4 bệnh dễ gây vô sinh nhất

NM,
Chia sẻ

Có không ít trường hợp người phụ nữ vô sinh bắt nguồn từ chính cơ thể họ.

Tôi kết hôn đã lâu nhưng vẫn chưa có tin vui cho dù hai vợ chồng không kiêng cữ gì và rất cố gắng. Tôi đi khám thì được biết mình bị viêm nhiễm thôi. Chồng tôi rất thương tôi nên luôn động viên vợ chữa bệnh.
 
Tôi biết chồng tôi chỉ động viên để tôi vui thôi chứ bệnh này dễ dẫn đến vô sinh lắm. Tôi nghe nói, có nhiều bệnh liên quan đến đường sinh sản rất phổ biến nhưng lại làm cho người phụ nữ bị vô sinh. Tôi lo sợ mình đang mắc một trong những chứng bệnh đó.
 
Xin hỏi, những bệnh dễ gây vô sinh ở nữ giới là bệnh gì?
 
4 bệnh dễ gây vô sinh nhất
Ảnh minh họa.
 
Trả lời:
 
Trước đây, có nhiều quan niệm cho rằng vô sinh, hiếm muộn chỉ gặp ở phụ nữ và nguyên nhân gây vô sinh chủ yếu là do ăn uống thực phẩm nhiều hóa chất hoặc sử dụng băng vệ sinh kém chất lượng... Nhưng thực tế, những nguyên nhân mang tính tác động từ bên ngoài đó là chưa đủ. Bởi có không ít trường hợp người phụ nữ vô sinh bắt nguồn từ chính cơ thể họ.
 
Tức là họ có thể mắc phải những bệnh dễ gây vô sinh mà không được chữa trị kịp thời, dứt bệnh.
 
Các bệnh dễ gây vô sinh nhất bao gồm:
 
Vô kinh: Trường hợp người phụ nữ đến tuổi trưởng thành mà không có kinh nguyệt thì gọi là vô kinh. Vô kinh có thể là nguyên phát (từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thấy kinh) hay thứ phát (đã từng có kinh nhưng sau đó không có kinh nữa hay là rất thưa trên 6 tháng mới có một lần).
 
Vô kinh có thể do rất nhiều lý do như: dị tật bẩm sinh đường sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo), không rụng trứng, suy buồng trứng sớm ở phụ nữ còn trẻ nguyên phát hay sau điều trị có mổ cắt buồng trứng hay hóa trị xạ trị do ung thư.
 
Vô kinh thứ phát có thể là do buồng trứng không rụng trứng. Trường hợp này có thể kích thích trứng rụng để có con. Còn trong trường hợp buồng trứng bị suy thì người phụ nữ không thể có con.
 
Buồng trứng đa nang: Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra ở khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng không phải ai bị buồng trứng đa nang cũng không thể sinh con.
 
Hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán khi bệnh nhân có 2 trong 3 nhóm triệu chứng sau đây:
 
- Triệu chứng lâm sàng: Rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa, hay vô kinh), béo phì, rậm lông
 
- Triệu chứng nội tiết: tăng nội tiết tố nam testosterone
 
- Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
 
Nếu bị hội chứng buồng trứng đa nang và lâu có con thì chị em nên đến cơ sở điều trị hiếm muộn để được điều trị bằng cách sử dụng các thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng.
 
Tử cung nhi hóa: Kinh nguyệt không đều đặn và dần tắt hẳn có thể là dấu hiệu của bệnh tử cung nhi hóa. Trong trường hợp này, người phụ nữ có thể uống thuốc nội tiết tố để có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, giữ cho tử cung bình thường. Còn khi đã lập gia đình thì phải đến ngay cơ sở điều trị hiếm muộn để được khám, chẩn đoán và điều trị.
 
Rối loạn phóng noãn: Rối loạn phóng noãn thường gây khó có thai và việc điều trị phải sử dụng các loại thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng.

Thông thường tỷ lệ có thai đạt được sau mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng khoảng 30%. Kích thích buồng trứng thường không được làm quá nhiều lần trên một bệnh nhân nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản của mẹ và thai nhi sau khi thụ thai.
Chia sẻ