3 khủng hoảng môi trường đe dọa sự sống của con người

QUỲNH CHI,
Chia sẻ

Theo Liên Hợp Quốc, 3 khủng hoảng môi trường liên quan với nhau gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và các khủng hoảng này phải được giải quyết đồng thời.

Báo cáo mang tên Kiến tạo hòa bình với thiên nhiên của Liên Hợp Quốc cho biết, hành tinh bị tàn phá "thông qua biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm".

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi đó là "ba cuộc khủng hoảng môi trường có mối liên hệ với nhau", đồng thời nói thêm rằng: "Từ lâu nay, chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến vô nghĩa mang tính tự sát đối với thiên nhiên. Nếu không có sự giúp đỡ của thiên nhiên, chúng ta sẽ không thể phát triển hoặc thậm chí tồn tại".

Ông Robert Watson, tác giả chính của báo cáo Kiến tạo hòa bình với thiên nhiên, cho biết: "Con cái của chúng ta và con của chúng sẽ phải sống trong một thế giới với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, mực nước biển dâng, đa dạng thực vật và động vật bị mất mát nghiêm trọng, thực phẩm và nước uống không đảm bảo và nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai ngày càng tăng. Tình trạng khẩn cấp trên thực tế sâu sắc hơn chúng ta nghĩ trong chỉ vài năm trước".

Ông Guterres nói: "Câu trả lời duy nhất cho tình trạng này là phát triển bền vững để nâng cao hạnh phúc của con người và bảo vệ hành tinh".

 - Ảnh 1.

Theo Liên Hợp Quốc, việc hỗ trợ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các giải pháp thân thiện với môi trường là rất hữu ích. (Ảnh: Sky News)

Theo Tổng Thư ký Guterres, các Chính phủ cần áp giá lên những hoạt động gây phát thải khí carbon, chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các giải pháp thân thiện với môi trường và "không hỗ trợ loại hình nông nghiệp hủy hoại hoặc gây ô nhiễm cho thiên nhiên".

Theo thống kê, Trái đất đang trong quá trình nóng lên thêm 1,9°C, cao hơn nhiều so với các mục tiêu quốc tế đã được thống nhất trong Thỏa thuận chung Paris. Mỗi năm, khoảng 9 triệu người trên thế giới đã chết vì ô nhiễm, trong khi khoảng 1 triệu trong số 8 triệu loài động, thực vật trên Trái đất đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Có tới 400 triệu tấn kim loại nặng, bùn độc hại và các chất thải công nghiệp được thải ra những vùng biển trên thế giới mỗi năm. Hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng bởi tình trạng đất suy thoái và chỉ có 15% diện tích đất ngập nước trên Trái đất còn nguyên vẹn. Khoảng 60% trữ lượng cá bị đánh bắt ở mức tối đa. Có hơn 400 "vùng đất chết" do bị cạn kiệt oxy và ô nhiễm chất thải nhựa trên biển, đại dương đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1980.

Bà Rachel Warren từ Đại học East Anglia, đồng tác giả của báo cáo Kiến tạo hòa bình với thiên nhiên, cảnh báo, các khủng hoảng môi trường trên hành tinh của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và cần phải được giải quyết đồng thời. Và nhiều giải pháp như loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Chia sẻ