Cảm động 9x bế em gái bị bại não 10 năm đi chữa bệnh
Mẹ mất sớm, cha lại ốm yếu, người anh trai một thân một mình bế em gái bị bại não đi khắp các bệnh viện để chữa trị mà không một lời kêu than. Tình thương mà cậu dành cho em gái đã lay động trái tim biết bao người.
Chục năm cõng em đi chữa bệnh
Gần một tháng trước, nhiều người điều trị tại Khoa Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) không khỏi cảm động trước hoàn cảnh người anh trai ôm em gái bị bại não và viêm phổi nặng từ huyện vùng cao Bảo Yên (Lào Cai) xuống Hà Nội chữa bệnh.
Đó là hoàn cảnh của hai anh em Phạm Văn Đức (SN 1991) và Phạm Thị Ánh (SN 1993), trú tại bản Liên Hà 2, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Theo lời kể của Đức thì cách đây chừng 2 tháng, Ánh lên cơn co giật, cơ thể tím tái, khó thở. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện chẩn đoán Ánh bị viêm phổi, đã điều trị nhưng không thuyên giảm. Đức tiếp tục cõng Ánh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại đây, các bác sĩ đã điều trị tạm ổn cho Ánh. Nhưng về nhà được một vài ngày thì bệnh của Ánh lại tái phát.
Hình ảnh Phạm Văn Đức chăm em gái trong Bệnh viện Bạch Mai khiến nhiều người cảm động. Ảnh: T.G
“Điều trị cho Ánh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai nhưng tình trạng không tiến triển là mấy. Mỗi lần thấy Ánh khóc vì đau đớn, em cũng không cầm được nước mắt. Tuy điều kiện gia đình không cho phép nhưng em vẫn quyết tâm đưa Ánh lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chữa trị với hy vọng em có thể khỏi được bệnh. Lúc nào em cũng nghĩ, sẽ cố giữ cho Ánh đến hơi thở cuối cùng. Hơn hai mươi năm, Ánh đã phải nằm một chỗ, thiệt thòi của Ánh như thế, so với sự vất cả của em đáng là bao. Cả chục năm nay, em đã bế Ánh đi khắp nơi thì em vẫn sẽ mãi như thế, cho người mẹ đã khuất được ấm lòng”, Đức vừa bế Ánh trên tay vừa tâm sự với chúng tôi.
Nằm ở Bệnh viện Bạch Mai được hơn chục ngày, tình trạng sức khỏe của Ánh cũng đã tốt dần lên, Đức xin bệnh viện đưa em về nhà để tiện chăm sóc “Khi em xin về, các bác sĩ rồi các cô, các bác ở cùng phòng đều ngăn vì thấy cảnh hai anh em cứ cõng nhau đi đi lại lại vất vả. Nhưng cứ nằm thế này ở đây thì điều kiện kinh tế gia đình em không đủ sức để gánh”, Đức tâm sự.
Bố lấy hai đời vợ vẫn chịu cảnh gà trống nuôi con
Theo lời kể của Đức, mẹ em mất khi Ánh mới được 2 tuổi. Từ đó, bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên vai người bố. Đức cũng phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Năm 1999, vì muốn có bàn tay phụ nữ chăm lo cho con cái, bố Đức quyết định đi thêm bước nữa. Nhưng số phận thật trớ trêu khi người mẹ kế cũng mất vào năm ngoái vì bạo bệnh.
Có lẽ vì quá buồn phiền chuyện gia đình, rồi qua cái chết của hai người vợ, bố Đức ngày càng yếu đi, không còn sức khỏe để lo lắng cho cả nhà như ngày xưa nữa. Trong gia đình Đức hiện tại thì người chị gái lớn cũng đã đi lấy chồng, đứa em út con của người mẹ kế mới học lớp 9, chưa biết làm gì nên mọi công việc trong nhà đều do Đức và người anh trai đứng lên lo liệu.
Chia sẻ với chúng tôi, Đức tâm sự: “Ánh bị bại não từ nhỏ, người em cứ co quắp lại nên sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Từ trước tết tới nay, sức khỏe của em cứ yếu dần đi, người tím tái, khó thở trông tội lắm. Nhà em mẹ thì mất sớm, nên mọi sinh hoạt của Ánh như ăn uống, vệ sinh đều do bố và mấy anh em làm cả. Chăm em từ khi còn nhỏ nên giờ cũng thành quen rồi, cũng chẳng vất vả là mấy, chỉ mong Ánh không bị căn bệnh hành hạ, đau đớn là em vui lắm rồi”.
Những ngày bế em đi bệnh viện, điều mà Đức luôn cảm thấy ấm lòng là dù điều trị ở bệnh viện huyện, tỉnh cho đến khi lên Bệnh viện Bạch Mai, hai anh em Đức đều luôn được sự quan tâm, giúp đỡ rất nhiệt tình từ các bác sĩ đến những người nằm cùng phòng bệnh. Người thì cho gói bánh, gói kẹo, người thì giúp Đức chăm sóc cho em gái. “TS. BS Đặng Hùng Minh ở Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai quý hai anh em em lắm. Bác ấy còn kêu gọi mọi người quyên góp ủng hộ cho hai anh em. Một bác khác cùng phòng bệnh thì nhường cả giường để cho hai anh em nằm… Bao nhiêu năm đi chữa bệnh cho em gái, em thấy nhiều khi có tiền cũng không mua nổi được tình người”, ngân ngấn nước mắt, Đức tâm sự.
Anh Hoàng Văn Khuyến (quê ở Yên Bái) người nhà bệnh nhân cùng phòng với anh em Đức cũng nghẹn giọng: “Nhìn cách Đức chăm sóc Ánh cũng đủ biết tình cảm người anh yêu thương và tận tình với cô em như thế nào. Nếu không yêu, không thương làm sao người anh có thể cõng em xuống núi, đi bệnh viện huyện, tỉnh rồi xuống Hà Nội thế này”.
Vì không muốn phiền đến mọi người quá nhiều, cộng với việc sức khỏe của Ánh cũng đã tốt dần lên, Đức quyết định đưa em về quê để tiện đường chăm sóc. “Trong cuộc sống này còn nhiều người khổ hơn gia đình em nhiều lắm. Chỉ cần bố con em chăm lo làm ăn thì cũng đủ sống rồi. Cảm ơn mọi người đã luôn quan tâm, hỏi han, giúp đỡ gia đình em!...”.
Khi được hỏi động lực nào giúp cậu có thể làm được như vậy, Đức không ngần ngại trả lời: “Do tình thương anh em cả thôi. Em luôn quan niệm rằng, Ánh đã phải thay gia đình gánh bao nhiêu đau khổ, bệnh tật nên phải yêu thương, chăm sóc lấy em, cho dù điều xấu nhất có xảy ra với em gái đi nữa”.