5 năm tới ngành nào thuộc nhóm Khoa học xã hội sẽ 'đắt hàng'?
Trước mùa tuyển sinh 2022, rất nhiều thí sinh quan tâm học các trường đào tạo lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là ngành Lịch sử, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ như thế nào?
Tại buổi tư vấn trực tuyến chọn ngành khối Khoa học Xã hội và Nhân văn, báo chí và Ngoại ngữ vừa được báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức, vấn đề thí sinh quan tâm không phải là cơ hội trúng tuyển mà là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Lợi thế học ngành ngôn ngữ Anh
Thí sinh Nguyễn Thùy Linh đặt câu hỏi đến các chuyên gia về việc làm sau khi ra trường khi học ngành ngôn ngữ Anh. TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Hà Nội cho hay ngôn ngữ Anh là một trong những ngành truyền thống lâu đời của nhà trường. Đồng thời cũng là ngành có số lượng chỉ tiêu hằng năm lớn nhất. Năm 2022, ngành này dự kiến tuyển sinh 300 chỉ tiêu.
TS Nguyễn Tiến Dũng thông tin theo khảo sát, những năm qua, tỷ lệ việc làm sau 6 tháng khi ra trường lên đến 95%. Sinh viên có thể làm các công việc liên quan đến phiên dịch, giảng dạy tại nhiều lĩnh vực khác nhau, trong các doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các tổ chức phi chính phủ…
Ngoài ra, trường ĐH Hà Nội đang có 9 ngành đào tạo bằng tiếng Anh như Quản trị Kinh doanh, Marketing, Kế toán, Quốc tế học, Công nghệ thông tin… Sinh viên những ngành này đạt được hai mục tiêu khi ra trường là công cụ ngôn ngữ và lĩnh vực chuyên môn từng ngành nghề cụ thể. Đây là lợi thế của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay ai cũng có thể học được các ngành ngoại ngữ vì là ngôn ngữ sử dụng hằng ngày. Nhưng nếu nói về tố chất học ngoại ngữ tốt, ông có lưu ý người học cần năng động, chủ động trau dồi kỹ năng ngôn ngữ. Người học ngoại ngữ cần có khả năng giao tiếp tốt, tự tin và hoạt bát, mạnh dạn sử dụng ngôn ngữ đã được học trong hoạt động hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết Học viện có đào tạo ngành ngôn ngữ Anh nhưng thiên về biên dịch và làm phóng viên trong các cơ quan báo chí truyền thông sử dụng tiếng Anh. Bên cạnh đó có ngành quan hệ quốc tế làm tùy viên báo chí, các cơ quan đối ngoại nên sẽ sử dụng tiếng Anh. Hoặc ngành quan hệ công chúng, ngành truyền thông đa phương tiện cũng sử dụng tiếng Anh nhiều. Chính vì vậy, cơ hội việc làm đối với những sinh viên học ngành ngôn ngữ Anh rất lớn.
Ngành truyền thông đa phương tiện ra trường việc làm như thế nào?
Một số thí sinh cũng quan tâm đến ngành truyền thông đa phương tiện và sự khác nhau giữa ngành này và nhóm ngành báo chí. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay báo chí có nhiều chuyên ngành như báo in, báo điện tử, báo ảnh, báo truyền hình. Nhóm ngành truyền thông có truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện, truyền thông quốc tế. Trong đó, ngành truyền thông đa phương tiện đào tạo kỹ năng sáng tạo nội dung, sản xuất, ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong quản trị website, trong các chương trình chiến dịch truyền thông, thực hiện các dự án truyền thông đa phương tiện ở các cơ quan, doanh nghiệp.
TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng đối với ngành truyền thông đa phương tiện, sinh viên phải sử dụng được các phương tiện, công nghệ thông tin để hỗ trợ công việc.
Lịch sử không thiếu việc làm
Một thí sinh khá băn khoăn khi thích học Lịch sử nhưng gia đình không ủng hộ do lo lắng khó khăn việc làm sau khi tốt nghiệp. GS Hoàng Anh Tuấn cho hay bản thân ông vốn là cựu sinh viên ngành Lịch sử của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Chính vì vậy, ông rất hóm hỉnh cho biết công việc đơn giản nhất khi học Lịch sử là làm hiệu trưởng một trường ĐH hay làm giáo sư ở một trường ĐH.
Điều đó có nghĩa là học Lịch sử có thể làm giảng viên, làm nghiên cứu, làm tại các cơ quan ngoại giao hoặc thậm chí là làm ở hải quan. Bởi đôi khi hải quan rất cần kiến thức về khảo cổ lịch sử. GS Tuấn rất mong được đón thí sinh này vào khoa Lịch sử của trường Nhân văn. Vì như vẫn nói yêu nghề, nghề không phụ. GS Tuấn nói trước đây ông có nhiều lựa chọn nhưng cuối cùng chọn lịch sử và như cái duyên gắn bó đến ngày nay.
Tâm lý học sẽ đắt như "tôm tươi"
Một ngành học cũng được thí sinh quan tâm là ngành Tâm lý học nhưng không rõ cơ hội việc làm cụ thể ra sao. Theo GS Hoàng Anh Tuấn, Tâm lý học có rất nhiều lĩnh vực: tâm lý gắn với môi trường y học, tâm lý giáo dục, tâm lý xã hội… Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay, GS Hoàng Anh Tuấn khẳng định nhu cầu nhân lực ngành tâm lý sẽ vẫn còn rất lớn trong 10 năm tới. Hiện đây là ngành có điểm chuẩn thuộc top 5 của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
GS Hoàng Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh ngành giáo dục đang có nhu cầu nhân lực về lĩnh vực tâm lý rất lớn vì thời gian dài trường học chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi số lượng trường học các cấp ở Việt Nam lên đến hàng trăm nghìn trường.