3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư

Huyền Trang,
Chia sẻ

Cứ tờ mờ sáng, ngôi chùa Linh Sơn (còn gọi chùa Thanh Nhàn) lại rộng mở cửa đón các Phật tử tình nguyện đến nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân ung thư.

Ăn cơm nhà vác tù và... đi làm việc thiện

Hơn 7 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, sư thầy trụ trì chùa Linh Sơn - ngôi chùa nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) cùng các Phật tử đã nấu hàng vạn suất cơm, bát cháo tặng cho những bệnh nhân nghèo đang điều trị ung thư tại hai viện K1 (phố Quán Sứ) và K2 (Thanh Trì).

Đều đặn như nhịp quay của đồng hồ, khoảng 3 giờ 30 đến 4 giờ sáng, sư thầy Thích Nữ Như Hiền cùng một vài Phật tử đã có mặt tại chợ đầu mối Lĩnh Nam (Hoàng Mai) để mua được những mớ rau, những quả bí, cà chua… tươi ngon nhất cho bếp ăn từ thiện. Những thực phẩm khác, các hàng "mối" đã đặt trước sẽ giao tận nơi.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 1
Tờ mờ sáng, sau khi đi chợ về, sư thầy cùng các Phật tử sơ chế rau củ.

Hỏi vị nữ tu đã ngoài 60 sao mà vất vả đi xa thế, thầy cười hiền từ, nói khẽ: "Đi chợ đầu mối, chúng tôi sẽ mua được những món đồ tươi ngon nhất, giá cả cũng rẻ hơn rất nhiều. Làm việc gì, đặc biệt là việc thiện thì càng phải chi li mới có thể duy trì lâu dài được, cô ạ. Có những thời điểm Hà Nội bị ảnh hưởng mưa bão, người dân còn khó có rau ăn, nhưng không muốn các bệnh nhân vắng bữa cơm, bữa cháo của nhà chùa, chúng tôi đã phải mua dự trữ rất nhiều thực phẩm." Thầy cũng kể, một số tiểu thương ở chợ đầu mối Lĩnh Nam biết thầy đi mua thực phẩm để làm việc thiện đã sẵn lòng bán hàng với giá gốc như góp chút công đức.

Đều đặn 5 giờ sáng hằng ngày, bếp chùa Linh Sơn lại đỏ lửa. Để duy trì nhịp ấy, các Phật tử tham gia công việc tình nguyện thường rời nhà khi trời còn tối om. Có những người đã gắn bó với bếp từ thiện 5 – 6 năm, cũng có người vừa gia nhập ít lâu.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 2
5 giờ 30 sáng, cơm đã lên khói, chuẩn bị ra lò mẻ đầu tiên.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 3
Những miếng thịt được thái thật đều bằng bàn tay khéo léo.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 4
Những thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn được giao nhiệm vụ chế biến thức ăn.

Có khoảng hơn 50 người, chủ yếu là phụ nữ tham gia nấu cơm từ thiện. Điều lạ là hầu hết Phật tử làm công quả cho bếp từ thiện có gia cảnh trung bình, có người thậm chí còn là người nghèo, vất vả trăm bề với cuộc sống riêng, nhưng ngọn lửa của thiện tâm, của tình thương dành cho bệnh nhân nghèo luôn "cháy" đều đặn như bếp nhà chùa trong suốt 7 năm nay.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 5
Trong khi chờ đợi thức ăn chín, các Phật tử tranh thủ đơm cơm vào hộp.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 6
Mỗi người một tay sắp xếp thức ăn vào các hộp nhỏ.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 7
Chia thịt.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 8
7h45 sáng, canh đã nguội được đóng vào các túi nilon.

Có người như chị Xuân (quê Tiên Lữ, Hưng Yên), lên Hà Nội rửa bát thuê cho các quán ăn hoặc giúp việc vặt, ngắn hạn cho các gia đình đã hơn 4 năm nay. Chị thuê trọ ở gần chùa Linh Sơn, nghe một người bạn rủ lên chùa làm việc thiện, chị vui vẻ nhận lời ngay. Chị gắn bó với ngôi chùa cũng đã gần 4 năm. Do ở gần chùa nhất, chị "xí" việc nổi lửa nhóm bếp vào lúc 4h sáng.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 9
Chị Xuân đang lau dọn sàn nhà.

Vừa lau dọn sàn nhà và sân khu bếp từ thiện sau khi mọi người nấu nướng xong, chị vui vẻ bảo: "Tôi vụng nên chỉ nhận phần đầu và phần cuối thôi, còn phần giữa (nấu nướng) nhường người khác". Trầm tư một chút, chị tiếp lời: "Hồi xưa, mình nghĩ mình quá khổ, xoay xở đủ kiểu mà vẫn cứ nghèo, chỉ được cái khỏe mạnh. Giờ ngẫm ra mới thấy, so với những bệnh nhân ung thư, mình 'giàu' hơn họ chính ở cái sức khỏe ấy. Được cùng mọi người giúp đỡ họ, tôi thấy yêu đời hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn".

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 10
Có những bà cụ tuổi đã ngoài 70 vẫn nhiệt tình tham gia bếp chùa Linh Sơn.

Cũng có những người là công chức như vợ chồng anh Lưu hay chị Hà, nhà ở cách chùa 5 - 7km nhưng vẫn không bỏ được việc từ thiện. Hôm nào bận quá đành chịu, còn lịch trình mỗi sáng của họ là… nhờ người đưa con đi học, "đóng bộ" sẵn rồi vào chùa từ sớm, xắn tay phụ giúp mọi người, khi xong việc lại tất tả lên cơ quan.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 11
Anh Lưu giúp cánh phụ nữ việc xay bí.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 12
Chị Hà thường đến chùa rất sớm, tranh thủ phụ giúp việc nấu cơm rồi tất tả chạy lên cơ quan.

Rồi còn bà Phương, người gốc làng Thanh Nhàn, được chồng và các con tình nguyện hỗ trợ việc nhà để bà đi làm việc thiện, rồi còn bà Phúc, bà Mai, bà Nam, bà Liễu, cô Quý, cô Kim Anh… - rất nhiều người đã vài năm âm thầm trợ duyên cho nhà chùa.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 13
Bà Phương được chồng giúp việc nhà để chuyên tâm làm từ thiện.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 14
Những câu chuyện đùa vui bên lề khiến buổi nấu cơm thêm rôm rả.

Tờ mờ sáng, những tấm lòng thiện ấy gặp nhau và cùng nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương. Mỗi người một việc, tự phân công nhau để hoàn thành công việc "của mình", rồi lại tất tả trở về cuộc sống thường nhật.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 15
Niềm vui thiện nguyện.


Bền bỉ làm việc thiện

Mỗi buổi trưa, tại Bệnh viện K1 tiếp nhận 160 suất ăn miễn phí từ chùa Linh Sơn, còn khu điều trị K2 cũng được dành riêng 90 suất cơm. Khu điều trị K2 còn được nhà chùa ưu tiên tặng thêm 500 suất cháo mỗi sáng, phát tự do cho bệnh nhân và người nhà vào lúc 6h sáng. Khoảng 8h30 sáng, tất cả các suất cơm được xếp gọn gàng, chờ theo xe đưa đến hai cơ sở K1 và K2 để đến tay người bệnh.

10h30, khuôn viên Bệnh viện K1 đông nghịt bệnh nhân và người nhà. Tại khu vực phát cơm từ thiện, hàng dài bệnh nhân đang ngóng đến lượt mình nhận cơm từ thiện. Do số lượng cơm có hạn, nhà chùa đã kiến nghị với bệnh viện lên danh sách và phát phiếu cơm của chùa đến những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Những bệnh nhân này sẽ được ưu tiên. Đến khoảng 11h, những suất dôi ra sẽ được trao cho những trường hợp khác.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 16
Bệnh nhân đưa phiếu để nhận cơm.


Lý do ra đời bếp ăn từ thiện được thầy trụ trì chùa Linh Sơn giải thích rất đỗi giản dị: "Chúng tôi là con Phật, Phật dạy cứu độ chúng sinh. Với khả năng của mình và công đức của các Phật tử, mình cố làm được gì cho chúng sinh thì làm". Với tấm lòng ấy, từ năm 2006 đến nay, thầy và các Phật tử vẫn duy trì bếp từ thiện, không bỏ một ngày nào.

Thầy Hiền cho biết, để có 250 suất cơm và 500 suất cháo ở cả hai địa điểm của Bệnh viện K, mỗi ngày nhà chùa phải dùng hơn 50 kg gạo, 70 - 80kg rau và khoảng 15 kg thịt, trứng, đậu phụ... trị giá khoảng gần 5 triệu đồng. Rồi tiền củi, tiền than, gia vị, tiền nilon, hộp giấy… cộng lại, tính ra, mỗi tháng nhà chùa phải chi hết chừng 160 triệu cho bếp từ thiện. "Tất cả chi phí ấy, nếu không nhờ tấm lòng hảo tâm bền bỉ của Phật tử thập phương cũng như sự kiên trì của những người trợ duyên, chắc khó thực hiện được" – thầy chia sẻ.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 17
Những suất cơm từ thiện rất ý nghĩa với bệnh nhân nghèo.


Với những bệnh nhân nghèo, ở thời điểm giá cả leo thang, tiền chữa bệnh tốn kém, rất khó để chọn lựa một suất ăn hợp túi tiền và đủ chất. Món quà đặc biệt của lòng thiện tâm mà sư thầy và những Phật tử chùa Linh Sơn trao tặng - những suất ăn từ thiện đầy đặn, đủ cả ba món canh, mặn, xào - được những người mắc bệnh hiểm nghèo đón nhận với lòng trân trọng.

3.000 ngày đỏ lửa trên chiếc bếp từ thiện cho bệnh nhân ung thư 18
Nụ cười và những đôi mắt đầy biết ơn của bệnh nhân nghèo có lẽ là sự "đền đáp" duy nhất mà những người làm từ thiện được nhận.

Bát cơm, chén cháo từ thiện của nhà chùa còn như một liều thuốc tinh thần đến với người bệnh. Họ xin cơm nhà chùa vì cơm ngon và cũng vì hy vọng vào điềm lành mà nhà chùa mang lại.
Chia sẻ