5 lưu ý nhất định phải nhớ khi cúng Giao thừa Giáp Thìn 2024 để cả năm thịnh vượng, sung túc
Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng tiễn biệt năm cũ và đón chào những may mắn của năm mới. Vậy có những điều gì cần kiêng kỵ khi cúng Giao thừa để cả năm sung túc, bình an?
Lễ Giao thừa (Lễ Trừ tịch) được thực hiện vào giờ Tý - giờ khắc tinh hoa đất trời hội tụ, vạn vật chuyển mình đón nhận nguồn sinh khí của năm mới.
Khi thực hiện cúng Giao thừa năm Giáp Thìn, gia chủ cần lưu ý điều gì để không phạm lễ nghi, hợp phong thuỷ, đồng thời mang lại may mắn, cát lành cho gia chủ?
Lưu ý khi cúng Giao thừa Giáp Thìn 2024
Thời gian thực hiện lễ cúng Giao thừa
Lễ cúng Giao thừa ngoài trời được thực hiện vào giờ Tý, nhiều nơi tùy theo tục lệ sẽ cúng vào đầu giờ Tý (23h), cũng có nơi cúng vào chính Tý (0h). Cúng Giao thừa ngoài trời xong, gia chủ tiến hành cúng Giao thừa trong nhà. Cúng Giao thừa ngoài trời không nên cúng sau 0h. Chính vì thế, mâm cúng, vật phẩm dâng lễ cần bày biện tươm tất trước giờ Tý, đợi đến giờ đẹp là có thể bắt đầu.
Người thực hiện lễ cúng Giao thừa
Gia chủ khi thực hiện lễ cúng Giao thừa dù trong hay ngoài nhà cũng cần tắm gội sạch sẽ, ăn vận lịch sự, kín đáo, trang trọng. Người cúng Giao thừa thường là chủ gia đình, ông hoặc bố/chồng. Các trường hợp khác chẳng hạn như người thường xuyên lo chuyện hương hỏa trong nhà.
Trong quá trình cúng Giao thừa, các thành viên trong gia đình cần nghiêm cẩn, hướng vọng về bàn thờ tổ tiên. Không cười đùa, cợt nhả hay trách mắng nhau trong quá trình thực hiện lễ cúng.
Cúng Giao thừa ngoài trời quay hướng nào để cả năm may mắn?
Theo quan niệm dân gian, khi cúng Giao thừa ngoài trời, gia chủ nên quay mặt về hướng Tây Bắc hoặc Đông Nam. Hướng Tây Bắc tượng trưng cho quý nhân, may mắn, còn hướng Đông Nam nắm giữ của cải, vật chất, tiền tài.
Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều hộ gia đình ở chung cư dẫn đến khó khăn trong việc chọn hướng như ý nên gia chủ có thể chọn bất kỳ vị trí nào thích hợp miễn sao đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ, trang nghiêm.
Cúng Giao thừa xong có hoá vàng không?
Mỗi vùng miền có những tục lệ riêng về việc hoá vàng sau Giao thừa. Nhiều nơi sẽ không hoá vàng sau khi cúng Giao thừa, chỉ khấn xong và để tiền vàng hoá vào ngày đưa chân ông bà ông vải vào khoảng từ mùng 3 đến mùng 10 tháng Giêng.
Cũng có nơi, khi cúng Giao thừa ngoài trời để trừ tịch, nhiều gia đình hóa vàng luôn tại chỗ cúng nhằm để xua đuổi điều xui rủi, thu hút những điều lành. Cho nên, gia chủ có thể chọn ngày đẹp hoặc hợp bản mệnh để hoá vàng cho mọi việc được thuận lợi, may mắn.
Sau khi cúng Giao thừa, nên làm gì?
Văn hoá phương Đông cho rằng, sau Giao thừa, nếu gia chủ chọn được hướng xuất hành hợp với bản mệnh, sẽ giúp cho bản thân gặp nhiều thuận lợi, may mắn hơn trong cuộc sống và công việc. Bởi vậy, sau lễ cúng Giao thừa, nhiều gia đình chọn xuất hành ra khỏi nhà theo hướng và thời gian đã chọn để cầu phúc, cầu tài.
Trong quá trình xuất hành cầu phúc, cầu tài, gia chủ có thể mua muối đầu năm để kích hoạt may mắn, xua đuổi sát khí. Nhiều người trong đêm Giao thừa đi xem pháo hoa, cho nên khi trở về nhà trở thành người đầu tiên xông nhà. Có người hái lộc ở chùa, có người mua mía và cũng có người mua muối để cầu một năm may mắn.
Xông đất đêm Giao thừa cũng là tục lệ được nhiều gia đình thực hiện. Hành động này mang ý nghĩa "mượn vía" những người khoẻ mạnh, tốt tính, làm ăn thuận lợi đến chúc Tết và mang nhân khí đến với gia đình.
(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)