3 kiểu gia đình không nên cố cho con học trường quốc tế
Việc cha mẹ chọn cho con học trường học nào cũng quyết định lớn tới tương lai, có thể thay đổi cả cuộc đời con.
Những năm gần đây, các trường tư thục, trường quốc tế trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Các gia đình khá giả có xu hướng cho con học môi trường này để con được tiếp cận với chương trình học chuẩn quốc tế, nâng cao trình độ tiếng Anh, tham gia nhiều hoạt động học tập phong phú, mới mẻ và hưởng thụ cơ sở vật chất hiện đại, xịn sò.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng phù hợp cho con học ở trường quốc tế. Theo các chuyên gia giáo dục, nếu thuộc 1 trong 3 kiểu gia đình sau đây thì không nên chút nào.
1. Gia đình có điều kiện kinh tế trung bình
Đây là lời khuyên chân thành, không phải là đánh giá thấp hay coi thường. Nếu cho con học trường quốc tế, cha mẹ cần xác định đó là một hành trình dài và tốn kém. Cha mẹ không chỉ chi trả 1 năm mà là suốt 12 năm học. Con có thể chuyển từ ngôi trường quốc tế này sang ngôi trường quốc tế khác, nhưng nếu chuyển từ trường quốc tế sang trường công thì có thể gặp phải nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường học công lập.
Bởi ở trường quốc tế, học sinh được đề cao sự tự do, sáng tạo hơn, được thoải mái hơn. Sĩ số mỗi lớp ít hơn trường công nên các em sẽ được giáo viên quan tâm kỹ lưỡng. Nếu chuyển sang trường công, thay đổi mọi thứ, học sinh dễ cảm thấy hụt hẫng và chán nản việc học.
Vậy nên nếu điều kiện kinh tế gia đình không thể đáp ứng việc theo học trường quốc tế dài hạn thì cha mẹ không nên cố quá. Nên nhớ, ngôi trường tốt nhất là ngôi trường phù hợp nhất với con, không phải đắt nhất.
2. Gia đình có con học lực trung bình
Trong kỳ thi vào cấp 3, nhiều gia đình có con thi không đỗ vào lớp 10 nên quyết định cho con vào trường quốc tế vì thấy nộp hồ sơ đơn giản hơn. Suy nghĩ này mấy năm trước có thể đúng nhưng bây giờ thì không.
Trường quốc tế sẽ dạy học sinh bằng tiếng Anh. Trong khi nhiều học sinh khác học trường quốc tế từ sớm, vốn đã được rèn luyện tiếng Anh và có khả năng nghe nói đọc viết tốt thì con bạn giờ mới nhập cuộc. Vốn có học lực trung bình, vậy thì làm sao con có thể nghe hiểu và đuổi kịp việc học trên lớp?
3. Gia đình không có quan điểm giáo dục
Quan điểm giáo dục của cha mẹ đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục và dạy dỗ con cái. Đối với những đứa trẻ không có sự quyết đoán, cách nhìn và quyết định của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lớn tới thế giới của con. Việc cha mẹ chọn cho con học trường học nào cũng quyết định lớn tới tương lai, có thể thay đổi cả cuộc đời con.
Thành thật mà nói, rất nhiều cha mẹ khi chọn trường cho con không hề cân nhắc, đánh giá đến các yếu tố liên quan. Họ chỉ cần tìm nơi để gửi con đi học là được và hàng tháng chất vấn về điểm số của con.
Với môi trường quốc tế, nếu phụ huynh đăng ký cho con học chỉ vì danh tiếng của trường mà bản thân không hề có quan điểm giáo dục và cũng không quan tâm đến triết lý giáo dục của nhà trường thì việc học của con khó mà hiệu quả.
Quan điểm giáo dục không đủ tiên tiến, luôn đánh giá con bằng điểm số của cha mẹ sẽ khiến con không thể hấp thụ được sự hấp dẫn, phóng khoáng, ưu tiên sáng tạo của chương trình giáo dục quốc tế.