2 câu hỏi gây "lú não" nhất đề thi Giáo dục công dân: Tình tiết như phim giờ vàng VTV, sĩ tử đọc xong muốn "truyền thái y"

Thanh Hương,
Chia sẻ

"Đọc đến câu hỏi thì quên hết tình tiết vụ việc" là nhận xét của nhiều sĩ tử với 2 câu hỏi trong môn Giáo dục công dân.

Sáng 8/7, sĩ tử cả nước lựa chọn làm một trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên. Bài thi Khoa học Xã hội bao gồm các môn Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục công dân. Theo đó Giáo dục công dân là môn thi cuối cùng và được nhiều sĩ tử nhận xét đề dễ thở, vừa sức. Tuy nhiên có 2 câu khiến nhiều em căng não vì tình tiếp "tầng tầng lớp lớp", lắm drama chẳng khác gì các bộ phim giờ vàng trên sóng VTV.

Cụ thể 2 câu hỏi có nội dung như sau:

Câu 1: Anh C là Chi cục trưởng Chi cục X chở chị S là nhân viên đi công tác bằng xe máy. Trên đường đi, anh C đã vượt đèn đỏ nên bị anh V là cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Vào thời điểm anh V lập biên bản và ra quyết định xử phạt anh C, cách đó không xa, anh N là tài xế xe taxi bị hành khách trên xe là anh G khống chế, dùng dao đâm vào bụng. 

Sau khi thoát khỏi xe và kêu cứu, anh N ngã gục xuống đường, lợi dụng lúc này, anh G bỏ chạy. Anh V nhờ người đưa anh N đi cấp cứu còn mình thì truy đuổi. Thấy trong quyết định xử phạt anh C có ghi thêm lỗi đi sai làn đường dù không vi phạm, chị S đã đưa vụ việc lên mạng xã hội. 

Không ngờ hành động của chị S khiến việc anh C bị xử phạt lan truyền rộng rãi dẫn đến uy tín của anh C bị ảnh hưởng. Bức xúc, anh C đã tạo tình huống để chị S mắc lỗi nghiêm trọng rồi dựa vào đó thực hiện quy trình kỷ luật và chị S phải nhận quyết định buộc thôi việc. Những ai sau đây có thể vừa được thực hiện quyền khiếu nại, vừa được thực hiện quyền tố cáo?

A. Chị S và anh N

B. Anh V, anh C và anh G

C. Chị S và anh C

D. Anh C, anh N và chị S 

2 câu hỏi gây "lú não" nhất đề thi Giáo dục công dân: Tình tiết như phim giờ vàng VTV, sĩ tử đọc xong muốn "truyền thái y" - Ảnh 2.

Câu 2: Thôn Y có ông A, vợ chồng anh G, chị P, vợ chồng chị M, anh N và con gái là cháu C cùng sinh sống. Vốn có định kiến từ trước nên khi thấy chị P vào nhà mình, chị M cho rằng chị P có mục đích xấu nên đã tri hô và hỗ trợ anh N đánh đuổi chị P. Sau đó ít lâu, chị P đưa tin sai sự thật về mình, anh N đã bí mật giam chị tại một ngôi nhà hoang. Qua hai ngày chị P mất tích, anh G phát hiện sự việc nên đã thuê ông A dùng hung khí đe dọa giết anh N buộc anh N phải thả vợ mình. 

Khi bác sĩ yêu cầu chị P phải nằm viện điều trị do sang chấn tâm lý, anh G bắt cháu C rồi quay và gửi video cảnh cháu ngất xỉu do bị bỏ đói cho anh N để gây sức ép yêu cầu anh N phải trả tiền viện phí cho vợ mình. Những ai sau đây đồng thời vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của công dân?

A. Anh G và chị M

B. Anh N và anh G

C. Chị M, anh N và anh G

D. Anh N, chị P và ông A

Cộng đồng mạng sau khi đọc xong 2 câu hỏi này đã trợn tròn mắt, hoa cả mặt vì câu chuyện quá nhiều tình tiết. Một số sĩ tử sau khi ra khỏi phòng thi cũng hài hước chia sẻ: "Em phải đọc lại mấy lần mới nắm hết được câu chuyện. Vừa đọc đến câu hỏi thì quên luôn tình tiết, nhân vật".

Theo kế hoạch, ngày 26/7, sĩ tử sẽ biết kết quả thi. Xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất là vào ngày 28/7 và công bố kết quả tốt nghiệp THPT chậm nhất là vào ngày 30/7.

Chậm nhất là ngày 2/8 cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh; in và gửi giấy chứng nhận. Từ 26/7 đến 5/8, thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo. Chậm nhất ngày 20/8, xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

Chia sẻ