5 yếu tố bạn cần cập nhật trong CV
Bạn viết CV một lần nhưng không có nghĩa là dùng nó trọn đời. Về cơ bản, các nội dung chủ đạo vẫn giữ, có thể hiểu là chiếc "sườn" của CV tuy nhiên, mọi thông tin đều nên được cập nhật theo thời gian.
Tốt nhất là bạn nên xem lại CV theo định kỳ, ngay cả khi bạn không phải tìm kiếm công việc ở thời điểm đó. Việc này cũng tạo cho bạn nhiều thuận lợi, bất cứ khi nào bạn cần đến, CV cũng đã "hòm hòm", không cần phải mất thời gian đẻ làm một cuộc "đại tu" CV.
Sau đây là 5 yếu tố bạn không nên bỏ qua mỗi khi cập nhật CV:
Bạn phải cập nhật CV của mình theo thời gian - (Ảnh minh họa)
1. Thông tin liên lạc
Điều này có vẻ như đã quá rõ ràng, không cần phải chú ý nhưng thực tế, nếu một thời gian dài bạn không chạm vào CV, bạn có thể thay đổi địa chỉ, số điện thoại... trong khi CV vẫn lưu thông tin cũ.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra địa chỉ email để xem đã đủ tính chuyên nghiệp chưa, bởi thời điểm tạo CV, có thể bạn không quan tâm đến việc này, vẫn dùng email cũ từ hồi còn đi học và ít nhiều mang tính trẻ con. Lúc này, hãy thay một email mới chuyên nghiệp hơn trong xử lý công việc.
2. Mục tiêu
Ở những thời điểm khác nhau, mục tiêu bạn đặt ra cũng là khác nhau. Khi mới đi làm, bạn chỉ muốn học hỏi được kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, được trả với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng nhưng qua thời gian, kinh nghiệm và chuyên môn đã ổn định hơn, mục tiêu của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng cao hơn.
Đây cũng là cơ hội để bạn khẳng định "thương hiệu" của bản thân vì điều đầu tiên nhà tuyển dụng chú ý ở CV của bạn chính là bạn đặc biệt như thế nào, phù hợp với vị trí họ tuyển dụng ra sao và thôi thúc người ta đọc thêm về kinh nghiệm, kỹ năng bạn có.
Mục tiêu của bạn sẽ thay đổi theo thời gian và kinh nghiệm làm việc của bạn - (Ảnh minh họa)
3. Kỹ năng chuyên môn
Từng vị trí công việc nhất định sẽ cho bạn kỹ năng chuyên môn riêng. Và các nhà tuyển dụng nhìn vào yếu tố này để xem bạn có thực sự phù hợp, thực sự nổi trội hơn so với các ứng viên khác. Vì thế, đừng bao giờ trình bày kỹ năng một cách sơ sài chỉ bằng vài cái gạch đầu dòng, nói một cách rất khái quát.
Bạn nên dành thời gian kết hợp các kỹ năng có được để tóm tắt thành trình độ, kỹ năng một cách thật chuyên nghiệp, xâu chuỗi cả quá trình làm việc.
4. Trình độ giáo dục
Sau khi tốt nghiệp, bạn còn tham gia thêm nhiều khóa đào tạo khác tại các công ty. Những khóa học ấy cho bạn chứng chỉ, bằng cấp, thậm chí là cả điểm số cụ thể với những môn học cần ứng dụng nhiều vào công việc.
Đừng coi thường những khóa học như thế này bởi lẽ các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên tham gia các khóa đào tạo sau đại học, nhất là khi đã đi làm thì khóa học ấy thường có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Bạn cũng nên ghi thêm các khóa học, khóa đào tạo vào CV của mình - (Ảnh minh họa)
5. Cách trình bày
Với lượng thông tin ngày càng nhiều, bao gồm cả quá trình làm việc, lịch sử đào tạo, trình độ chuyên môn... nếu chỉ liệt kê tràng giang đại hải, nhiều nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khó chịu mà bỏ qua bạn.
Bởi vậy, bạn nên quan tâm đến cách trình bày bản CV làm sao để vừa đơn giản, phông chữ dễ đọc, nhìn vào không bị rối mắt. Bạn có thể bôi đậm và chọn màu các mục lớn, tiêu đề chính để người xem dễ dàng tìm thấy thông tin họ muốn.
Sự thay đổi chắc chắn không bao giờ là dễ dàng, tuy nhiên, với những cập nhật đơn giản, bạn sẽ có bản CV tốt nhất, góp sức hữu hiệu cho quá trình tìm kiếm việc làm.