4 quyền lợi nổi bật mà chủ sở hữu căn hộ chung cư thuộc diện cải tạo, xây lại được hưởng kể từ 1/9

Hồng Nhung,
Chia sẻ

Theo Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, từ ngày 1/9/2021, chủ căn hộ chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác được hưởng một số quyền lợi theo quy định.

Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực thi hành từ 1-9 quy định rõ hàng loạt quyền lợi quan trọng của chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây lại. Trong đó có 5 quyền lợi của chủ sở hữu nhà chung cư được thay đổi chi tiết như sau:

1. Được tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Điều này thể hiện ở việc lấy ý kiến của các chủ sở hữu khi lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Nguyên tắc thực hiện: Mỗi một căn hộ trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết và có ít nhất 70% tổng số chủ sở hữu căn hộ chung cư của nhà chung cư, khu chung cư đó tham gia.

Doanh nghiệp được lựa chọn phải được tối thiểu 75% tổng số các chủ sở hữu nhà chung cư, khu chung cư tham gia đồng ý.

Trường hợp có nhiều doanh nghiệp tham gia đăng ký làm chủ đầu tư thì lựa chọn doanh nghiệp nhận được tỷ lệ đồng ý cao nhất của các chủ sở hữu. Nhưng tối thiểu phải đạt trên 51% tổng số chủ sở hữu đồng ý.

Việc tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án phải được lập thành biên bản có chữ ký của đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dự án, đại diện cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư và doanh nghiệp được lựa chọn.

Làm rõ 4 quyền lợi nổi bật mà chủ sở hữu căn hộ chung cư thuộc diện cải tạo, xây lại được hưởng kể từ 1/9 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

2. Được tái định cư, được giải quyết chỗ ở tạm thời, được lựa chọn hình thức bồi thường theo quy định, yêu cầu chủ đầu tư thanh toán tiền chênh lệch bồi thường (nếu có)

Tức là, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được xác định rõ trong phương án bồi thường theo quy định. Cụ thể:

- Trường hợp chủ sở hữu tự lo chỗ ở thì chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả chi phí thuê nhà ở và các chi phí khác (nếu có) trong thời gian thực hiện dự án theo phương án bồi thường đã được phê duyệt.

- Trường hợp chủ sở hữu không thể tự lo chỗ ở thì UBND cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư để bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu.

- Trường hợp đang thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời hoặc thanh toán tiền cho người sử dụng tự lo chỗ ở trong thời gian thực hiện dự án theo quy định pháp luật nhà ở.

Việc bố trí chỗ ở tạm thời phải bảo đảm thuận tiện cho sinh hoạt của các chủ sở hữu, người sử dụng, trường hợp đầu tư xây dựng quỹ nhà để bố trí chỗ ở tạm thời thì phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhà ở.

3. Cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật

Theo Nghị định mới thì chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây lại sẽ được cơ quản có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai đối với nhà ở, công trình đã được bồi thường, bố trí tái định cư.

4. Được chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở tái định cư, nhà ở bố trí tạm thời (nếu được mua nhà ở này)

Trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán này được thực hiện như đối với chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản.

Người nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở tái định cư cuối cùng được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở.

Làm rõ 4 quyền lợi nổi bật mà chủ sở hữu căn hộ chung cư thuộc diện cải tạo, xây lại được hưởng kể từ 1/9 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Thực trạng các chung cư cũ thuộc diện cải tạo, xây lại hiện nay

Bộ Xây dựng khảo sát thì cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ với khoảng hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng trước năm 1994. Trong số nhà chung cư này có tới 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm.

Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã rà soát, thực hiện việc kiểm định được 600/2.500 nhà chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm chiếm khoảng 25%, tập trung chủ yếu tại 2 đô thị lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nhận định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ đạt xấp xỉ 3% trong suốt 10 năm qua là quá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn lớn, tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý dẫn đến khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng trong thời gian ngắn, chậm xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Và đa số nhà chung cư cũ tập trung tại khu vực nội thành cũ, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao và đặc biệt là dân số,...

Chia sẻ