5 điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Việt Nam
Dưới đây là những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng để bạn có thể đến viếng thăm và đi lễ đầu năm trong dịp đầu năm.
Những công trình chùa chiền, đền đài... không chỉ là di sản kiến trúc mà còn là địa danh du lịch tâm linh thu hút hàng triệu du khách thập phương mỗi năm. Dưới đây là những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bạn có thể đến viếng thăm nhân dịp Tết đến Xuân về…
Chùa Một Cột trong lòng Thủ đô
Chùa Một Cột (còn gọi là Diên Hựu tự hay Liên Hoa đài) được xây dựng vào năm 1049, theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt lên tòa. Có vị thiền sư mẫn tuệ đã khuyên vua cho dựng cột đá giữa hồ, làm đài sen của Phật Quan Âm như trong giấc mộng. Các sư làm lễ, đi vòng quanh tòa niệm Phật cầu phúc cho vua. Công trình được ví như một đóa sen lớn vươn lên khỏi mặt nước.
Liên Hoa Đài như đóa hoa sen lớn vươn lên khỏi mặt nước.
Chùa làm bằng gỗ, lợp ngói, mỗi cạnh 3m, độc đáo hơn cả là được dựng trên một trụ đá cao 4m (chưa kể phần chìm dưới nước), đường kính 1,2m gồm hai khối gắn liền nhau. Trải qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa theo thời gian, Chùa Một Cột đã được Tổ chức châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” vào năm 2012, trở thành một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.
Ninh Bình và quần thể chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính (Ninh Bình) tọa lạc trên khuôn viên 700ha, với 20 hạng mục có quần thể kiến trúc đồ sộ và đang nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam. Bức tượng Phật bằng đồng nặng 80 tấn an vị trên ngọn đồi của chùa được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước. Ngoài ra còn có hành lang La Hán với tổng chiều dài 1,8 km chạy dọc hai bên từ cổng Tam Quan đến điện Pháp Chủ. 500 pho tượng La Hán làm bằng đá xanh hiện lên sinh động dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề Ninh Vân.
Chùa Bái Đính với quần thể kiến trúc đồ sộ và nắm giữ nhiều kỷ lục.
Phía ngoài điện Pháp Chủ là nơi lưu giữ 500 cây bồ đề có nguồn gốc Ấn Độ. Kiến trúc của mái chùa chia thành 3 tầng màu nâu sẫm, 3 mái cong vút lên như đuôi phượng, đúng với hình ảnh của mái đình truyền thống trong kiến trúc Việt. Bảo tháp chùa Bái Đính cao 13 tầng được coi là ngôi Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á, nơi bảo tồn xá lợi Phật, cung nghinh từ Ấn Độ và Miến Điện.
Tượng Di Lặc bằng đồng nặng 80 tấn an vị trên ngọn đồi của chùa.
Cố đô Huế với ngôi chùa Thiên Mụ
Cố đô Huế vốn là nơi quy tụ nhiều nhiều ngôi chùa cổ kính, nhưng ngôi chùa xưa nhất có lẽ phải kể đến chùa Thiên Mụ - nơi có sự tích gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km, trên đồi Hà Khê, chùa xây dựng cách đây hơn 400 năm, trải qua bao biến động nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghi, thanh tịnh và cổ kính bên dòng sông Hương.
Chùa Thiên Mụ thanh tịnh và cổ kính bên dòng sông Hương.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp gồm 7 tầng, cao 21m, mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm,... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá về mặt lịch sử lẫn nghệ thuật.
Tháp Phước Duyên - biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ.
Thiền viện Trúc Lâm tại Đà Lạt thơ mộng
Tọa lạc trên núi Phụng Hoàng cạnh Hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm TP. Ðà Lạt khoảng 5km, Thiền viện Trúc Lâm được coi là thiền viện lớn nhất trong cả nước cả về không gian lẫn quy mô, mang trong mình kiến trúc hài hoà giữa cổ - kim rất thanh thoát. Được khởi công xây dựng từ năm 1993, thiền viện tuy không quá cổ kính, nguy nga nhưng lại ẩn chứa bao điều huyền diệu của thế giới tâm linh.
Thiền viện Trúc Lâm: kiến trúc hài hoà giữa cổ - kim thanh thoát.
Thiền viện có hơn 100 tăng ni và nhiều cư sĩ tập trung từ khắp nơi trong nước. Trong chánh điện chỉ thờ Phật Thích Ca cầm cành hoa sen, phía ngoài là toà tháp uy nghiêm, bên trong treo một chiếc chuông lớn cao 1.98 m nặng 1.1 tấn, trên có khắc bài thơ của Trúc Lâm Ðầu Ðà. Trong vườn là bức tranh muôn màu của những loài hoa đẹp và quý hiếm được các hòa thượng mang từ khắp nơi trên thế giới về trồng. Từ trên Thiền viện nhìn xuống, 5 nhánh suối đổ về Tuyền Lâm như bàn tay 5 ngón lấp lánh ánh bạc dưới nắng trời… khiến khung cảnh càng thêm thơ mộng.
Hồ Tuyền Lâm thơ mộng ngay dưới chân Thiền viện Trúc Lâm.
Chùa Long Sơn ở thành phố biển Nha Trang
Chùa Long Sơn tọa lạc tại số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn (dưới chân đồi Trại Thủy, Nha Trang, Khánh Hòa). Khuôn viên chùa rộng hơn 3.200m2, chính điện có bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nặng 700kg. Trong chùa còn có tượng Quan Âm Chuẩn Đề “nghìn tay, nghìn mắt”. Bên cạnh chùa là giảng đường của Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa.
Chùa Long Sơn - vẻ đẹp tâm linh của thành phố biển Nha Trang
Từ chùa, muốn lên đến đỉnh đồi Trại Thủy phải đi lên 153 bậc tam cấp, tại bậc thứ 44 là tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn, đằng sau là bức phù điêu khắc họa cảnh 49 đệ tử túc trực niệm Phật. Trên đỉnh đồi là bức tượng Kim Thân Phật tổ ngồi thuyết pháp trên đài sen. Có thể nói, chùa Long Sơn chính là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm linh của thành phố biển Nha Trang. Vì thế mà ca dao có câu: “Ai về ngắm cảnh Khánh Hoà / Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên / Kim Thân Phật tổ nhớ lên / Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời”…
Tượng Kim Thân Phật tổ ngồi thuyết pháp trên đài sen.
Ảnh: internet