5 thói quen dùng thớt sai cách bạn cần loại bỏ ngay
Dùng thớt sai sẽ cực kì nguy hiểm, không những có thể làm bạn bị chấn thương mà thậm chí còn mang bệnh.
Thớt là một trong những dụng cụ nhà bếp không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Bạn dùng thớt hàng ngày trong quá trình nấu và cũng rửa nó sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng giống như dao, nồi hay chảo...
Nhưng bạn có biết, không phải ai cũng sử dụng thớt đúng cách. Nếu dùng sai sẽ cực kì nguy hiểm, không những có thể làm bạn bị chấn thương mà thậm chí còn mang bệnh.
Nếu bạn chưa biết dùng thớt như thế nào là sai và nguy hiểm thì hãy tham khảo nhé. Dưới đây là 7 sai lầm có thể bạn vẫn mắc phải khi dùng thớt và cách để khắc phục chúng.
1. Lúc nào bạn cũng dùng thớt thủy tinh
Đúng là thớt thủy tinh có nhiều khả năng chống vết bẩn và mùi hôi nhưng bề mặt cứng của thớt sẽ làm cho dao nhanh bị cùn. Không những thế, dùng thớt này cũng dễ làm bạn bị chấn thương vì bề mặt nó trơn, dễ bị trượt dao.
Giải pháp: Bạn có thể chuyển sang dùng thớt gỗ hoặc nhựa. Nhiều nghiên cứu cho rằng thớt gỗ ít có khả năng chứa vi khuẩn hơn nhưng thớt nhữa vẫn được coi là an toàn vì dễ dàng rửa sạch hơn.
2. Sử dụng thớt quá nhỏ
Một cái thớt nhỏ xinh xắn có thể phù hợp và làm đẹp cho góc bếp của bạn. Thế nhưng, do diện tích bề mặt thớt nhỏ làm cho thực phẩm dễ bị rơi ra ngoài khi sơ chế hoặc dao bạn đang dùng không có đủ chỗ để di chuyển qua lại nên nguy cơ bị tổn thương cao. Thức ăn bị rơi ra bề mặt khác ngoài thớt cũng đồng nghĩa với việc có vô số vi khuẩn trên bề mặt đó nhanh chóng bám vào thức ăn và nếu bạn sử dụng lại thì cũng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Giải pháp: Bạn nên tính đến sự an toàn của bản thân bằng cách dùng một chiếc thớt phù hợp, không quá nhỏ và tiện cho việc sử dụng.
3. Không dùng riêng thớt để chế biến thịt
Ai cũng biết thịt sống, kể cả thịt gia cầm và cá đều có thể chứa vi khuẩn như E. coli và salmonella - những vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, đường ruột... Nhưng khi bạn chỉ sử dụng một chiếc thớt cho tất cả mọi nguyên liệu cần thao tác, từ thịt đến rau rủ, hoa quả... thì sẽ có nhiều khả năng lây nhiễm các vi khuẩn trên. Nguyên do là vì vi khuẩn từ thịt bám lại trên bề mặt thớt, sau đó dính vào các thức ăn khác và kết quả là vào cơ thể bạn.
Giải pháp: Tốt nhất, hãy dùng riêng 2 loại thớt cho thịt và các thực phẩm khác. Sau khi dùng cần rửa sạch với xà phòng và nước ấm.
4. Không dùng thớt riêng cho người bị dị ứng thực phẩm
Lây nhiễm chéo là điều khó tránh khi dùng chung các loại thớt, đó cũng là lý do tại sao nên dùng thớt riêng cho những người bị dị ứng thực phẩm. Ngay cả khi bề mặt thớt trông rất sạch sẽ thì nó vẫn có thể chứa những chất có thể gây dị ứng trên đó. Bởi vậy, nếu không may dùng thớt để chế biến thực phẩm cho người bị dị ứng một loại thực phẩm khác thì cũng có thể gây nguy hiểm cho họ.
Giải pháp: Nếu nhất định phải dùng chung 1 chiếc thớt, hãy khử trùng nó thường xuyên (các chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học bang North Carolina khuyến cáo nên dùng chất khử trùng clo cho sản phẩm nhựa). Hoặc để an toàn nhất thì nên dùng riêng thớt cho người bị dị ứng thực phẩm.
5. Để thớt ẩm ướt, không khô ráo
Bề mặt ẩm ướt là môi trường tốt để vi trùng, vi khuẩn phát triển nhanh chóng mặt. Khi dùng, cho dù bạn có dội qua nước nóng trước đó thì cũng khó đảm bảo loại bỏ hết đám vi trùng đang bám trên bề mặt đó. Tiếp theo đó là nguy cơ vi khuẩn bám vào thức ăn, tay rồi xâm nhập và cơ thể là khó tránh khỏi.
Giải pháp: Thay vì đặt ngay thớt vừa rửa lên giá, hãy làm cho nó khô hoàn toàn trước đã. Như vậy sẽ giảm đáng kể cơ hội sinh sôi của các mầm bệnh.
(Tổng hợp)