3 tâm thế đi gặp bạn, chung 1 giác ngộ: Vòng tròn xã giao không quan trọng kích thước, thoải mái là được! Bạn bè phù du, bản thân nóng lạnh tự biết, mới là khá giả thật sự
Trên bàn tiệc, mọi người gọi nhau là 'anh em bạn dì'. Nhưng một khi rời khỏi bàn ăn, sự náo nhiệt sẽ biến mất, cái gọi là tình nghĩa cũng sẽ trở về với tĩnh lặng, chẳng ai là cái gì của ai.
Cứ mỗi dịp lễ lạt, ngày nghỉ kéo dài, nhóm Zalo ngủ đông của lớp lại hoạt động trở lại, và tất nhiên, một cuộc họp lớp đã được đưa vào chương trình nghị sự.
Chỉ trong vài phút, hàng trăm tin nhắn hiện lên, có người than thời gian trôi nhanh, có người mong ngày gặp lại, có người tâm sự tiếc nuối ngày xưa.
Có vẻ như những người bạn cùng lớp đã xa cách nhiều năm đều mơ ước được trở lại tuổi trẻ dưới tiếng gọi họp lớp, nhưng thực tế có phải như vậy không?
Không hẳn, sau một hồi vui vẻ trao đổi, nhóm trò chuyện lại chìm vào im lặng, thậm chí có người không nói một lời nào.
Ngẫm kỹ lại, bạn sẽ thấy rằng có những người trong chúng ta – những người bạn học năm xưa, sau nhiều năm bôn ba ngoài xã hội, đã không còn là những đứa trẻ háo hức với những buổi liên hoan như trước.
Trong số đó, có ba kiểu người hầu như gọi cái là có mặt, nhưng cũng có ba kiểu người dù thế nào cũng "rủ không nổi".
- III-
01
Thích sôi nổi và giao lưu
Trong một chương trình truyền hình thực tế về hùng biện của nước ngoài, có một chủ đề tranh luận thế này: "Sau khi tốt nghiệp, nếu cứ chỉ bình bình thôi thì có nên tham gia họp lớp không?"
Một thành viên thuộc bên bảo vệ quan điểm 'có nên đi' nói rằng: Nếu trong lớp của bạn có giám đốc khoa sản, hiệu trưởng trường tiểu học, hiệu trưởng trường cấp hai, bạn có phải bò cũng phải bò đến để mà họp lớp. Cuộc sống của bạn ra sao không quan trọng, nhưng bạn phải biết tạo dựng nền tảng cho con cái mình sau này.
Nghe có vẻ hợp lý, buổi họp lớp dường như là một cơ hội tốt để mở rộng mạng lưới xã hội.
Luôn có những người thích náo nhiệt, thích gọi cái là tới, nơi nào có đông người, nơi đó sẽ có họ.
Họ có thể trò chuyện với bất kỳ ai, biết tình hình hiện tại của người bạn này, quen thuộc với quá khứ của người bạn kia.
Họ thích giao lưu, nói chuyện không gì khác hơn là hy vọng tích lũy được một số mối quan hệ, để sau này nếu có gì cần giúp đỡ, bạn học có thể giúp một tay.
Nhưng hiện thực rất phũ phàng, trên bàn tiệc, mọi người gọi nhau là huynh đệ, tỷ muội.
Nhưng một khi rời khỏi bàn ăn, sự náo nhiệt sẽ biến mất, cái gọi là tình nghĩa cũng sẽ trở về với tĩnh lặng, chẳng ai là cái gì của ai.
Trong thế giới của người lớn, bạn có thể giúp đỡ người khác bao nhiêu, người khác sẽ trả lại cho bạn bấy nhiêu sự ấm áp, nếu không thì tất cả chỉ là ảo mộng.
02
Hoài niệm tình nghĩa cũ, không biết từ chối
Một số người coi buổi họp lớp là một địa điểm xã hội, trong khi những người khác coi buổi họp lớp như là một hộp ký ức.
Tình bạn học cũ là kỷ niệm đẹp nhất trong sâu thẳm tâm trí, chỉ cần bạn ngỏ lời mời, họ nhất định sẽ đến như đã hứa.
Vì lưu luyến tình bạn cũ nên không đành lòng từ chối.
Nhưng ai biết rằng khi gặp lại nhau, những người bạn năm nào đã không còn đơn thuần ngây ngô, mà trở nên từng trải và thực dụng hơn.
Giống như trong bộ phim truyền hình nước ngoài có tên "Mùa hè của Trương Quốc Vỹ", Trương Quốc Vỹ vui mừng ngâm nga một bài hát trên đường đi tham dự buổi họp lớp, nhưng các bạn cùng lớp phớt lờ anh và chỉ quan tâm đến việc làm hài lòng kẻ mạnh trong lòng họ.
Vì công việc bình thường của mình - công việc hậu cần trong đoàn kịch, Trương Quốc Vỹ bị coi như một trò đùa, liên tục bị chế giễu và coi thường.
Sau một buổi họp mặt, Trương Quốc Vỹ không những không tìm thấy hơi ấm giữa các bạn cùng lớp mà còn cảm nhận được sự lạnh lùng của thế giới.
Có một câu nói rất hay rằng:
"Kỷ niệm xưa như nhát dao giày vò kẻ nhớ nhung, ta vẫn tươi tươi cười như hoa dù mọi thứ chẳng còn nguyên vẹn".
Chúng ta thường coi những kỷ niệm đã qua là báu vật, nhưng trong trái tim của những người khác, những sự kiện trong quá khứ đó sớm đã bị thời gian cuốn trôi đến mức chẳng thể nhận ra.
Rất nhiều khi, những gì bạn nghĩ về "nhân tình thế sự", phần lớn đều là 'thế sự', 'nhân tình' lại ít tới đáng thương.
Không phải ai cũng đáng để bạn ngoảnh đầu lại, có người sinh ra chỉ là người qua đường, chẳng liên quan gì đến thanh xuân của chúng ta.
03
Sống sung túc, thích thể hiện
Không ít người ví những buổi họp lớp như những buổi khoe mẽ quy mô.
Không biết từ lúc nào, ý nghĩa của những buổi liên hoan đã thay đổi, bạn muốn nhắc lại chuyện xưa, nhưng người khác lại chỉ muốn khoe khoang sự giàu có của mình.
Tại các buổi họp lớp, những người có cuộc sống khá giả, sung túc thường là những người năng nổ và tích cực nhất.
Xét cho cùng, một bữa tiệc là thời điểm tuyệt vời để thể hiện bản thân.
Người có gia đình khoe sự ngọt ngào của hôn nhân, người có thành tích khoe thu nhập đáng kể của mình, có người dù nghèo nhưng vẫn sẽ nhân cơ hội khoe nhẫn, trang sức hay túi hàng hiệu.
Sự phù phiếm bay đầy trong không trung, như thể hạnh phúc ngắn ngủi và sự đánh giá cao của người khác mới khiến cuộc sống trở nên rực rỡ hơn.
Nhưng sau những huyên náo, ồn ào, tất cả chúng ta sẽ lại quay trở lại với biển sâu của thực tại, bôn ba với những áp lực của riêng mình.
Shakespeare đã từng nói:
"Phù hoa là thứ lừa dối người khác, người có được nó chưa chắc đã có thành tựu, kẻ mất đi chưa chắc đã là tiếc nuối."
Hư vinh là thứ vô dụng nhất, không phải là niềm an ủi cũng chẳng phải là sự bù đắp.
Con người ấy mà! Sống trong thế giới của chính mình, sống một cuộc sống bình thường, nóng lạnh tự mình biết, vui buồn tự mình vượt qua, đó là sự khá giả thực sự.
- II -
Có người đặt một câu hỏi như này: "Tại sao những buổi họp lớp càng ngày càng trở nên gượng gạo?"
Một blogger đã trả lời như này:
"Cậu bạn này trước đây từng đánh bạn, nhưng bây giờ lại bất ngờ cười cười nói nói, ra vẻ thân thiết.
Cậu bạn kia từng là người bạn chí cốt, nhưng cả bữa cơm chẳng nhìn bạn lấy một lần, ngược lại, đi tiếp chuyện người cách cậu ta cả dãy ghế vì nghe nói cậu ta vừa thành lập một công ty với lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hoa khôi lớp trước đây không bao giờ để ý đến bạn, nhưng hôm nay lại rất nhiệt tình với bạn, bạn tưởng cô ấy nhớ kỉ niệm xưa, ai ngờ lại là nhờ bạn giúp đăng ký học cho con."
Bạn có thấy nó rất mỉa mai không?
Trong những buổi họp lớp thực tế, bạn bè cũ ngoài mặt tươi cười chào hỏi, nhưng trong lòng lại hờ hững, chỉ giữ lại phép lịch sự chiếu lệ.
Nhiều người không muốn tham dự đơn giản chỉ vì họ không thích những cảnh chào nhau bằng bộ mặt giả tạo, họ không muốn gượng ép, tâng bốc nhau.
Đối với những người chân thành, nếu một bữa tiệc không làm cho chúng ta cảm thấy thực sự và thoải mái, vậy thì không đến cũng không cần áy náy.
Cũng có những người có một sự nghiệp thành công, không muốn lãng phí thời gian cho những nơi vô bổ.
Đạo diễn có tiếng của Trung Quốc, Vu Chính từng nói trong một chương trình rằng anh không mấy khi tham dự họp lớp, có ba lần được mọi người rủ nhưng anh đều không đi.
Khi được hỏi tại sao, Vu Chính nghiêm túc nói: "Bởi vì không có tiếng nói chung."
Đúng vậy, sau bao năm ra trường, mỗi người đều đi theo những con đường khác nhau, chinh chiến trong giới kinh doanh, chật vật nơi công sở, ở nhà chăm con… đủ mọi nẻo đường
Từng học và lớn lên trong cùng một lớp, vui buồn là giống nhau, nhưng giờ đây, sống ở những tầng lớp khác nhau, mấy ai thấu được nỗi khổ của nhau.
Vì không có gì để nói, nên chúng ta chỉ đơn giản là ngừng gặp nhau.
Những người có thành tựu đều biết chính xác những gì họ muốn và không muốn lãng phí thời gian vào những bữa tiệc ồn ào.
Steve Jobs cũng từng nói: "Thời gian của bạn là có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống trong cuộc đời của người khác".
Mọi người phải học cách ưu tiên, làm việc, học tập và nghỉ ngơi, cái nào cũng quan trọng hơn việc ép mình vào một nhóm nào đó.
Vận mệnh là một vòng tuần hoàn, làm những việc quan trọng với năng lượng có hạn, cuộc đời và sự nghiệp mới nở ra những bông hoa rực rỡ.
***
Rốt cuộc, tập trung vào cuộc sống và có một vòng tròn giao lưu nhỏ nhưng thoải mái chính là ưu tiên của người trưởng thành.
Tôi vô tình đọc được một câu nói và rất thích nó:
"Tôi không thể khiến cả lớp thích mình, nhưng tôi có thể trò chuyện với một vài người bạn mà không ngại ngùng hay xấu hổ".
Khi còn đi học, chúng ta luôn mong muốn được cả lớp yêu mến, nghĩ rằng sự náo nhiệt chính là tình bạn.
Bước vào tuổi trung niên, khi đã trải quá nhiều nhân tình thế thái, chúng ta mới nhận ra rằng, bạn bè, nằm ở chất lượng chứ không phải số lượng.
Tôi từng xem qua một cuộc phỏng vấn, phóng viên hỏi một người đàn ông: "Anh có muốn đi họp lớp không?"
Người đàn ông nói: "Không, tôi sẽ chọn những người quan trọng hơn để nói chuyện, chẳng hạn như bạn bè hoặc anh em thân thiết".
Về vấn đề này, tôi vô cùng đồng cảm.
Mười mấy năm đèn sách, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người, nhưng bạn bè thực sự lại rất ít.
Cuộc sống không cần quá náo nhiệt, ấm áp là đủ; vòng tròn xã giao không cần quá quan trọng kích thước, thoải mái là ok.
Ba năm người bạn uống trà quanh bếp lửa, trò chuyện về cuộc sống, đó là liều thuốc chữa lành tốt nhất giữa cuộc sống xô bồ này.
Pablo Neruda, nhà thơ Chile đoạt giải Nobel Văn học từng nói: "Khi những chiếc lá tuyệt đẹp rơi xuống, người ta mới có thể nhìn thấy rõ những đường gân của sự sống".
Có những cuộc hội ngộ tuy đẹp đẽ, nhưng chúng ta cuối cùng cũng vẫn sẽ phải trở lại với cuộc sống bình thường và tiếp tục với những thăng trầm trong cuộc sống.
Thay vì tự mài mòn mình trong đám đông, hãy tránh xa sự xô bồ và tìm kiếm sự bình yên trong nội tâm.
Đường của mình cần tự mình bước đi, cuộc sống của mình phải tự mình sống, chỉ cần nhiệt huyết trong lòng không thay đổi, quãng đời còn lại nhất định sẽ nở hoa.
Chúc bạn vượt qua thăng trầm của cuộc đời, tự tin hơn và sống theo cách mà bạn muốn.
Không bị thế gian ràng buộc, không bị các mối quan hệ tác động, không bị người khác trói buộc.
Giống như một ngôi sao sáng, tự xoay quanh chính nó, thu hút những gì nó có thể và tránh xa những gì nên tránh.