5 dấu hiệu cho thấy bạn có vết thương thời thơ ấu khó chữa lành

Lạc Hà,
Chia sẻ

Những vết thương lòng thời thơ ấu có thể đi theo chúng ta đến tận khi trưởng thành và rất khó để chữa lành.

Có một sự thật là, thời thơ ấu chính là quãng thời gian hình thành nên phần lớn tính cách và con người bạn. Hay nói một cách khác, bạn chính là những gì mà thời thơ ấu đã dạy bạn trở thành.

Có 5 dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy những gì bạn đã trải qua trong thời thơ ấu tác động tiêu cực đến cuộc sống cá nhân và công việc của bạn sau này.

1. Bạn sợ phải lên tiếng để biện hộ hoặc bảo vệ bản thân

Nhiều người trưởng thành không thành công hoặc không hạnh phúc thường có một sự sợ hãi nhất định với việc lên tiếng cho chính mình. Đơn giản là họ không thể biện hộ hay đứng lên đấu tranh cho những gì họ muốn và xứng đáng. 

Điều này thường là do những trải nghiệm đến từ thuở thơ ấu. Có những người thường bị trừng phạt bằng lời nói hoặc hành động khi họ lên tiếng và thách thức những người có thẩm quyền trong cuộc sống của họ ngày còn nhỏ. Những người khác thì nhận về phản hồi rằng ý kiến của họ là trẻ con, ngốc nghếch và không đáng để tâm. 

Trải nghiệm này khiến họ học được rằng tự mình lên tiếng là con đường nhanh nhất dẫn đến việc xấu hổ, nhục nhã và nguy hiểm.

5 dấu hiệu cho thấy bạn có vết thương thời thơ ấu khó chữa lành - Ảnh 1.

2. Bạn không công nhận bản thân là một người có giá trị

Chính hiệu ứng “con nhà người ta” khiến cho những đứa trẻ thường lớn lên với cảm giác bản thân “vô giá trị”. Vì vậy, sau khi trưởng thành và đã đạt được những thành tích cao, họ cũng không biết mình tài năng hay tuyệt vời như thế nào.

Nếu cha mẹ bạn thường đối xử với bạn như thể bạn kém cỏi, không đủ tiêu chuẩn mà họ đặt ra, hoặc những gì mà bạn đạt được không có giá trị, thiếu tầm quan trọng hoặc không đủ sự xứng đáng với tình yêu của họ; hay cha mẹ bạn đặt ra cho bạn quá nhiều thử thách mà không dành cho bạn tình yêu thực sự hoặc sự quan tâm lành mạnh, nhiều khả năng là cảm giác không xứng đáng sẽ đi theo bạn đến tận ngày hôm nay.

Và nếu bạn lớn lên chỉ với tình yêu có điều kiện, nghĩa là bạn phải đáp ứng những điều kiện và tiêu chí nhất định để được yêu thương, trân trọng và được đánh giá cao, thì những điều kiện này rất có thể vẫn là điều mà bạn đang cố gắng hoàn thành trong cuộc sống trưởng thành.

3. Bạn có tính phòng thủ và phản ứng mạnh, thậm chí là không thể bình tĩnh trong một số tình huống

Những người không có khả năng đồng cảm và thấu hiểu với người khác thường bắt nguồn từ sự bất an sâu sắc hình thành khi con nhỏ. Những cá nhân này thường thiếu khả năng kết nối với người khác bằng lòng trắc ẩn, sự hiểu biết và EQ cao. 

Bên cạnh đó, họ cũng có sự phòng thủ và luôn phản ứng một cách mạnh mẽ với một số tình huống trong cuộc sống. 

Những người này thường nghiền ngẫm những điều tiêu cực, và các cuộc thảo luận của họ nhanh chóng trở thành một trận đối đầu và xung đột. Kết quả là, họ cảm thấy đơn độc, bị hiểu nhầm và có xu hướng oán giận những người khác dường như có ưu thế hơn hoặc có nhiều thứ hơn họ.

Nếu cách nuôi dạy mà bạn nhận được quá nghiêm khắc, quá độc đoán và quá kiểm soát, và nếu bạn bị chê bai rằng không đủ thông minh hay năng lực (dù là công khai hay ngấm ngầm) thì bạn có thể đang mang trong mình vết thương thời thơ ấu. Điều đó khiến bạn thường có xu hướng coi người khác là kẻ thù và luôn tìm cách tự bảo vệ bản thân.

5 dấu hiệu cho thấy bạn có vết thương thời thơ ấu khó chữa lành - Ảnh 2.

4. Bạn đã học tính ái kỷ hoặc việc thao túng cảm xúc từ cha mẹ hoặc những người có thẩm quyền khác trong cuộc sống của bạn, và có khả năng bạn sẽ bộc lộ một số đặc điểm tương tự

Các nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 9% dân số Hoa Kỳ đang trải qua ít nhất một chứng rối loạn nhân cách và 6% dân số mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. 

Khi bạn được nuôi dạy bởi một người có tính ái kỷ, bạn sẽ phải mang những vết thương lòng thời thơ ấu theo suốt cuộc đời, trừ khi bạn giải phóng chúng bằng sự tích cực và cởi mở.

Các chuyên gia cho rằng khi một đứa trẻ bị mắc kẹt trong một gia đình có cha mẹ ái kỷ, chúng sẽ nội tâm hóa lòng ái kỷ - nó sẽ trở thành tiếng nói bên trong chúng và sau đó chống lại chúng, hoặc chúng thể hiện lòng ái kỷ ra bên ngoài bằng cách gieo rắc sự xấu hổ, cảm giác tội lỗi, tủi nhục và sợ hãi mà chúng đã trải qua nhưng không thể chịu đựng được lên người khác. 

Nếu bạn muốn biết đặc điểm của người có tính ái kỷ, thì dưới đây là 9 đặc điểm nổi bật:

- Tự cao tự đại về tầm quan trọng của bản thân, ví dụ phóng đại thành tích và tài năng, mong được công nhận là người tài giỏi mặc dù không có thành tích tương xứng 

- Bị bận tâm bởi những tưởng tượng về thành công vô hạn, quyền lực, sự thông minh, cái đẹp và tình yêu lý tưởng

- Tin rằng mình đặc biệt và duy nhất, đồng thời tin rằng bản thân chỉ có thể được hiểu và kết giao với những người đặc biệt hoặc có địa vị cao.

- Đòi hỏi sự ngưỡng mộ quá mức

- Có kỳ vọng vô lý về việc được đối xử đặc biệt hoặc được đáp ứng mong muốn của mình

- Có tính bóc lột, bắt nạt và lợi dụng người khác để đạt được mục đích của mình

- Thiếu sự đồng cảm, không sẵn sàng nhận ra hoặc đồng cảm với cảm xúc, nhu cầu của người khác

- Thường ghen tị với người khác hoặc tin rằng người khác ghen tị với mình

- Thể hiện sự kiêu ngạo hoặc có hành vi, thái độ kiêu căng.

Điều đáng nói là khi bạn bị tổn thương bởi tính ái kỷ khi còn nhỏ, rất có thể bạn đang mang một vết thương lòng ái kỷ bên trong cần được chữa lành. Nếu bạn không giải quyết nó, nó sẽ tàn phá các mối quan hệ của bạn, sự thỏa mãn và thành công cá nhân của bạn, cũng như quan niệm về bản thân và lòng tự trọng của chính bạn.

5. Bạn không tin rằng mình có những thứ cần thiết để tạo ra sự thay đổi tích cực thực sự trong cuộc sống của mình

Những người cảm thấy tuyệt vọng hoặc thiếu hiệu quả trong việc thay đổi thường trải qua một tuổi thơ đã dạy họ rằng họ không có những gì cần thiết để tạo ra một cuộc sống hạnh phúc. Họ không được cha mẹ, ông bà hoặc anh chị của mình hướng dẫn để hiểu rằng cách chúng ta suy nghĩ và hành động trong cuộc sống thực sự có thể mang lại cơ hội và hạnh phúc.

Nếu khi còn nhỏ, bạn phải đối mặt với khó khăn hoặc chấn thương tinh thần nhưng không có cách tích cực nào để định hình hoặc hiểu về nó và xem có thể học được gì từ chúng, thì sự bất lực và tuyệt vọng có thể hình thành, và cảm giác là nạn nhân sẽ theo bạn đến khi trưởng thành.

Nếu bạn nhận ra bất kỳ trải nghiệm nào trong số này là của chính mình, hãy biết rằng những thử thách này đều có thể vượt qua được. Bước đầu tiên là nhận ra rằng thay đổi là điều cần thiết, sau đó tìm loại hỗ trợ phù hợp để giúp bạn giải quyết, thay đổi và chữa lành. 

Chia sẻ