23 tháng Chạp của bà mẹ đơn thân Hà Nội cùng cậu con bày biện mâm cơm truyền thống đưa ông Táo về trời, bồi hồi nhớ về 3 cái Tết xa cách với người chồng quá cố
Dương chưa từng đón một cái Tết nào chính thức có chồng bên cạnh, tuy cô không nói ra nhưng ai cũng hiểu tâm tư chạnh lòng của bà mẹ đơn thân. Có sao đâu, bởi Dương vẫn còn nhóc Vừng, còn ông bà nội ngoại 2 bên, và ngày 23 tháng Chạp với mẹ con cô vẫn đầm ấm hạnh phúc.
Hôm nay đã là 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên chầu trời. Có lẽ chẳng cần phải nói nhiều về ngày này, bởi nguồn gốc cũng như các phong tục cúng lễ đối với người Việt Nam thì ai cũng biết. Từ trẻ em đến cụ già đều có thể kể lại vài điều thú vị bởi nét văn hóa truyền thống ngày ông Công ông Táo đã lưu truyền qua các thế hệ từ lâu lắm rồi.
Vài hôm trước, khi đang bận bù đầu với mớ việc cuối năm, tôi bỗng nhận được một cuộc điện thoại. Nhìn cái tên hiện lên màn hình, một nụ cười khẽ thoáng qua, bởi tôi biết người gọi ấy chỉ toàn mang đến niềm vui. Và đúng là như vậy, tôi nhận được lời mời đến dự bữa cơm cúng ông Táo cùng một gia đình dễ thương bậc nhất Hà Nội – "nhà của Vừng".
Mẹ của Vừng là Thùy Dương – một cô nàng 27 tuổi lúc nào cũng tươi tắn rạng rỡ y như tên gọi. Quen nhau thế nào chẳng nhớ nữa, nhưng từ đó đến nay Dương lúc nào cũng đáng mến như ruột thịt của tôi vậy. Dương có hoàn cảnh khá đặc biệt, cô làm mẹ đơn thân bất đắc dĩ gần 3 năm. Không phải vì lỡ dở hay tuổi trẻ bồng bột, mà bởi chồng Dương đột ngột qua đời khi bé Vừng vẫn còn trong bụng mẹ. 3 cái Tết vắng bóng người chồng thân thương, mẹ con Dương thường đón Tết ở bên ngoại, bố cô cũng hay công tác vắng nhà nên loanh quanh mâm cơm dịp cuối năm cũng chỉ toàn phụ nữ. Mấy mẹ con cùng nhau nấu ăn trò chuyện, việc gì cũng tới tay, thắp hương cúng lễ cũng tự làm. "Nam nhân" duy nhất trong nhà lúc này vẫn còn nói chưa sõi, chính là Vừng bé tẹo chứ ai!
Nghe nhiều người mách đặt mua hết đồ online cho nhanh, thời buổi này cần gì phải nấu cỗ cho vất vả, Dương cũng chần chừ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bà mẹ trẻ quyết định tự tay đi chợ, làm mâm cơm cúng cho thành tâm, giữ nguyên phong vị truyền thống. Sáng sớm ngày ông Công ông Táo, Dương đã tự lái xe đi hơn chục cây số từ Hà Đông ra tận chợ Hàng Bè để sắm sửa cho tươm tất.
Dù có lối sống hiện đại, nhưng Dương cũng là một người phụ nữ thích những nét văn hóa cổ truyền, hơn nữa lại sinh ra trong gia đình gốc Hà Nội lâu đời, được mẹ dạy dỗ chu đáo, nên Dương rất đam mê nấu ăn và làm các thứ thủ công.
Dương tạm nghỉ 1 hôm không bán hàng, không gặp khách, không sổ sách giấy tờ để có một ngày làm 23 tháng Chạp thật thoải mái. Em gái của Dương cũng nghỉ học để về nhà làm cơm, cùng sum vầy với gia đình. Bé Vừng chơi với bà ngoại, cậu nhóc có vẻ tò mò lạ lẫm khi căn nhà quen thuộc bỗng xuất hiện những thứ mang đầy hương vị Tết, lại có đông người hơn mọi khi nên Vừng rất vui. Dòm bộ đồ cậu mặc có thêu chữ Vừng to tướng trước ngực, trông cũng ra dáng 2 tuổi lắm cơ!
Mẹ Vừng vừa làm cơm vừa kể xấu con trai: "Vừng nghịch lắm, ngày nào cũng chóng cả mặt. Năm ngoái Vừng còn nhỏ, mình chẳng làm gì được suốt cả Tết. Năm nay thì cu cậu lớn hơn rồi, có bà ngoại với dì trông hộ nên mới có thời gian bếp núc một chút, tự tay làm cơm cúng".
Tỉ mẩn một lúc cũng xong 2 lọ hoa, 1 cái để trang trí 1 cái để chưng mâm cúng, Dương bắt tay vào nấu nướng các món mặn. Nhà ít người nhưng Dương vẫn chọn nấu hơn chục món khác nhau, mỗi thứ một ít, lại còn cầu kỳ trang trí thêm, bởi cô thích vừa đẹp mắt lại vừa ăn ngon.
Vừng liên tục quấy mẹ, chẳng chịu ngồi im một chỗ, song bà mẹ trẻ vẫn dịu dàng nhắc nhở con trai. Nhìn Dương ngắm Vừng chơi với chậu cá ở ban công, tôi thấy tình mẫu tử trong đôi mắt Dương êm ả ngọt ngào như nắng xuân ngoài cửa sổ. 365 ngày bận rộn mệt mỏi với đủ thứ công việc và hoài niệm quá khứ, chắc chỉ có những khoảnh khắc thế này mới khiến Dương nhẹ nhõm mỉm cười.
Trong căn bếp sáng sủa ấm cúng, tiếng dao thớt lách cách đều đều, mùi đồ ăn xào nấu thơm lựng khắp không gian. Lâu rồi mới vào bếp để làm cỗ theo kiểu truyền thống, Dương cảm thấy mình đã có chút đổi khác.
"Từ ngày chỉ còn mình với Vừng thì hầu như mình không bao giờ nấu ăn nữa, chỉ toàn mẹ ruột hoặc mẹ chồng nấu giúp thôi. Nhưng hôm nay thì mình muốn tự tay làm, để Vừng có một ngày ông Táo ý nghĩa, được trải nghiệm cùng mẹ trọn vẹn tuổi thơ con với những cái Tết đủ đầy".
Nấu nướng xong xuôi, 3 mẹ con Dương cùng bày biện dưới ban thờ gia tiên, chuẩn bị chọn giờ lành thắp hương. Hôm nay ông ngoại Vừng cũng phải đi trực, không có mặt ở nhà được, nên mọi nghi lễ đều do mẹ của Dương đảm trách. Có vẻ như Vừng cũng biết đến giờ phút quan trọng, nên cậu nhóc ngồi im re, học theo bà và mẹ chắp tay "cúng cụ" một cách rất đáng yêu.
Cúng bái xong, cả nhà ngồi nghỉ ngơi trước khi ăn uống. Từ sáng đến giờ Dương đã đi lại cả một vòng thành phố, đã xa xôi lại còn đủ thứ việc phải làm, bà mẹ trẻ cũng thấm mệt, song chỉ cần bế nhóc Vừng trên tay, nghe câu "Con yêu mẹ" ngọng líu ngọng lô, khuyến mãi thêm nụ cười toàn răng sữa của Vừng là Dương thấy hạnh phúc không gì bằng.
Khi hương đã tàn hết, Dương thì thầm hỏi nhỏ: "Vừng có thích đi thả cá không?". Thế là cậu nhóc tí hon bật khỏi lòng mẹ như chú khỉ, thoắt cái đã thấy đội chiếc mũ ngay ngắn trên đầu và xỏ đôi dép đẹp để được xách túi cá ra khỏi nhà. Mới 2 tuổi mà lanh đến thế là cùng!
Trở về nhà, tôi cùng gia đình Dương bày mâm, hâm nóng lại thức ăn rồi quây quần cùng trò chuyện thật rộn rã. Vừng đùa nghịch, cười giòn tan khắp nhà. Sát đến giờ ăn cơm thì cu cậu lại tè dầm, nên cả nhà lại ngồi đợi cậu thay bộ đồ mới. Mùi hương trầm phảng phất khắp nơi, quyện với mùi canh măng, giò chả khiến ai nấy bỗng cảm giác nôn nao khó tả. Có lẽ với Dương, từ sau khi trở thành mẹ đơn thân, đây là cái Tết thứ 2 an yên và nhiều niềm vui nhất...
Nhờ có mẹ con Vừng, tôi đã có một ngày thật vui và đầy tiếng cười, cảm nhận được hương vị Tết đang đến gần hơn. Chỉ còn 1 tuần nữa thôi là sang năm mới, hôm nay ra đường bắt gặp bao cụ già trẻ nhỏ đứng trước thềm nhà đốt vàng mã, những người dân mang cá vàng đi thả xuống sông, hồ cho ông Táo chầu trời, tôi thấy nhớ nhà đến cồn cào ruột gan, muốn bỏ lại mớ công việc ngổn ngang để về với bố mẹ. Tết đến xuân về theo quy luật tự nhiên, lòng người cũng theo đó mà háo hức. 23 âm lịch trôi qua rồi giao thừa sẽ đến, không gì bằng cái Tết đoàn viên!