27 tuổi đã suy thận giai đoạn cuối, chàng trai ân hận vì mắc 1 sai lầm thường gặp ở người trẻ
Khi mới 27 tuổi, Hải (*) nhận tin mình bị suy thận giai đoạn cuối và sẽ phải gắn bó với máy chạy thận cả đời.
Sau khi tốt nghiệp đại học, do không tìm được công việc ưng ý, Hải đã đi làm trái nghề để phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Anh làm xăm, một công việc đang khá thịnh hành, có thu nhập tốt vào thời điểm đó. Khi làm công việc này, Hải thường xuyên ăn uống hàng quán, không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, vì kiếm được tiền nên Hải cũng ham, không quan tâm chăm lo sức khỏe. Có những lần mệt, Hải chỉ uống vài viên C sủi rồi lại lao vào đi làm.
Khi dịch Covid-19 ập đến, công việc bị ảnh hưởng, không có khách, Hải bèn chuyển sang làm nhân viên giao hàng, đồ ăn. Hải khoe: “Công việc của tôi ổn, có nhiều khách quen. Kiếm được tiền, tôi càng nhận thêm nhiều đơn”.
Nhưng đó cũng là lúc Hải bắt đầu cảm thấy mệt nhiều, cơ thể hơi phù. Tuy nhiên, Hải chủ quan không đi khám. “Đang khỏe mạnh, vẫn đi làm ầm ầm, ăn uống được tự nhiên lại đi khám, có bệnh thêm lo”, Hải giải thích lý do không đi khám bệnh sớm. Đây là điều Hải luôn ân hận và cũng là sai lầm gặp ở nhiều bạn trẻ hiện nay.
Cho tới khi mệt nhiều, gửi thấy mùi thức ăn là nôn, Hải mới nhờ bạn đưa đi khám. Khi nghe bác sĩ thông báo Hải bị suy thận giai đoạn cuối và cần thu xếp nhập viện ngay để cấp cứu, tai Hải như ù đi. Chàng trai khi ấy mới 27 tuổi không thể tin vào sự thật đó.
Giờ đây, ngồi chia sẻ lại câu chuyện của mình, Hải ân hận nói: “Giá như 3-4 năm trước, tôi sống chậm lại một nhịp, lắng nghe cơ thể và đi khám thì chắc đã không phải ôm máy chạy thận suốt đời”.
Theo Hải, lúc đầu phải chạy thận tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, anh rất bi quan. Sau đó, được sự quan tâm của các y bác sĩ, người đồng bệnh, anh đã chấp nhận bệnh tật.
Anh Hải cho biết: “Giờ tôi chạy thận đều nên vẫn còn sức làm công việc hiện tại là giao hàng. Ngày nào mệt thì tôi sẽ nghỉ ngơi chứ không cố làm như trước nữa”.
Nói thêm về nguyên nhân suy thận khi còn quá trẻ, Hải cho rằng có liên quan tới lối sống của anh. Trong ăn uống Hải thường sử dụng đồ ăn nhanh, uống trà sữa. Cộng thêm công việc không có ngày nghỉ nên Hải không hề quan tâm tới việc luyện tập thể dục thể thao. "Tôi thức khuya dậy sớm khiến cho cơ thể suy mòn, thận mỗi ngày một suy mà không hay biết", Hải cho hay.
Qua câu chuyện của mình, Hải cũng muốn nhắn nhủ các bạn trẻ cần quan tâm tới sức khỏe hơn. Khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám, trong ăn uống thì hạn chế đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn. Ngoài ra, cần dành thời gian để tăng cường vận động thể thao, nghỉ ngơi để cơ thể lấy lại sức.
Dấu hiệu suy thận sớm
ThS.BSCKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện do triệu chứng kín đáo, không rõ ràng. Có những bệnh nhân chỉ thấy hơi mệt, da xanh, phù nhẹ… Các triệu chứng đó rất mơ hồ nên bệnh nhân thường bỏ qua không đi khám.
Đặc biệt ở người trẻ, khi mắc bệnh thận vẫn có thể lao động bình thường nên càng ít để ý tới triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân trẻ suy thận thường tình cờ phát hiện ra bệnh khi đi khám các bệnh lý khác.
Một số bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, đi khám do nghi ngờ thiếu máu thì phát hiện ra suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Hay như bệnh nhân bị đau đầu, buồn nôn, đi khám thì phát hiện mắc bệnh thận.
Bác sĩ Quốc cho biết suy thận ở người trẻ hiện nay chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ dẫn tới suy thận sớm đó là lối sống ăn uống kém lành mạnh dẫn tới rối loạn chuyển hóa gây tổn thương thận, thừa cân béo phì,...
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.