Sài Gòn những ngày đầu năm, khí trời mang theo một chút hơi xuân ẩm ướt tươi mới thổi bạt đi cái nắng nóng quen thuộc của thời tiết phương Nam. Những ngày này ra đường buổi sớm, hòa mình trong chút sương muộn lâu tan sẽ thấy tết đến thật gần. Những ngày tiết trời se se thế này, người ta thường muốn ăn những món có nước bốc khói nghi ngút.
Xin giới thiệu đến bạn một món ăn rất phổ biến ở Sài Gòn có thể đáp ứng tiêu chuẩn trên, đó là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu đối với người miền Bắc là món ăn có phần xa lạ, còn đối với người Nam lại quá đỗi quen thuộc.
Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng rồi mới cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực... Nhưng nhất thiết phải có thịt bằm.
Hủ tiếu khi du nhập vào miền Nam đã biến đổi ít nhiều để phù hợp với khẩu vị của người dân ở đây. Đặc biệt Hủ tiếu Nam Vang do người Hoa chế biến sẽ có vị béo của nước béo và thơm thơm của xì dầu theo phong cách của người Hoa.
Cái tinh túy nhất của hủ tiếu là nước lèo, cũng giống như nước dùng của bún bò, phở… Nước lèo được nấu từ xương heo, phải là xương ống có tủy để khi hầm nước có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những gia vị phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm).
Nước dung hủ tiếu không thể thiếu thành phần tối quan trọng là thịt heo băm nhỏ. Thiếu đi thịt heo bằm sẽ không còn là hủ tiếu Nam Vang nữa.
Cọng hủ tiếu thì mỏng và dẹp cỡ cọng bún gạo khô, ăn nghe dai, mịn mà không đổ nhựa. Khi ăn hủ tiếu cũng có hai cách ăn là hủ tiếu khô và hủ tiếu nước. Nếu ăn khô hủ tiếu được rưới thêm nước xì dầu cùng tỏi phi thơm. Mùi thơm của tỏi phi vàng rộm cùng vị mặn có hậu ngọt thanh của xì dầu càng làm tăng sức hấp dẫn của món ăn.
Tô hủ tiếu Nam Vang nguyên gốc của người Tiều bên Campuchia chỉ có thịt heo nạt xắt miếng và bằm, đĩa rau ăn kèm gồm xà lách, giá. Về đến Sài Gòn lại có thêm nhiều chất đạm phụ như tôm sú, tim, gan, phèo non, trứng cút… Và đĩa rau ăn kèm món này cũng đa sắc hơn nhờ có thêm rau cần, tần ô, hẹ. Nhờ vậy tô hủ tiếu đã ngon lại còn hấp dẫn hơn rất nhiều.
Sài Gòn có rất nhiều tiệm hủ tiếu Nam Vang ngon, xin giới thiệu đến thực khách 4 quán hủ tiếu Nam Vang ngon tuyệt là Hồng Phát, Tylum, Liên Húa, Song Nguyên
1. Hủ tiếu Hồng Phát
Hủ tiếu Hồng Phát nổi tiếng từ rất lâu. Quán nằm ngay mặt tiền đường Võ Văn Tần với không gian rộng rãi, thoáng mát. Bên trong quán được bài trí theo phong cách của người Hoa, tinh thế mà tao nhã. Khắp quán được bao trùm bởi ánh đèn vàng nhạt nhìn vừa sang vừa ấm cúng. Bàn ghế bên trong quán được bài trí không quá gần nhau, đủ để tạo cho mỗi bàn ăn một không gian riêng biệt, không xô bồ.
Hồng Phát nổi tiếng không chỉ vì hủ tiếu cực ngon mà còn vì phong cách phục vụ chuyên nghiệp và tận tình. Các nhân viên ở đây luôn ân cần giải đáp thắc mắc của khách hàng.
Ngoài hủ tiếu Nam Vang là món ăn tạo nên tên tuổi của quán, Hồng Phát còn phục vụ thêm các món ăn khác như: há cảo xíu mại, bánh bao, hủ tiếu bò kho, mì xào giòn, cá kho sườn chua ngọt, lẩu SuKi Thái...
2. Hủ tiếu Tylum
Hủ tiếu Tylum gốc nằm ở số 93 đường Huỳnh Mẫn Đạt. TyLum là tên của chủ quán, là người Campuchia hồi hương năm 1970. Ông vừa là chủ vừa là đầu bếp chính vì vậy cái hương vị nước lèo của hủ tiếu Nam Vang vẫn rất đậm đà như ở quê hương của món ăn này. Tuy nhiên ngoài thành phần chính là thịt heo băm nhuyễn và thịt heo nạt, hủ tiếu Tylum còn có thêm trứng cút, tôm luộc, phèo… để món ăn thêm phần hấp dẫn.
Theo ông Tylum, để làm nên phong vị đặc biệt của hủ tiếu Nam Vang thì cái quan trọng nhất vẫn là nước lèo. Mỗi nồi nước lèo phải dùng 20kg xương ống heo để nấu. Nước lèo của Tylum có hương vị đặc biệt riêng, vị ngọt rất đậm đà.
Một số khách quen thường đến quán Ty Lum khoảng 8,9 giờ sáng hoặc từ 7- 9 giờ tối sẽ có cái thú ăn xí quách với hắc xì dầu. Xí quách lúc này vừa mềm tới độ, chấm miếng sụn giòn giòn vào nước chấm thơm lừng giằm thêm trái ớt hiểm xanh, ăn hết tô xí quách nhiều khi khách vẫn chưa thấy đã.
Tylum giờ đây đã trở thành một thương hiệu hủ tiếu riêng chứ không bó buộc trong phạm vi quán ăn gia đình nữa. Tuy nhiên, cái hương vị hủ tiếu Tylum vẫn không mất đi mà còn vang xa.
Quán mở cửa từ 7h-10h sáng và sau 4h chiều. Giá một tô hủ tiếu từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng.
3. Hủ tiếu Liến Húa
Liến Húa nằm ở 312 An Dương Vương, ngoài ra quán còn nhiều chi nhánh khác nhưng hủ tiếu ở đây vẫn là ngon nhất.
Cũng giống như hủ tiếu Tylum có đầu bếp là người Campuchia, cô chủ quán hủ tiếu Liến Húa cũng là một người Campuchia chính gốc. Chủ quán ở đây rất nhiệt tình vui vẻ, vài câu bắt chuyện xã giao, thực khách đã có thể biết nguồn gốc món ăn này như thế nào cũng như cách chế biến, các gia vị chính…
Nước lèo rất ngon
Quán ăn Liến Húa chuyên phục vụ món Hủ tiếu Nam Vang rất hấp dẫn, sợi hủ tiếu mềm và dai, nước lèo được nấu theo khẩu vị người Hoa nên rất ngọt và đậm đà. Hủ tiếu Nam Vang ở đây ngon hơn những chỗ khác do được nấu theo khẩu vị của người Hoa. Hải sản được quán lựa chọn từ những thứ tươi nguyên nên mùi vị hủ tiếu ở đây cứ mãi lôi cuốn thực khách.
Ngoài hủ tiếu Nam Vang, Liến Húa còn phục vụ thêm món há cảo hấp rất ngon và bắt mắt.
Giá một tô hủ tiếu là 55.000 đồng
4. Song Nguyên
Trên bảng quảng cáo ở ngoài, Song Nguyên là một quán mì gia, tuy nhiên, quán lại bán hủ tiếu cực ngon.
So với Hồng Phát, Hiến Lúa, Tylum thì quán hủ tiếu này có phần giản dị và bình lặng hơn. Tuy nhiên, nếu so về độ ngon thì cũng không hề kém cạnh.
Quán nhỏ với không gian khiêm tốn nhưng phục vụ lại hết sức tận tình. Gọi một tô hủ tiếu ở đây sẽ đầy ắp thịt, tôm, gan, đặc biệt còn có thêm mấy miếng cá to sụ ngọt lịm, ăn rất đã.
Nước lèo ở đây rất trong, sợi hủ tiếu dai vừa phải, trắng tinh. Hương vị được chế biến theo phong cách người Hoa, thơm ngọt đậm đà mà không ngấy. Ăn một tô thấy no nê mà vẫn còn thòm thèm.
Quán mở cửa buổi sang từ 8h đến 10h, buổi chiều từ 4h. Một tô hủ tiếu ở đây giá 50.000 đồng.