp vợ chồng người Tày chỉ biết động viên nhau hãy sống hạnh phúc dù không có con cái.

Kể từ sau 2 lần thực hiện IUI thất bại, chị Quỳnh chẳng còn dám mơ về một mái ấm có những đứa trẻ. Tuy nhiên vào lúc vợ chồng chị không ngờ tới, một vận may đáng giá "bạc vàng" đã đến với gia đình.

Tháng 7/2020, chương trình Tuần Lễ Vàng diễn ra. Tuần Lễ Vàng là sự kiện thường niên của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhằm hỗ trợ các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn. Hai vợ chồng chị Quỳnh, anh Toàn quyết định xuống Hà Nội để nộp hồ sơ tham gia.

Trải qua quá trình xét duyệt hồ sơ công tâm của hội đồng chuyên môn, gia đình anh Toàn, chị Quỳnh may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Ngay lập tức, vợ chồng chị bắt đầu quá trình điều trị tại bệnh viện. Chỉ sau 2 tháng, hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Quỳnh đã đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên.

Sau 9 tháng thai kì, vào ngày 15/06/2021, bé Voi và Thỏ (cân nặng 2,6kg/bé) của đôi vợ chồng người dân tộc Tày chào đời trong niềm vui sướng không gì sánh được của gia đình.

Tết 2022 vừa qua là một cái Tết thật trọn vẹn với hai vợ chồng anh Toàn, chị Quỳnh. Năm nay, căn nhà như có hơi ấm hơn, vợ chồng chị không còn phải lủi thủi, mong nhanh qua mấy ngày Tết nữa vì đã có 2 thiên thần nhỏ đồng hành cùng bố mẹ.

Không chỉ vậy, anh Toàn còn vui vẻ: "Sinh hai bé xong, vợ tập trung chăm con còn mình thì nhận thêm một số công việc, dành dụm được chút tiền để sửa lại nhà sàn đã cũ và xập xệ trước Tết.

Gia đình lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười, tuy có vất vả và bận rộn hơn nhưng cả vợ chồng mình lẫn ông bà hai bên đều cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa và hạnh phúc. Không ngờ cùng 1 lúc có tận 2 'cục vàng' tìm đến với gia đình mình. Quả là 1 phép màu mà có mơ mình cũng chưa dám nghĩ đến".

Là người trực tiếp điều trị cho gia đình anh Toàn, chị Quỳnh, bác sĩ Phạm Thị Mỹ (chuyên khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết: "Chị Quỳnh không phải là trường hợp duy nhất hiếm muộn vì tình trạng buồng trứng đa nang. Tính đến nay, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân muộn con vì căn bệnh này. Phụ nữ bị buồng trứng đa nang vẫn có thể mang thai nếu được điều trị kịp thời, càng để lâu, tuổi của người vợ càng cao, tỷ lệ điều trị thành công càng thấp. Do vậy, chị em phụ nữ nếu có những dấu hiệu bất thường thì nên thăm khám sớm để có phương pháp điều trị thích hợp".

Trong điều trị vô sinh hiếm muộn ở nữ giới, đa nang buồng trứng là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp.

Đa nang buồng trứng là tình trạng rối loạn gây mất cân bằng hormone gây nên nhiều triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, rậm lông, nổi mụn trứng cá, thừa cân, rụng tóc, buồng trứng có rất nhiều nang noãn.

Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do buồng trứng không thể sản xuất các hormone theo đúng tỉ lệ bình thường, dẫn đến rối loạn phóng noãn, trứng rụng thưa hoặc không rụng trứng. Từ đó ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Đa nang buồng trứng tuy không phải là bệnh gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh sản của nữ giới nếu không được can thiệp kịp thời.

Chia sẻ