5 trải nghiệm nhất định phải thực hiện khi du lịch Indonesia
Indonesia đâu chỉ có thủ đô Jakarta xa hoa tráng lệ và thiên đường trăng mật Bali, Indonesia còn là những trải nghiệm độc đáo trên từng mảnh đất dọc vành đai núi lửa.
Leo núi lửa ngắm mặt trời mọc
Indonesia không chỉ được biết đến với những bãi cát trắng phau và những ngọn sóng xanh ngút trời mà còn bởi những ngọn núi lửa đẹp tuyệt diệu, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kì vĩ và lôi kéo hàng ngàn du khách đổ về mỗi năm. Một trong số đó và nổi tiếng nhất chính là Bromo, nằm gần thành phố Malang. Những lớp khói lưu huỳnh trắng tỏa ra từ miệng núi lửa như những áng mây mờ ảo đang cố che giấu vẻ đẹp tiềm ẩn của Bromo, và vì vậy, khiến người người không ngừng ham muốn được chinh phục để khám phá ra điều bí mật bên trên đỉnh núi phủ trắng kia.
Núi lửa Bromo - Nguồn: flickr
Hãy cố gắng dậy thật sớm để cùng đoàn người nối đuôi nhau dạo từng bước lên đỉnh núi trong lúc trời vẫn còn lấp lánh ánh sao. Đêm dần tan, sao dần mờ, trời bỗng dưng rõ nét hơn, như người họa sĩ đang thổi đi lớp bụi bám trên tuyệt tác thiên nhiên do chính tay mình vẽ. Và kia, ánh sáng chói lòa của mặt trời đang lóe lên, lúc đầu chỉ một ít, càng về sau càng sáng ngời rực rỡ. Mọi vật, cây cối, ngọn núi trập trùng dưới chân và chính cả từng ngón tay, thân hình con người đều như đang bừng lên, đầy sức sống và tinh khôi nhất.
Quang cảnh nhìn từ Bromo xuống dưới - Nguồn: flickr
Khi nắng lên - Nguồn: flickr
Chuẩn bị: quần áo ấm, đôi giày thể thao và dĩ nhiên một chiếc máy ảnh xịn để lưu giữ khoảnh khắc.
Suối nước nóng Ciater, tọa lạc gần thành phố Bandung, là điểm đến lý thú cho gia đình và người thân, nhất là khi địa điểm này lại hoạt động nhộn nhịp nhất vào khuya. Nước khoáng được bơm từ ngọn núi lửa gần đó, vì vậy nên hoàn toàn tự nhiên, chứa nhiều canxi và magie, rất tốt cho sức khỏe và công dụng thư giãn thần kì.
Công viên trong khu vực suối nước nóng - Nguồn: flickr
Vào đêm, khi trời đã trở lạnh, và sau một ngày khám phá Indonesia mệt nhoài, đây là lúc ngồi im lắng lại và cho phép yêu thương bản thân nhiều hơn một chút. Những khoáng chất trong nước sẽ xua đi những vết bầm tím trên chân, thổi bay những nhức mỏi và trả lại sự thư thái tuyệt đối. Nước tầm trên 40oC và chia thành nhiều hồ khác nhau để phục vụ du khách. Nếu muốn riêng tư và yên tĩnh, bạn có thể trả thêm phí để dùng các hồ nhỏ thay vì hồ công cộng.
Thường thì, du khách tại Bandung sẽ bắt xe tại trung tâm thành phố để đến khu vực suối nước nóng và hành trình mất khoảng 30’. Thời điểm lý tưởng để đến đây là 12 giờ đêm và quay về lúc 3 giờ sáng.
Chuẩn bị: Chăn êm nệm ấm tại khách sạn. Vì sau khi tắm tại Ciater, nhờ công dụng thần kì của nước khoáng nóng, bạn sẽ ngủ rất say đấy.
Là một trong bảy kỳ quan thế giới, quần thể kiến trúc Borobudur sẽ mãn nhãn du khách. Không gian của Borobudur đậm chất Phật giáo với328 bức tượng Phật trong 6 tư thế khác nhau, 70 điêu khắc stupa (tượng Phật ngồi trên đài sen, bao quanh bởi một khối đá hình chuông úp ngược), 2,5 km kinh phật được khắc quanh đền là một trong những con số ấn tượng và góp phần xướng danh Borobudur trên toàn thế giới.
Đi dọc theo các vòng hành lang quanh đền, bạn sẽ như đi ngược thời gian, lạc vào một miền không gian văn hóa cổ kính. Tiếng người dần xa, quanh ta chỉ còn là bức tượng Phật vững chãi, tôn nghiêm.
Chuẩn bị: Dù, áo khoác, nước và một ít đồ ăn. Khu vực này khá nóng và không có nhiều mái che.
Batik là từ dùng để chỉ một cách thức in độc đáo, được tìm thấy nhiều ở Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines... Tuy nhiên, vải batik tại Indonesia, đặc biệt là trên vùng đảo Java vẫn nổi tiếng nhất. Đến với phố đi bộ Malioboror tại trung tâm văn hóa Yogyakarta, du khách sẽ mãn nhãn với hàng chục cửa hàng quần áo nối liền nhau, và tiệm nào cũng ngập tràn màu sắc cùng các đường con uốn lượn của các họa tiết batik.
Một góc phố Malioboror.
Giá cả batik lại vô cùng đa dạng, tùy thuộc vào chất liệu vải. Du khách có thể dễ dàng sắm một chiếc khăn batik truyền thống màu vàng nâu chỉ với vài ba chục ngàn đồng, mà cũng có thể tặng cho chính mình chiếc váy dài có hình hoa lá uốn lượn trên nền đỏ. Điểm đặc biệt của batik chính là không hề đơn điệu, luôn luôn ngập tràn màu sắc và đường nét. Đàn ông phụ nữ, dù đã lớn tuổi hay nhỏ xíu, đều không ngại mặc những chiếc áo “chói lóa” vàng xanh đỏ cam.
Điều này khá trái ngược với phong cách ăn mặc đơn giản và đơn sắc hiện đại. Nhưng nó đã tạo nên một không gian văn hóa rất riêng, rất Indonesia ngay tại phố đi bộ Malioboror. Vậy nên, hãy thử một lần đến đây, để đắm mình vào bản sắc địa phương và mua cho mình một món đồ làm từ vải batik nhé.
Chuẩn bị: Tiền tiền tiền và tiền. Bạn sẽ không thể ngừng mua sắm một khi bước chân vào con phố này.
Đến Indonesia, hãy thử cảm giác dùng tay bốc thức ăn và cơm đi nào! Việc này rất thú vị đấy. Vì đồ ăn bản xứ chủ yếu là đồ khô như cơm, gà rán, đậu hũ chiên, thịt bò viên, ớt tương, không có canh rau (nếu ăn theo đúng nghĩa truyền thống) nên việc ăn bốc khá dễ dàng.
Một bữa ăn tiêu chuẩn tại Indonesia.
Tại mỗi chỗ ăn đều có bệ rửa tay sạch sẽ. Các món đều bày ra dĩa hoặc đặt trong lá chuối. Khi ăn, thay vì cầm lên cắn, bạn sẽ dùng tay phải xé nhỏ phần muốn ăn ngay trong dĩa rồi mới bỏ vào miệng. Bắt buộc phải là tay phải vì theo quan niệm của đạo Hồi, tay trái không sạch. Khi đã bắt đầu lên tay nghề, bạn sẽ biết cách lấy phần cơm và xé thức ăn làm sao để vừa đủ đưa vào miệng.
Các món ăn thường có trong bữa ăn Indonesia.
Tuy nhiên tại các hàng quán đều có phục vụ muỗng nĩa và thực tế, giới trẻ tại Indonesia có xu hướng dùng muỗng nĩa ăn nhiều hơn. Tất nhiên, nếu muốn hòa vào bản sắc văn hóa nơi đây, hãy thử ăn bốc một lần. Đấy sẽ là một cảm giác khó quên trên chặng hành trình khám phá nước bạn đấy!
Chuẩn bị: Tay phải thật sạch và đôi mắt tinh tường để quan sát cách những người Indonesia xung quanh ăn như thế nào.