4 bước quan trọng để có thực phẩm an toàn
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và mang đến những bữa ăn giàu dinh dưỡng các “chủ bếp” hãy đặc biệt chú ý đến các bước sau khi chọn mua và lưu trữ thực phẩm.
1. Chọn mua thực phẩm sạch
Đối với rau củ, tuyệt đối không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ. Cần tránh xa những loại củ quả có dấu hiệu bất thường như quá to, quá nhăn nheo, phồng căng, hoặc có những đốm lạ. Khi sử dụng, nên nhặt riêng lá và cọng, ngâm trong nước muối trong vòng 15-20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch từ 2-3 lần. Nên gọt vỏ cho các loại quả và đừng tiếc những củ quả đã chuyển màu hay dập nát. Cách bảo quản rau quả tốt nhất là để ở ngăn dành riêng để có thể giữ ẩm tối ưu cho rau củ. Tuy nhiên, không nên rửa rau quả trước khi lưu trữ trong tủ lạnh vì rất dễ gây mốc thối.
Đối với thịt, chọn loại thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường. Thịt tươi thường có độ rắn chắc, đàn hồi cao, khi ấn tay không để vết lõm, và khi bỏ tay ra không bị dính nhớt. Tránh xa các loại thịt có màu xanh nhạt, thâm đen, có màng ngoài nhớt, có mùi ôi thiu hoặc thuốc kháng sinh. Đối với thịt gia cầm làm sẵn như gà vịt, nên chọn con có màu vàng nhạt, vì màu vàng đậm có thể do người bán đã ngâm vào nước pha bột sắt.
Đối với hải sản, nên mua cá tôm còn sống, đang bơi trong nước. Cá tươi có miệng ngậm kín, thân rắn chắc, đàn hồi và không để lại vết ấn của ngón tay. Không mua các sản phẩm đã quá hạn sử dụng và trong quá trình đi chợ, không để thực phẩm sống chạm vào các đồ rau quả hoặc các thực phẩm chín.
2. Lưu trữ thực phẩm
Khi lưu trữ các loại thịt cá, các chủ bếp lưu ý bọc nylon và cho vào ngăn đá. Khi cần để ra ngăn mát, nên giữ nguyên khay xốp (nếu có) hoặc đựng trong bát, đĩa để tránh nước thịt cá rơi ra tủ lạnh, tạo môi trường cho vi khuẩn. Khi thực phẩm đã lấy khỏi ngăn đông đã thì phải dùng luôn, tuyệt đối không rã đông rồi lại cho vào ngăn đá. Ngoài ra, các chủ bếp nên nhớ không rã đông ngoài tủ lạnh. Chỉ cần để thức ăn ở nhiệt độ phòng trong vòng 2 tiếng, vi khuẩn sẽ có cơ hội tấn công và phát triển.
Các chủ bếp cần đặc biệt lưu ý tách trữ thực phẩm: các thực phẩm chín thường được đặt ở ngăn trên cùng, các thực phẩm khác được xếp từ cao xuống thấp dựa trên nhiệt độ cần thiết để nấu chín. Không nên cho quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh vì việc này dẫn tới máy bị quá tải, làm cho thực phẩm dễ hỏng và nhiễm khuẩn chéo.
3. Nấu chín thức ăn
Nhiều thực phẩm sống như thịt gia súc, gia cầm và trứng chưa tiệt trùng có thể bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, các thực phẩm cần được đun nấu kĩ trước khi ăn để tránh ngộ độc thức ăn và các bệnh đường tiêu hoá. Nấu chín kỹ là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C. Dựa trên kinh nghiệm nấu nướng là một phần, nhưng để đảm bảo thực phẩm được chín hoàn toàn, các chủ bếp nên trang bị dụng cụ đo nhiệt độ thực phẩm. Thực phẩm nấu chín nên ăn ngay vì khi để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá lâu, các vi khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển.
Nếu bạn muốn chế biến trước thực phẩm hoặc muốn giữ lại các thức ăn thừa, phải bảo quản ở nhiệt độ nóng (gần hoặc trên 60 độ C), hoặc lạnh (gần hoặc dưới 10 độ C). Tất cả loại thực phẩm đã nấu chín cho trẻ em không nên giữ lại hoặc bảo quản trong tủ lạnh. Trường hợp dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm là do lưu trữ một số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh, thực phẩm nấu chín không có đủ độ lạnh cần thiết khiến vi khuẩn phát triển nhanh và đạt tới mức độ gây bệnh.
Thực phẩm nấu chín còn có thể bị ô nhiễm qua tiếp xúc với thực phẩm sống. Vậy nên khi chế biến và lưu trữ, cần tách riêng đồ sống và đồ chín. Không dùng chung thớt dao cho đồ sống để thái đồ chín, vì việc này sẽ tái sản sinh các vi khuẩn gây bệnh. Nếu không có điều kiện dùng riêng, cần phải rửa kĩ trước khi chuyển sang cắt thái đồ chín.
4. Giữ vệ sinh
Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức phẩm cũng phải được giữ sạch. Sau khi rửa và chế biến các thực phẩm sống, cần vệ sinh chậu rửa ngay để tránh vi khuẩn lây lan sang bát đĩa. Hàng ngày sau khi nấu nướng, dùng nước nóng, xà phòng, chanh hoặc dấm để vệ sinh bếp. Các chủ bếp cần có lịch vệ sinh định kỳ cho bếp, tủ lạnh, lò nướng, lò vi ba… bằng các dụng cụ và chất tẩy rửa chuyên dụng. Ngoài ra, giẻ rửa bát, khăn lau bếp, khăn lau bát đĩa cũng là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển, nên phải được giặt sạch và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
Luôn rửa tay sạch bằng nước ấm nóng và xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
Cuối cùng, cần lưu ý sử dụng nguồn nước sạch an toàn để rửa sạch và chế biến. Đặc biệt khi nấu thức ăn cho trẻ nhỏ, cần phải kiểm tra kĩ nguồn nước hoặc sử dụng nước đun sôi để nguội thay vì nước lã.
“Tủ lạnh trong tủ lạnh” Samsung Food Showcase • Dung tích lớn nhất lên đến 630 lít, là dòng tủ lạnh cao cấp nhất của Samsung giúp tăng khả năng lưu trữ 20-30% so với sản phẩm cùng kích thước. • Thiết kế ngăn lưu trữ khoa học, chia làm 3 khu vực dành riêng cho Mẹ, Gia đình và Bé, giúp mọi thành viên tìm thấy thứ mình cần nhanh gấp 2.1 lần. • Hệ thống lấy nước trong với dung tích lên đến 4.5l đủ dùng cho cả gia đình. Tủ lạnh 2 cửa Samsung Pebble Blue • Thích hợp với gia đình 2-3 người. Thiết kế xanh tím đẹp mắt, khả năng giữ thực phẩm tươi ngon suốt cả tuần nhờ hệ thống làm lạnh kép và ngăn Moistfresh Zone giữ ẩm tối ưu cho rau củ. • Tối ưu hóa khả năng lưu trữ bằng ngăn chứa đa năng cũng như ngăn chứa trên cánh cửa lớn và sâu hơn, khay kéo trượt thuận tiện. • Hệ thống khử mùi với quạt bên trong thổi khí qua một bộ lọc giúp khử mùi và tinh lọc không khí hiệu quả. |