3 dấu hiệu cho thấy trẻ được nuôi dưỡng tốt nhất
Nhà phải là bến đỗ ấm áp nhất của đời người, nó như một pháo đài kiên cố, bảo vệ thân tâm ta.
Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc để từ đó, chúng ta có thể trưởng thành, tự tin đối mặt với những thách thức của thế giới và mạnh mẽ trên hành trình theo đuổi ước mơ của mình.
Không khí của một gia đình quyết định vận may của một đời người, đồng thời cũng ẩn chứa họa phúc. Sự nuôi dưỡng tốt nhất của một gia đình bao gồm các yếu tố:
- Ngửi thấy mùi thơm của sách,
- Bầu không khí yên tĩnh,
- Cha mẹ giữ được sự bình tĩnh.
01. Mùi của sách
Các chuyên gia khoa học não bộ đều khuyên các bậc cha mẹ hướng dẫn con cái đọc nhiều hơn và tránh xa các sản phẩm điện tử. Đọc sách là một việc ít tốn kém nhưng đáng giá nhất để cha mẹ và con cái cùng làm.
Cho trẻ đọc nhiều sách là cách hiệu quả nhất để nâng cao kiến thức, đồng thời cũng là con đường tắt tốt nhất để nhìn ra thế giới. Sự phát triển trí tuệ của học sinh phụ thuộc vào khả năng đọc tốt. Một đứa trẻ đọc nhiều, mỗi khi gặp vấn đề, vốn ngôn ngữ phong phú thường được tích trữ sẽ giúp trẻ bình tĩnh hiểu vấn đề sâu sắc hơn và nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết.
Hương thơm của sách là nguồn trí tuệ của gia đình và là dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn. Bất kể đi đâu trong tương lai, những cuốn sách đã đọc đều có thể trở thành kim chỉ nam để cho con tìm ra phương hướng tốt nhất.
02. Sự yên tĩnh
Bầu không khí yên tĩnh tạo cơ hội cho mỗi thành viên trong gia đình có được sự ấm áp và chiêm nghiệm sâu sắc. Trong bầu không khí đó, bạn có thể tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của thế giới bên ngoài, gột rửa tâm trạng tiêu cực, xoa dịu sự mệt mỏi và đạt được sự bình yên trong nội tâm.
Thời gian tĩnh lặng không có nghĩa là mỗi người chôn chặt mình trong phòng, ai làm việc nấy mà hãy chia sẻ những giây phút quý giá đó với nhau, bên nhau cùng thư giãn. Không gian, thời gian yên lặng đó vừa giải tỏa được stress, vừa "nêm" thêm tình cảm gia đình cho đậm đà.
Một số nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng khi dạy trẻ, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu nói với giọng trầm. Khi giáo dục con cái, càng lớn tiếng thì khoảng cách với nhau càng lớn, trái tim của trẻ càng bị đẩy ra xa.
Những lời khiển trách có âm lượng cao không thể đi vào trái tim của đứa trẻ và không thể giải quyết vấn đề. Thay vào đó, hãy hạ thấp giọng, giữ im lặng và cho con tìm sự yên bình để đánh thức sức mạnh thực sự của giáo dục.
Một đứa trẻ được cha mẹ yêu thương từ nhỏ trong lòng tràn đầy tự tin và sức mạnh vô song, như khoác lên mình "áo giáp", không sợ gió mưa. Đứa trẻ được đối xử dịu dàng, tấm lòng sẽ càng phong phú, đường đời tương lai sẽ đi càng xa và vững vàng.
03. Cha mẹ bình tĩnh
Có một gia đình trên đường đi chơi gặp tai nạn ô tô, xe nát bét, may mắn là mọi người không sao. Sau khi an ủi con, cả gia đình ba người đã chụp ảnh trước đầu ô tô. Rồi người mẹ nói: "Chuyện đã xảy ra rồi, không thể thay đổi được, may mắn là cả ba chúng ta đều không sao, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Xe thì có thể mua lại, phàn nàn là việc vô ích nhất, chỉ phá hoại hòa khí trong gia đình".
Có một khái niệm trong tâm lý học: Tính đảo ngược của sự lan truyền lo lắng. Ở mối quan hệ cha mẹ và con cái, thông thường con đường lây lan của sự lo lắng như sau: Trong quá trình trưởng thành, trẻ có nhiều điều chưa biết nên sẽ nảy sinh nhiều lo lắng khác nhau, nỗi lo lắng này sẽ truyền sang cha mẹ. Cha mẹ sẽ đóng vai trò là người tiếp quản nỗi lo lắng và giải quyết bằng cách thấu hiểu và khoan dung.
Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại. Các bậc cha mẹ tạo ra đủ loại áp lực, đăng ký cho con cái họ tham gia các lớp học phụ đạo và làm đủ các bài tập khác nhau, lo lắng cho thành tích của con và lan truyền sang cho con cái. Trong trường hợp này, con cái lại trở thành "người chứa lo lắng" của cha mẹ.
Một nhà tâm lý nói: "Chỉ khi cha mẹ có tâm hồn tĩnh lặng, họ mới có thể mang đến cho con cái một tuổi thơ hạnh phúc". Và một tuổi thơ hạnh phúc có thể mang lại cho trẻ sự chữa lành tốt nhất mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Cha mẹ bình tĩnh hơn, con cái sẽ tự tin hơn. Hãy truyền cho trẻ sự bình tĩnh và điềm tĩnh, trẻ sẽ dần dần đi theo nhịp điệu của chính mình và đi đúng hướng.
Một báo cáo nổi tiếng của Anh đã chỉ ra: Yếu tố chính cho sự thành công trong giáo dục nằm ở môi trường gia đình, môi trường này quan trọng gần gấp đôi so với tổng thể của giáo dục xã hội và nhà trường.
Gia đình là môi trường đầu tiên mà đứa trẻ lớn lên. Đứa trẻ giống như hạt giống, gia đình là đất, không khí gia đình là nước. Không khí gia đình có vai trò hết sức quan trọng đối với sự trưởng thành của đứa trẻ. Mỗi chi tiết của môi trường và bầu không khí do cha mẹ tạo ra sẽ dẫn dắt con trẻ đến một tương lai khác nhau.