5 triệu đồng một sản phẩm ‘thạch ong xà’ đón Tết Ất Tỵ
Nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát đã chế tác bộ sản phẩm hình linh vật rắn để phục vụ nhu cầu đón Tết Ất Tỵ 2025 của người dân.
Bộ sưu tập gồm 45 bức tượng với chủ đề rắn - con giáp đại diện cho năm 2025. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nói: “ Đây không chỉ là sản phẩm nghệ thuật thủ công mà còn mang tính biểu tượng cho khát vọng phát triển của Việt Nam trong hành trình đến năm 2045 - cột mốc kỷ nguyên mới, đánh dấu một đất nước vươn tầm thế giới ”.
45 bức tượng tượng trưng cho 45 năm Việt Nam nỗ lực phát triển, để hướng tới năm 2045 đạt được sự thịnh vượng và hiện đại hóa bền vững.
Trong văn hóa dân gian, hình tượng rắn đại diện cho sự thông minh, sinh sôi mãnh liệt và sức sống dẻo dai. Rắn còn gắn liền với nền nông nghiệp Việt Nam, biểu trưng cho yếu tố thủy tính, nguồn cội của sự ấm no và trù phú.
Ông Phát cho biết, tượng rắn được chế tác từ gỗ mít, một loại gỗ quen thuộc ở phần lớn vùng nông thôn Việt. Loại vật liệu này thường được người thợ mộc sử dụng để đóng, giường, tủ, bàn ghế…
“ Mỗi tượng rắn được tạo tác từ gỗ mít mất khoảng 1 một ngày. Sau đó là đến công đoạn sơn mài kéo dài khoảng hơn 1 tuần. Lớp sơn mài bao phủ rắn tạo nên sự rực rỡ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Tiếp đó là phần chế tác đá ong, mất khoảng hơn 1 ngày. Đá ong, chất liệu đặc trưng của làng cổ Việt Nam, với màu sắc nâu vàng tự nhiên gợi lên sự mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn đầy sức sống.
Toàn bộ quá trình chế tác kéo dài khoảng 2 tuần để cho ra một bức tượng rắn thành phẩm, mang vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam” , nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết.
Bộ sưu tập "Thạch ong xà" được tạo hình gấp khúc hiện đại, hình tượng rắn quấn chặt lấy đá ong, biểu trưng cho sự phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn luôn bảo vệ, gìn giữ truyền thống và văn hóa dân tộc.
Ngoài tính thẩm mỹ, có tính chất trưng bày, bộ sản phẩm còn được sử dụng như một dụng cụ đốt trầm hương. Thiết kế của tượng cho phép sử dụng như một lư đốt trầm, giúp thanh lọc không gian sống và kết nối với truyền thống tín ngưỡng của người Việt.
Các sản phẩm thuộc bộ sưu tập này đang được tác giả chào bán với giá 3 - 5 triệu đồng/sản phẩm.