6 món đồ tưởng hiện đại nhưng lại "hại điện": Tỉ lệ hối hận sau khi mua bằng 100%
Mặc dù mỗi thiết bị gia dụng đều có giá trị sử dụng nhưng không phải món nào cũng đáng để đầu tư.
Trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay, một số thiết bị gia dụng thực tế đã bắt đầu "rơi khỏi ngôi vương", không còn đáng để đầu tư nữa. nếu vì FOMO, theo quan điểm "mua tước tính sau" mà cứ rước về dùng không biết dùng để làm gì thì sẽ sớm hối hận, điểm hình như 6 món này.
1. Tủ lạnh 3 cánh
Từng là sản phẩm được ưa chuộng, tủ lạnh 3 cánh giờ đây dần mất đi sức hút vì khó đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại. Dưới đây là 3 lý do khiến loại tủ này ngày càng lỗi thời.
- Dung tích nhỏ, không chứa được nhiều thực phẩm:
Dung tích của tủ lạnh 3 cánh thường chỉ khoảng 300L, quá nhỏ đối với gia đình 3 người trở lên. Đặc biệt vào dịp lễ tết hay khi cần tích trữ nhiều thực phẩm, tủ lạnh này dễ bị quá tải, thậm chí không đóng nổi cửa.
Ngoài ra, do thiết kế mỗi cánh cửa đều chiếm diện tích nhất định nên không gian bên trong bị thu hẹp đáng kể dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp.
- Ít ngăn, không có các khu vực bảo quản chuyên biệt:
Tủ lạnh 3 cánh thường chỉ chia thành 3 khu vực: Ngăn mát, ngăn đông và ngăn chuyển đổi nhiệt độ. Trong khi đó, các dòng tủ lạnh hiện đại như tủ side-by-side hay tủ nhiều cánh kiểu Pháp thường có nhiều khu vực chuyên biệt hơn như: Ngăn giữ ẩm, giữ nhiệt; Ngăn bảo quản sữa mẹ, thực phẩm cho bé; Ngăn hút chân không...
Những ngăn này giúp tối ưu hóa việc bảo quản thực phẩm, kéo dài thời gian sử dụng và tránh tình trạng ám mùi, lẫn lộn thực phẩm. Tủ lạnh 3 cánh không đáp ứng được nhu cầu bảo quản đa dạng và "cá nhân hóa" của người dùng hiện nay.
- Giá thành của các dòng tủ hiện đại ngày càng hợp lý:
Hiện nay, các dòng tủ side-by-side hoặc tủ nhiều cánh dung tích trên 500L đã có mức giá cực kỳ phải chăng, thậm chí chưa đến 10 triệu đồng. So với đó, tủ lạnh 3 cánh vừa không có ưu thế về dung tích vừa kém hiện đại, khiến giá trị sử dụng giảm rõ rệt.
Tóm lại, khi chọn mua tủ lạnh thì một chiếc tủ lớn, hiện đại, nhiều tiện ích sẽ là lựa chọn hợp lý hơn so với tủ 3 cánh truyền thống.
2. Máy rửa bát tích hợp chậu rửa
Máy rửa bát lắp đặt tại chậu rửa được nhiều người lựa chọn nhờ tiết kiệm không gian bếp. Tuy nhiên, loại máy này cũng tồn tại nhiều nhược điểm đáng cân nhắc.
- Hạn chế không gian chậu rửa:
Với đường kính khoảng 500mm, máy rửa bát này chiếm gần nửa diện tích của chậu rửa. Điều này khiến không gian để rửa rau, rửa trái cây (đặc biệt là rau dài như cần tây hay củ lớn như khoai môn) trở nên bất tiện.
- Dung tích nhỏ:
Máy rửa bát tích hợp chậu rửa thường chỉ chứa được 6-10 bộ bát đĩa. Đối với gia đình đông người hoặc khi có tiệc tùng, máy không đáp ứng đủ nhu cầu, buộc phải rửa nhiều lần, gây tốn thời gian và nước.
- Chức năng hạn chế:
Máy rửa bát "kiêm" chậu rửa thường chỉ có một số chế độ rửa cơ bản, khó điều chỉnh linh hoạt theo loại bát đĩa. Trong khi đó, các dòng máy rửa bát âm tủ hiện đại có dung tích lớn (13-15 bộ bát đĩa), tích hợp nhiều tính năng hơn như: Rửa phân tầng; Rửa tiết kiệm nước; Khử trùng, sấy khô; Lưu trữ bát đĩa...
Tóm lại, máy rửa bát chậu rửa phù hợp với không gian bếp nhỏ nhưng không phải lựa chọn lý tưởng cho gia đình đông người hay có nhu cầu sử dụng cao.
3. Máy chiếu
Máy chiếu được nhiều người dùng vì thiết kế gọn nhẹ, màn hình lớn. Tuy nhiên, khi so sánh với tivi hiện đại, sản phẩm này vẫn tồn tại nhiều nhược điểm đáng kể.
- Chất lượng hình ảnh ban ngày kém rõ nét:
Hình ảnh từ máy chiếu phụ thuộc vào độ sáng và độ tương phản, cả hai thông số này đều thua xa tivi LCD.
Trong khi độ sáng Tivi LCD thường cao gấp hàng chục lần máy chiếu, giúp hiển thị rõ ràng ngay cả trong điều kiện ánh sáng mạnh thì hình ảnh từ máy chiếu lại mờ nhạt, thiếu chi tiết. Độ tương phản cũng vậy, máy chiếu chỉ đạt khoảng 1000:1 đến 3000:1 còn Tivi hiện đại thì có mức 10.000:1 đến 100.000:1.
Điều này khiến hình ảnh từ máy chiếu thiếu chiều sâu, màu sắc nhợt nhạt, không nổi bật bằng tivi LCD với hình ảnh rực rỡ, sống động.
- Không thật sự "bảo vệ mắt":
Nhiều người nghĩ rằng máy chiếu dịu mắt hơn tivi vì dùng ánh sáng phản xạ. Tuy nhiên, máy chiếu cũng tạo ra hiện tượng tán xạ ánh sáng khi ánh sáng phản chiếu từ tường hoặc màn chiếu, gây thêm áp lực cho mắt.
Điều kiện xem tốt nhất với máy chiếu là trong môi trường tối hoàn toàn, nhưng việc xem lâu trong bóng tối cũng dễ gây mỏi mắt và căng thẳng thị giác.
- Tính năng và độ thông minh thua xa tivi LCD:
Máy chiếu có ít tính năng và tiện ích hơn, trong khi tivi LCD tích hợp nhiều ứng dụng giải trí thông minh.
Hơn nữa, Tivi LCD rất dễ sử dụng, chỉ cần một chiếc điều khiển hoặc ứng dụng trên điện thoại là có thể thao tác. Còn máy chiếu phức tạp hơn, yêu cầu kết nối nhiều thiết bị, dây cáp, thậm chí phải điều chỉnh vị trí và góc chiếu, mất thời gian và bất tiện.
- Tuổi thọ thấp, chi phí sửa chữa cao:
Máy chiếu thường chỉ có tuổi thọ vài nghìn giờ, trong khi tivi LCD có thể bền đến hàng chục nghìn giờ. Khi máy chiếu hỏng hóc, chi phí thay thế linh kiện như bóng đèn hoặc ống kính thường cao do thị trường máy chiếu chưa phổ biến bằng tivi LCD, khiến việc sửa chữa cũng phức tạp hơn.
Tóm lại máy chiếu có thể phù hợp với những không gian tối, cần màn hình lớn. Nhưng nếu xét về độ tiện lợi, chất lượng hình ảnh và độ bền, tivi LCD vẫn là lựa chọn tối ưu hơn.
4. Điều hòa cơ (điều hòa thường)
Điều hòa cơ từng là “vua một thời” nhờ thiết kế đơn giản, dễ sửa chữa và giá thành phải chăng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, nhược điểm của điều hòa cơ ngày càng lộ rõ, đặc biệt ở 3 khía cạnh sau.
- Tiếng ồn lớn:
Điều hòa cơ hoạt động theo nguyên lý bật/tắt luân phiên. Mỗi khi khởi động, máy nén sẽ chạy ở công suất tối đa, tạo ra tiếng ồn khá lớn. Khi đạt đến nhiệt độ cài đặt, máy sẽ ngừng hoạt động và tiếng ồn biến mất.
Hệ quả của cơ chế này là sự thay đổi liên tục giữa “ồn ào” và “yên tĩnh” khiến người dùng cảm thấy khó chịu, đặc biệt vào ban đêm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ.
- Nhiệt độ không ổn định, giảm cảm giác thoải mái:
Do điều hòa cơ điều chỉnh nhiệt độ bằng cách bật/tắt máy nên nhiệt độ trong phòng thường dao động mạnh.
Ví dụ, khi bạn đặt nhiệt độ ở mức 26°C, thực tế phòng có thể dao động nhiệt độ từ 24°C đến 28°C. So sánh với điều hòa biến tần, công nghệ ở sản phẩm này giúp duy trì nhiệt độ ổn định bằng cách điều chỉnh tốc độ quay của máy nén, tránh hiện tượng bật/tắt liên tục. Điều này mang lại cảm giác dễ chịu hơn nhiều, đặc biệt khi sử dụng lâu dài.
- Tiêu thụ điện năng cao hơn:
Mỗi lần bật/tắt, điều hòa cơ sẽ gây ra hiện tượng dòng điện xung kích làm tăng lượng điện tiêu thụ. Thêm vào đó, đa phần các mẫu điều hòa cơ cũ thường chỉ đạt tiêu chuẩn năng lượng cấp 3 hoặc 4 (hiệu quả sử dụng năng lượng thấp). Ngược lại, điều hòa biến tần không cần bật/tắt liên tục, khả năng thay đổi công suất vận hành linh hoạt giúp tiết kiệm điện năng đáng kể, trở thành lựa chọn ngày càng phổ biến.
Điều hòa cơ phù hợp với người dùng có ngân sách hạn chế hoặc không sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, nếu ưu tiên sự thoải mái, vận hành êm ái và tiết kiệm điện, điều hòa biến tần chắc chắn là lựa chọn tối ưu hơn.
5. Hệ thống thông gió lọc khí
Rất nhiều người tò mò liệu hệ thống thông gió này có thực sự đáng để đầu tư. Câu trả lời là: Nếu khu vực bạn sống không bị ô nhiễm, nhiều và thường xuyên thì không cần thiết phải lắp đặt hệ thống này.
Dưới đây là 3 lý do để cân nhắc.
- Lượng "gió sạch" thường không đạt tiêu chuẩn:
Theo tiêu chuẩn quốc gia, mỗi người cần ít nhất 30m³ gió sạch/giờ để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà. Tuy nhiên, thực tế, lượng gió sạch mà hệ thống này cung cấp khó đạt mức này.
Lý do thứ nhất là bởi độ kín của ngôi nhà. Nếu nhà không được cách âm, cách nhiệt tốt, luồng không khí dễ thất thoát.
Thứ 2 là về hiệu suất hệ thống. Các vấn đề về áp suất gió, lực cản đường ống, lưu lượng gió sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động.
Từ đó dẫn đến ở nhiều trường hợp, lượng gió sạch thực tế có thể thấp hơn 10m³, không đủ để cải thiện rõ rệt chất lượng không khí trong nhà.
- Giá trị sử dụng không còn cao vào những ngày không khí không quá ô nhiễm:
Hệ thống của máy này được thiết kế để đối phó với các ngày ô nhiễm nặng, đặc biệt là bụi mịn và vi khuẩn trong không khí.
Tuy nhiên, nếu không khí đã được cải thiện thì không cần phải dùng đến hệ thống thông gió lọc khí. Thay vì lắp đặt món này rất tốn kém, bạn hoàn toàn có thể duy trì chất lượng không khí bằng cách thường xuyên mở cửa sổ để thông gió, sử dụng máy lọc không khí với chi phí thấp hơn hoặc trồng cây xanh trong nhà để tăng cảm giác thoáng mát.
- Chi phí cao và bảo trì phức tạp:
Chi phí ban đầu gồm máy móc, lắp đặt, thiết kế, có thể dao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, chi phí vận hành như tiền điện và bảo trì (thay bộ lọc định kỳ) cũng không hề nhỏ.
Dịch vụ cho hệ thống máy thông gió lọc khí còn bị hạn chế về hậu mãi. Hiện nay, nhiều nhà cung cấp chưa có quy trình bảo trì đầy đủ, dẫn đến bất tiện trong việc sửa chữa và thay thế linh kiện.
6. Máy giặt sấy 2 trong 1
Máy giặt sấy tích hợp nghe có vẻ tiện lợi, nhưng nhiều người đã dùng đều cảm thấy hối tiếc vì không đạt kỳ vọng. Dưới đây là 2 nhược điểm phổ biến từ thực tế sử dụng.
- Phần lớn là sấy ngưng tụ, dễ làm hỏng quần áo:
Hơn 90% các máy giặt sấy trên thị trường hiện nay sử dụng công nghệ sấy ngưng tụ, với nhiệt độ sấy dao động 80-100°C. Điều này khiến quần áo dễ bị xơ cứng, co rút, các sợi vải bị mất độ đàn hồi. Chưa kể, với quần áo vải mỏng, cao cấp còn có thể bị phai màu do nhiệt độ sấy không phù hợp.
Mặt khác, công nghệ sấy bơm nhiệt trong dòng máy tương tự với nhiệt độ thấp hơn (40-60°C) giúp bảo vệ sợi vải, giữ quần áo mềm mại và bền màu hơn. Tuy nhiên, máy sấy bơm nhiệt có giá thành cao nên không phải ai cũng mua được.
- Thiếu bộ thu lông vải, khó vệ sinh lồng giặt:
Không có bộ lọc lông vải chuyên dụng nên khi sấy, lông vải và bụi từ quần áo sẽ bám vào lồng giặt thay vì được thu gom. Điều này gây ra nhiều vấn đề như tích tụ lông vải làm giảm hiệu quả sấy và giặt; Tắc nghẽn đường thoát khí, thoát nước do lông vải có thể chặn hệ thống xả.
Đây cũng là tiền đề cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, gây mùi khó chịu và ảnh hưởng đến vệ sinh của quần áo vì lông vải và bụi bẩn ẩm ướt cứ tích tụ trong lồng giặt.
Nhìn chung, máy giặt sấy 2 trong 1 tiện dụng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế. Nếu bạn ưu tiên bảo vệ chất lượng quần áo và muốn hiệu quả cao, nên cân nhắc các dòng máy sấy độc lập với công nghệ bơm nhiệt. Còn nếu chỉ thỉnh thoảng sấy quần áo, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng để khắc phục các vấn đề vệ sinh và bảo dưỡng máy.
Nguồn: post.smzdm