5 thứ là "ổ vi khuẩn" gây bệnh ngay trong nhà, dọn dẹp ngày Tết phải biết để tiêu diệt ngay
Khi dọn dẹp nhà cửa đón Tết, có 5 thứ bạn cần phải chùi rửa sạch hơn để ngăn không cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Những ngày Tết cận kề, hầu như gia đình nào cũng có kế hoạch tổng vệ sinh nhà cửa sạch sẽ đón năm mới. Dọn nhà đón Tết cũng là "nỗi ám ảnh" với nhiều người, bởi chúng ta thường có quá nhiều nơi và nhiều vật dụng cần lau dọn. Có khi loay hoay cả ngày cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, rất nhiều người tuy dọn rất kỹ nhưng lại vô tình bỏ qua 5 thứ này trong nhà. Chúng chính là những ổ vi khuẩn đầy rẫy mầm bệnh, nếu để lâu không vệ sinh, chúng sẽ phát triển theo cấp số nhân và gây nhiều phiền toái cho cả gia đình. Cụ thể những vật dụng bẩn nhất trong nhà như sau:
- Miếng bọt biển rửa bát
Theo một nghiên cứu của Charles Gerba – nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, nhà bếp là một trong những nơi mà vi khuẩn tụ tập nhiều nhất, kéo theo miếng rửa chén cũng bẩn không kém. Theo nhiều kết quả cho thấy, miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 bồn cầu và gấp 20.000 lần khăn lau bếp.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác vào năm 2017 còn cho thấy, miếng rửa chén chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau như coliform, E.coli, Staphylococcus aureus và Campylobacter… làm tiêu chảy, đau bụng hay nôn mửa cấp. Chúng liên tục phân chia và sản sinh mạnh mẽ nếu như bạn không vệ sinh thường xuyên.
"Rửa chén vốn là công đoạn làm sạch bát đĩa nhưng nếu miếng bọt biển quá bẩn, chúng sẽ lây nhiễm chéo vi khuẩn cho nhau và gây bệnh nếu bạn ăn phải" - Janilyn Hutchings, chuyên gia về an toàn thực phẩm kiêm nhà khoa học thực phẩm của StateFoodSafety, chia sẻ.
Thời hạn tốt nhất để miếng rửa chén hoạt động "hết công suất" là khoảng 2 tuần. Chỉ cần thay mới 2 tuần/lần, bạn sẽ ngăn chặn vi khuẩn lây lan và phát triển trong nhà bếp. Tuy nhiên, hãy vứt ngay lập tức nếu nó có mùi hôi khó chịu cho dù đã làm sạch rất nhiều lần.
- Hộp đựng bàn chải đánh răng
Theo Quỹ Vệ sinh Quốc gia (Mỹ), vật này đứng thứ ba trong danh sách những món đồ bẩn nhất trong nhà. Chúng thường đặt ở trong nhà vệ sinh, nên nguy cơ lây nhiễm từ những dụng khác là rất cao và tự bản thân chúng cũng chứa hàng ngàn loại vi khuẩn.
Cụ thể, hộp đựng bàn chải đánh răng thường là môi trường ẩm ướt và ấm áp, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, virus phát triển. Nếu không được lau chùi sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng, các vi khuẩn này có thể tích tụ và lan truyền sang bàn chải đánh răng.
Nguy hiểm hơn, vật dụng này thường đặt gần với bồn rửa mặt hoặc toilet – những nơi chứa các chất lỏng và chất thải gây bệnh. Nhất là khi chúng ta dội bồn cầu, các giọt khí sẽ bắn ra và bám vào hộp đựng. Nếu không được bảo quản sạch sẽ, nó có thể bị dính bẩn và lây nhiễm sang bàn chải đánh răng.
Vì vậy, chúng ta nên vệ sinh cốc/kệ đựng bàn chải đánh răng bằng xà phòng 2 lần một tuần để giảm lượng vi khuẩn. Khi xả nước bồn cầu, phải đậy nắp lại để tránh vi khuẩn bị phát tán và bám vào hộp đựng.
- Tủ lạnh
Tủ lạnh là một trong những thiết bị không thể thiếu trong mỗi nhà. Nhưng nếu không được vệ sinh đúng cách thường xuyên, các vết bẩn, thức ăn thừa sẽ bám lại và làm tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, từ đó suy giảm chất lượng của món ăn. Chưa kể vi khuẩn còn làm thức ăn nhanh hỏng và dễ biến chất hơn.
Thêm vào đó, sự ẩm ướt và môi trường trong tủ lạnh cũng tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nấm mốc. Những vết bẩn và dầu mỡ tích tụ trên các bề mặt tủ có thể làm nấm mốc xuất hiện, làm hỏng thực phẩm, gây ra mùi khó chịu. Nếu bạn ăn phải những loại thực phẩm này sẽ dẫn tới bệnh tật.
Vì thế, bạn nên chùi rửa thật sạch tủ lạnh và phần tay cầm thường xuyên. Hãy sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh khoa học như thịt sống phía dưới, rau củ quả bên trên, sau đó đến nước uống và đồ ăn đã nấu chín. Nên dùng vài lát chanh để khử mùi cho tủ lạnh.
- Công tắc đèn
Các công tắc trên tường là những nơi được tiếp xúc với tần suất rất nhiều, hầu như mọi người trong gia đình đều chạm vào hàng ngày. Nhưng tiếc là chúng lại không được vệ sinh thường xuyên. Giống như các bề mặt khác, công tắc đèn có thể chứa vi trùng và việc lau chùi bằng khăn có thể vẫn chưa đủ.
Theo đó, công tắc đèn thường được đặt ở vị trí dễ tiếp xúc với tay - một trong những bộ phận của cơ thể chứa nhiều vi khuẩn nhất. Do đó, vi khuẩn từ tay có thể dễ dàng chuyển sang bề mặt của công tắc và phát triển tại đó. Nếu ai cũng chạm vào thì công tắc sẽ trở thành ổ vi khuẩn không thua gì bồn cầu.
Ngoài ra, do công tắc đèn thường không được coi là một phần trong quá trình vệ sinh nhà cửa, nên nhiều người hay bỏ qua việc làm sạch và lau chùi chúng. Vậy nên khi dọn dẹp trong ngày Tết, hãy chú ý vệ sinh khu vực này, sử dụng cồn hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn.
- Thớt
Thớt vốn là vật dụng quen thuộc và không thể thiếu trong bất kì gia đình nào, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, thớt cũng có thể trở thành "kẻ sát nhân" nếu không được làm sạch và bảo quản đúng cách. Đáng tiếc đây là vấn đề mà nhiều gia đình đang gặp phải.
Cụ thể hơn, các vết trầy xước trên mặt thớt sẽ ẩn chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu thớt bị nấm mốc thì chúng sẽ sản sinh chất aflatoxin, chỉ với 1mg chất này khi vào cơ thể cũng đủ khiến con người tăng nguy cơ mắc ung thư. Nếu cùng lúc ăn tới 20mg chất này, nguy cơ tử vong là rất cao.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe gia đình, việc làm sạch và vệ sinh thớt định kỳ thực sự rất quan trọng. Sử dụng nước nóng, xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng để lau sạch thớt sau mỗi lần sử dụng. Cần đảm bảo thớt được khô ráo hoàn toàn trước khi sử dụng lại.
Theo Indiatimes, Healthline