5 loại thuốc có thể là "kẻ thù" với "chuyện ấy" của bạn
Một số loại thuốc có tác động kích thích và làm mất cân bằng hormone, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, cảm xúc, kể cả đối với "chuyện ấy" của bạn.
Mỗi khi có những dấu hiệu như không còn cảm hứng, chán nản và không muốn “quan hệ” với chồng… nhiều chị em lo lắng mình đã bị mãn kinh, tiền mãn kinh hoặc đang mắc bệnh nào đó. Thực tế, đó hoàn toàn có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến “chuyện ấy” của bạn nhưng đôi khi nguyên nhân lại có thể xuất phát từ chính những loại thuốc bạn đang uống hàng ngày.
Một số loại thuốc có tác động kích thích và làm mất cân bằng hormone, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, cảm xúc, kể cả đối với nhu cầu tình dục của bạn.
Dưới đây là danh sách một số loại thuốc phổ biến nhưng có thể gây tổn hại đến “chuyện ấy” của bạn.
Thuốc giảm đau theo toa
Thuốc giảm đau theo toa đã nhận được rất nhiều sự chú ý của phương tiện truyền thông thời gian gần đây sau khi lực lượng chống ma túy Mỹ mới chuyển thuốc này sang danh sách hạn chế. Trong khi hầu hết mọi người đều nhận thức được hiệu quả của chúng là giúp giảm đau, không nhiều người biết rằng, loại thuốc này có thể làm suy giảm ham muốn của bạn.
Tờ Times đưa tin các thuốc giảm đau như: Vicodin, Oxycontin, Percocet… có thể làm giảm testosterone, ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của cả nam và nữ giới. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism cho thấy những bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc giảm đau đều gặp tình trạng suy giảm ham muốn tình dục.
Ảnh minh họa
Thuốc tránh thai
Mối liên hệ giữa thuốc tránh thai và giảm ham muốn tình dục chưa được chứng minh dứt khoát, nhưng đã có bằng chứng cho thấy thuốc có thể làm giảm ham muốn tình dục của bạn, ít nhất là ở phụ nữ. Tiến sĩ Laura Berman, một nhà giáo dục tình dục và trị liệu mối quan hệ, nói với tạp chí điện tử Parenting rằng điều này là do nội tiết tố của viên thuốc tránh thai làm sản xuất testosterone thấp hơn và ham muốn tình dục do đó giảm đi.
Berman cũng giải thích rằng thuốc có thể làm tăng sản xuất SHBG - các globulin hormone giới tính, mà sau đó cũng có thể làm giảm lượng testosterone ở phụ nữ. Thông thường, điều này có thể dễ dàng giải quyết bằng cách đơn giản là chuyển đổi loại thuốc ngừa thai mà bạn đang sử dụng.
Thuốc chống trầm cảm
Mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm và giảm ham muốn tình dục đã được nhiều nhà khoa học thừa nhận. Tiến sĩ Chad Collom, một bác sĩ thực hành điều dưỡng tại Dallas (Mỹ), giải thích với Fox News rằng sự kết hợp này là do nhiều thuốc chống trầm cảm tương tác với bộ não con người.
“Thuốc chữa bệnh trầm cảm kích thích các serotonin nhất định có thể gây giảm dopamine và norepinephrine trong một khu vực của bộ não, có thể có ảnh hưởng đến ham muốn tình dục", Collom nói. Một báo cáo trên tạp chí Tâm thần học và Khoa học thần kinh cho thấy từ 30-80 % bệnh nhân bị giảm hàm muốn tình dục khi dùng thuốc chữa bệnh trầm cảm.
Ảnh minh họa
Thuốc huyết áp
Vấn đề huyết áp có thể dẫn rối loạn chức năng tình dục, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thuốc để chống lại bệnh cao huyết áp cũng dẫn đến rối loạn chức năng tình dục. Thuốc huyết áp được sử dụng để làm giảm huyết áp, nhưng theo báo cáo của Tạp chí AARP, thuốc làm giảm huyết áp có thể ảnh hưởng đến khả năng cương cứng và xuất tinh ở nam giới và gây ra khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và gây trở ngại cho cực khoái ở phụ nữ.
Thuốc lợi tiểu được sử dụng để kiểm soát huyết áp cũng khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi cương cứng do thuốc có xu hướng ngăn chặn lưu lượng máu đến dương vật.
Thuốc chống động kinh
Thuốc chống động kinh, còn được gọi là thuốc chống co giật, thường được sử dụng để ngăn chặn cơn động kinh. Đối với những trường hợp chỉ định, thuốc là “phao cứu sinh” vì nó có tác dụng ngăn ngừa xung dẫn truyền từ các tế bào thần kinh và làm giảm cơ hội bị co giật đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, do thuốc gây trở ngại cho các xung thần kinh, nó cũng có thể làm giảm khả năng đạt khoái cảm của người dùng. Những người đàn ông đã dùng thuốc chống động kinh carbamazepine rất khó đạt được sự cương cứng và giảm ham muốn tình dục, thuốc cũng gây ra một sự thay đổi đáng kể trong chất lượng tinh trùng.
(Nguồn: MedicalDaily)