5 đại dịch cúm tàn khốc nhất lịch sử thế giới hiện đại, có một đợt bùng phát đã giết chết hơn 50 triệu người
Hãy cùng nhìn lại 5 đại dịch cúm tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, để thấy rõ sức tàn phá của những "sát thủ vô hình" này.
Ngày 3/2/2025, truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời do biến chứng cúm mùa trong chuyến du lịch Nhật Bản mừng năm mới cùng gia đình. Cái chết bất ngờ khiến người hâm mộ bàng hoàng của nữ diễn viên xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản đang phải vật lộn đối phó với dịch cúm mùa nghiêm trọng bắt đầu từ tháng 11/2024 và diễn biến phức tạp cho đến thời điểm hiện tại.
Cúm mùa, ngay cả trong những năm bình thường, cũng có thể gây chết người. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có từ 291.000 đến 646.000 người trên toàn thế giới tử vong vì các bệnh hô hấp liên quan đến cúm. Tại Mỹ, trung bình mỗi năm có từ 9 đến 45 triệu người mắc cúm, dẫn đến khoảng 12.000 đến 61.000 ca tử vong. Dữ liệu của CDC từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020 cho thấy, ước tính có khoảng 39 đến 56 triệu ca nhiễm cúm và 24.000 đến 62.000 ca tử vong.
Hãy cùng nhìn lại 5 đại dịch cúm tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, để thấy rõ sức tàn phá của những "sát thủ vô hình" này.
Đại dịch "cúm Nga" năm 1889
Một trong những đại dịch chết người nhiều nhất trong lịch sử, đợt bùng phát "cúm Nga" đã lây nhiễm cho 40% dân số thế giới và giết chết khoảng 1 triệu người.
"Cúm Nga" năm 1889 được cho là bắt nguồn từ St. Petersburg (Nga). Đại dịch này nhanh chóng lan ra khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới. Những tác động được báo cáo nhiều nhất của đại dịch diễn ra từ tháng 10 năm 1889 đến tháng 12 năm 1890, với các đợt tái phát vào tháng 3 đến tháng 6 năm 1891, tháng 11 năm 1891 đến tháng 6 năm 1892, mùa đông năm 1893–1894 và đầu năm 1895.
Mặc dù đây là đại dịch cúm cuối cùng của thế kỷ 19, nhưng đây là đại dịch đầu tiên lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới do cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại của đường sắt và đường biển xuyên Đại Tây Dương.
Đại dịch "cúm Tây Ban Nha" năm 1918
Đại dịch cúm năm 1918 thường được coi là đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Kéo dài từ tháng 2/1918 đến tháng 4/1920, đại dịch này đã lây nhiễm cho 1/3 dân số thế giới trong bốn làn sóng liên tiếp và giết chết ít nhất 50 triệu người. Theo CDC, khoảng 675.000 người trong số đó ở Mỹ. Dân số Mỹ vào tháng 7/1918 ước tính khoảng 103 triệu người, tức là khoảng 0,65% toàn bộ dân số đã chết vì virus này.
Một thông tin cần biết là đại dịch này bùng phát vào gần cuối Thế chiến thứ nhất với trường hợp được ghi nhận sớm nhất vào tháng 3 năm 1918 tại tiểu bang Kansas ở Hoa Kỳ, sau đó là các ca bệnh ở Pháp, Đức và Vương quốc Anh vào tháng 4. Tuy nhiên, các quốc gia tham chiến trong Thế chiến thứ nhất đã che giấu tin xấu để duy trì tinh thần binh sĩ, trong khi đó truyền thông vẫn tự do đưa tin về đợt bùng phát ở Tây Ban Nha trung lập. Điều này tạo ra ấn tượng sai lầm về tâm dịch thực sự của đại dịch, và dẫn đến tên gọi sai là "cúm Tây Ban Nha".
Đại dịch "cúm Châu Á" năm 1957
Đại dịch cúm năm 1957, hay "cúm châu Á", được báo cáo lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 2/1957. Virus H2N2 mới đã lan rộng khắp Trung Quốc và các nước lân cận trước khi đến Mỹ vào mùa hè năm đó. Theo CDC, khoảng 1,1 triệu người đã chết trên toàn thế giới, bao gồm 116.000 người ở Mỹ.
Sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin và sự sẵn có của thuốc kháng sinh đã hạn chế sự lây lan và số ca tử vong. Năm 1968, chủng virus "cúm Châu Á" H2N2 đã biến mất khỏi quần thể người và được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Các lọ đựng virus cúm H2N2 vẫn còn trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.
Đại dịch "cúm Hong Kong" năm 1968
Đại dịch cúm năm 1968, còn được gọi là "cúm Hong Kong", do virus H3N2 gây ra. Virus này được cho là đã tiến hóa từ chủng cúm gây ra đại dịch năm 1957 thông qua "dịch chuyển kháng nguyên". Đây là quá trình mà hai hoặc nhiều chủng virus khác nhau, hoặc các chủng của hai hoặc nhiều virus khác nhau, kết hợp để tạo thành một phân nhóm mới.
Đợt bùng phát cúm toàn cầu năm 1968 bắt nguồn từ Trung Quốc. Loại virus này có khả năng lây lan cao. Tại Hồng Kông, 500.000 ca bệnh đã được báo cáo trong vòng hai tuần. Dịch bệnh nhanh chóng lan rộng khắp Đông Nam Á và đến Mỹ trong vòng vài tháng theo chân binh sĩ trở về từ chiến tranh. Theo CDC Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 1 triệu người tử vong trên toàn thế giới, trong đó 100.000 ca tử vong xảy ra tại Mỹ.
Đại dịch "cúm lợn H1N1" năm 2009
Năm 2009, virus H1N1, ban đầu được gọi là "cúm lợn", xuất hiện tại Mỹ và nhanh chóng lan ra toàn cầu. Loại virus này mang một tổ hợp gen cúm hoàn toàn mới, chưa từng được xác định trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC - Mỹ) ước tính, trong năm đầu tiên virus lây lan, đã có khoảng 151.700 đến 575.400 người tử vong trên toàn thế giới. Điều đáng ngạc nhiên là khoảng 80% số ca tử vong là ở những người dưới 65 tuổi.
Theo Guardians, WHO, Flu.com