3 lưu ý bao sái bàn thờ đúng cách để cả năm may mắn, bốn mùa bình an
Bàn thờ là nơi linh thiêng, tụ lộc của mọi nhà, bởi vậy vào cuối năm, gia đình nào cũng hối hả chuẩn bị bao sái bàn thờ gọn gàng, ấm cúng.
Bao sái bàn thờ thực chất là việc làm sạch bát hương, các vật phẩm trên bàn thờ và dọn dẹp không gian thờ cúng sao cho thanh tịnh, ấm áp. Việc bao sái bàn thờ có thể thực hiện quanh năm nhưng dịp Tết đến xuân về mang ý nghĩa quan trọng hơn cả. Điều này không chỉ tỏ lòng thành kính của con cháu mà còn giúp bàn thờ tụ lộc, đón năm mới khang an, may mắn.
Trong khi bao sái bàn thờ, có nhiều điều cần lưu ý, trong đó có 3 điều này cần thực hiện đúng để bàn thờ được bao sái khang trang, tố hảo. Bởi nhiều người không biết những kiêng kỵ mà vô tình làm xáo trộn linh khí trên bàn thờ đồng thời cũng không giúp bàn thờ sạch sẽ, ấm cúng và khang ninh hơn.
1. Thời điểm bao sái bàn thờ
Mặc dù vào 28, 29 tháng Chạp mới là thời điểm công nhân viên chức nghỉ Tết nhưng việc bao sái bàn thờ nên chuẩn bị từ trước đó. Vào những dịp lễ lớn trong năm, bàn thờ luôn được dọn dẹp hoặc bao sái nhưng vào dịp cuối năm mang ý nghĩa trang trọng hơn cả, vì điều này còn tượng trưng cho việc sửa soạn tươm tất để đón năm mới. Bên cạnh đó, việc bao sái bàn thờ cuối năm chu đáo còn thể hiện lòng thành kính với thần linh và gia tiên.
2. Di chuyển vị trí đồ thờ tùy tiện
Trong quá trình bao sái, dọn dẹp bàn thờ, nhiều người cho rằng di chuyển các đồ thờ sang bên cạnh để việc dọn dẹp được diễn ra dễ dàng hơn. Đặc biệt nhiều người còn di chuyển bát hương, khiến bát hương bị xô lệch.
Hành động này là kiêng kỵ, bởi trong quá trình bao sái không được tự ý di chuyển các vật phẩm trên bàn thờ, đặc biệt là bát hương. Bởi vì bát hương đã được an vị đúng vị trí phong thủy, việc di chuyển tùy tiện này có thể mang lại xui xẻo cho gia chủ, thậm chí làm rối loạn trật tự của bàn thờ.
Cho nên, người thực hiện bao sái bàn thờ nên là người thường xuyên chăm lo không gian thờ cúng, có kinh nghiệm dọn dẹp. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, trước khi tiến hành bao sái, dọn dẹp bàn thờ cần nhớ kỹ sơ đồ vị trí các vật phẩm. Ngoài bát hương và bài vị, những đồ thờ cúng khác có thể nhẹ nhàng di chuyển để việc dọn dẹp thực hiện dễ dàng hơn.
3. Cần hiểu đúng trình tự bao sái bàn thờ
Để bàn thờ được ấm cúng, tố hảo, việc bao sái bàn thờ cũng cần được diễn ra theo đúng trình tự. Nếu gia đình có thờ Phật thì cần lưu ý bao sái ban thờ Phật trước, sau đó đến ban Thần linh và Gia tiên. Làm sạch lần lượt từ bài vị đến bát hương rồi đến các vật phẩm thờ cúng khác.
Trước khi thực hiện bao sái bàn thờ cần thắp hương để xin phép chư vị Thần linh và Gia tiên lau dọn án thờ tiếp đó mới thực hiện. Khi thực hiện bao sái, phải dùng khăn sạch, mềm, tránh dùng loại có đính vật nhọn lau dọn tượng, bát hương và các vật phẩm thờ cúng sẽ bị xước.
Sử dụng nước ấm, nước rượu gừng loãng hoặc nước thảo mộc chuyên tẩy uế để pha thấm khăn mềm. Khăn vắt khô rồi dùng một tay giữ nhẹ bài vị/bát hương, tay còn lại lau xung quanh.
Với đồ thờ bằng gỗ tránh dùng nước rượu gừng đặc, cồn hay rượu nồng độ cao để lau dọn sẽ làm hỏng lớp véc ni được phủ bên ngoài. Với vật phẩm thờ cúng bằng đồng không dùng chất tẩy rửa mạnh hoặc cồn để lau kẻo chúng sẽ nhanh chóng bị oxy hóa, dẫn tới han gỉ hoặc nhanh xỉn màu gây mất thẩm mỹ.
Một vài lưu ý khi bao sái bàn thờ
- Người nào bao sái, dọn dẹp bàn thờ không nên ăn các đồ ăn nặng mùi như hành tỏi, thịt chó mèo, ba ba, rùa, rắn, trâu, khỉ, uống rượu ngâm động vật; kiêng người đến kỳ kinh nguyệt bao sái bàn thờ.
- Nên ăn mặc kín đáo, gọn gàng khi bao sái bàn thờ. Không mặc rườm rà, lôi thôi khiến quần áo va vào đồ thờ làm rơi vỡ, hỏng.
- Khi dọn dẹp bàn thờ tránh mở cửa khiến gió thốc thẳng vào bàn thờ hoặc ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào bàn thờ.
(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)