19 năm đấu tranh để được đến trường, cuối cùng thì chàng trai bại não này đã chinh phục giấc mơ ĐH
Ham học, luôn có niềm tin vào cuộc sống, dù phải trải qua 19 năm đấu tranh vất vả, Trương Hùng Anh vẫn kiên trì để rồi đến năm 26 tuổi, cậu đã vươn đến cánh cửa ĐH - giấc mơ từ khi cậu còn rất nhỏ.
19 năm đấu tranh để được đi học
Được đi học, có lẽ là chuyện bình thường với rất nhiều người nhưng đối với chàng trai Trương Hùng Anh (SN 1990, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đó lại là một việc vô cùng ý nghĩa. 26 năm qua, cậu chỉ luôn mơ về một giấc mơ, đó là tiến thật xa trên con đường chinh phục những khoảng trời tri thức.
Câu chuyện về người con trai hiếu học Hùng Anh có lẽ sẽ ít đặc biệt nếu đó không phải là một người mắc bệnh bại não bẩm sinh và rối loạn hệ thần kinh vận động. Cha của cậu, sau khi từ chiến trường trở về đã mang theo mình chất độc màu da cam quái ác. Ông có 3 người con và cả 2 người con trai đều mắc chứng bại não.
Ước mơ của Hùng Anh là được tới trường.
Hùng Anh là con trai cả, từ nhỏ luôn mơ ước được đến trường. Thương con, cha mẹ cậu đã đưa Hùng Anh đi khắp nơi nhưng các thầy cô đều lắc đầu. Với chứng bại não và rối loạn vận động, việc học chữ của Hùng Anh gặp rất nhiều khó khăn chứ chưa nói đến chuyện bắt kịp với bạn bè cùng lớp.
Suốt 5 năm ở nhà (sau khi đã đến tuổi đến trường), Hùng Anh ngày ngày nhờ em gái (người duy nhất bình thường trong gia đình) dạy học chữ. Tay chân co quắp, thay vì cầm bút bằng các đầu ngón tay, cậu phải nắm chặt nó bằng cả bàn tay, khó khăn di chuyển từng chút một. Mỗi ngày trôi qua là một ngày cậu kiên trì tập viết chữ, viết số, tính toán và tập đọc. Dù tuổi còn nhỏ nhưng Hùng Anh luôn hiểu rằng, chỉ có tri thức mới có thể thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình.
Hùng Anh cầm bút bằng cả bàn tay.
Vì thương bố mẹ nên cậu luôn muốn mình sẽ học thật giỏi.
Năm em gái học đến cấp 2, khao khát được đến trường của Hùng Anh lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhờ 5 năm kiên trì học chữ, các thầy cô trường THCS Trần Quý Cáp (xã Điện Bàn) đã nhận cậu vào học dự thính lớp 6 mà không hề có học bạ.
Không ai có thể ngờ rằng, Hùng Anh có thể học hết 4 năm cấp 2 với thành tích tốt. Rất tiếc, vì không có học bạ cấp 1, cấp 2 nên việc học tiếp lên cấp 3 của Hùng Anh gặp nhiều khó khăn. Để có thể tiếp tục chắp cánh cho giấc mơ của con trai, ba Hùng Anh đã lặn lội đi lại nhiều lần, xin đủ các loại giấy tờ, chữ ký của các thầy cô trường Trần Quý Cáp nhằm chứng minh thành tích học tập của con trai. Rất may mắn là những nỗ lực đó đã được đền đáp khi Hùng Anh được nhận vào học chính thức tại trường THPT gần nhà.
Tình yêu vô bờ của ba mẹ và lòng tốt của cộng đồng đã nuôi dưỡng ước mơ bình dị
Sinh con ra, ai cũng mong con mình được khỏe mạnh, lớn lên sẽ là người giỏi giang, cống hiến tốt cho xã hội. Hùng Anh lại là con trai đầu lòng của ba mẹ cậu. Ngày cậu chào đời, trong lòng họ đã nuôi biết bao hy vọng.
"Nhưng rồi đến tháng thứ 7 con vẫn không biết lật, 13 tháng không biết đi. Tôi lo lắng, đưa con đi khám mới biết con bị bệnh", bà Hương (mẹ Hùng Anh) tâm sự. Trong nhiều năm liền, bà Hương và chồng mình luôn cảm thấy đau lòng vì cậu. Họ biết rằng, không một giá trị vật chất hay điều kiện nào có thể đánh đổi và bù đắp sự thiếu hụt của con. Riêng bà Hương lại phải chịu thêm lời nhiếc móc của họ hàng vì đã sinh ra người con trai khuyết tật.
Ảnh gia đình Hùng Anh khi cậu còn nhỏ.
Ba mẹ Hùng Anh vốn đều làm nông nghiệp, gia cảnh rất khó khăn.
Nhưng họ luôn nỗ lực hết sức để chắp cánh cho giấc mơ của con trai.
Gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng biết con ham học, họ đã cố gắng mọi cách để cho con tới trường. Không chỉ có ba mẹ, có em gái thương Hùng Anh mà bạn bè và các thầy cô đều rất cảm mến tấm lòng hiếu học của cậu. Hiểu về hoàn cảnh của bạn, Hà Anh Khánh (bạn học của Hùng Anh) đã nhận nhiệm vụ 3 năm đưa bạn tới trường.
Tổng kết lớp 12, Hùng Anh đạt số điểm rất cao: Toán 9,3; Lý 9,4 và Hóa 7,2. Dù thế, các thầy cô vẫn ái ngại cho cậu vì chữ viết của Hùng Anh rất khó coi.
Hùng anh rất chăm học.
Vượt xa tất cả sự kỳ vọng ấy, kỳ thi THPT chung Quốc gia vừa rồi, Hùng Anh xuất sắc giành 19,95 điểm thi (cộng thêm điểm ưu tiên là 22 điểm), đỗ vào khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Từ khi biết tin đậu ĐH, Hùng Anh vui đến nỗi không ngủ nổi, chốc chốc lại đem giấy báo nhập học ra xem lại cẩn thận. Trong khi đó, bố mẹ cậu lại rất lo lắng không biết sẽ trang trải học phí ra sao. Vả lại, tay chân cậu yếu ớt, không thể tự lo sinh hoạt cá nhân thì liệu chặng đường 4 năm ĐH, cậu sẽ hòa nhập ở vùng đất xa lạ ra sao.
Giấy báo trúng tuyển ĐH Bách khoa Đà Nẵng của Hùng Anh.
Sau khi trình bày hoàn cảnh, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã quyết định miễn học phí toàn bộ khóa học cho Hùng Anh. Nhà trường còn dành một căn phòng KTX đặc biệt cho 2 cha con ở và nhận ba Hùng Anh vào làm bảo vệ trông xe trong trường để có thêm thu nhập, lo lắng cho con trai học hành.
Chặng đường 26 năm theo đuổi giấc mơ học tập của chàng trai bại não Trương Hùng Anh, cuối cùng đã có được những khởi đầu tốt đẹp. Con đường phía trước có thể vẫn còn rất dài, giấc mơ có một việc làm để nuôi sống bản thân của cậu có thể vẫn còn xa nhưng trước mắt, những nỗ lực ngày hôm qua ít nhất đã có kết quả.
Để giúp Hùng Anh có thêm lòng tin trên con đường chông gai phía trước, chương trình Điều ước thứ 7 đã xuất hiện và giúp cậu thực hiện rất nhiều giấc mơ nho nhỏ. Hùng Anh đã nhận được một chiếc máy tính xách tay (vật dụng thiết yếu để theo học ngành IT), được gặp lại người mẹ từ quê lên thăm, cậu bạn thân chí cốt hồi cấp 3 và nói lời yêu thương tới tất cả mọi người. Hùng Anh còn được gặp gỡ trực tiếp ca sĩ trẻ Chí Thiện và nghe được những lời nói động viên từ thầy cô và những người bạn mới quen ở lớp ĐH của mình.
Clip chương trình điều ước thứ 7 - Hùng Anh đi học.