130.000 đồng 1 quả bí xanh ở Hà Nội, bà nội trợ choáng váng

Ngọc Vy/VTC NEWS,
Chia sẻ

Do ảnh hưởng của mưa lũ, các loại rau xanh tiếp tục tăng giá và nguồn cung tại chợ cũng ít hơn, nhiều mặt hàng đắt đột biến khiến các bà nội trợ "sốc".

Bão lũ đang gây cảnh ngập úng tại nhiều địa phương khiến loạt vườn rau hư hỏng nặng, gây khan hiếm nguồn cung. Tại các chợ ở Hà Nội, mặt hàng rau xanh, củ quả hiện đang rất đắt đỏ.

Sáng 11/9, chị Nguyễn Ngọc Mai (Linh Đàm, quận Hoàng Mai) chia sẻ, chị thực sự bị "sốc" khi mua 1 quả bí xanh giá tới 130.000 đồng. " Tôi không hỏi cụ thể nhưng ước lượng quả bí cùng lắm chỉ hơn 3 kg, như vậy tính ra hơn 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, bình thường giá bí xanh chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Chưa bao giờ tôi mua 1 quả bí đắt đỏ như thế ", chị nói.

Không chỉ bí xanh, giá rau bắp cải cũng tăng lên tới gần 30.000 đồng/kg, trong khi bình thường chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. " Tôi mua 1 quả bí xanh, 1 cái bắp cải mà mất 170.000 đồng tiền rau. Giá cứ tăng như này thì đúng là không dám đi chợ nữa. Hôm nay giá rau còn đắt ngang thịt ", chị Mai than.

Chị Mai còn phản ánh, chất lượng rau hôm nay còn không được đẹp, xanh mướt như mọi hôm mà dập úa. Khi hỏi thì tiểu thương cho biết, do các vùng ngoại thành và các tỉnh ven Hà Nội là nơi cung ứng rau xanh bị ngập nên dường như không hàng để bán, số ít còn lại thì cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Chị Nguyễn Thuỳ Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sáng nay (11/9) giá các loại rau, củ, quả tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) tiếp tục tăng và nguồn hàng ít hơn so với hôm qua. Theo chị Linh, nhiều người mua tích trữ nên hiện giá rau tại chợ còn cao hơn cả siêu thị. " Bình thường rau muống tôi chỉ mua 10.000 đồng/bó, cà chua 35.000/kg thì nay giá rau muống tăng lên tới 35.000 đồng/bó còn cà chua lên 55.000 đồng/kg.

Tương tự, mỗi bó rau cải cũng được bán ra với giá 23.000 đồng trong khi giá bình thường khoảng 10.000 đồng. Giá rau mồng tơi là khoảng hơn 20.000 đồng/bó, gấp đôi bình thường. Hành lá có giá 55.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng mỗi kg so với trước bão. Các loại củ quả khác như su su, bắp cải, cà rốt... thì tăng nhẹ so với trước, khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg ", chị Linh nói.

130.000 đồng 1 quả bí xanh ở Hà Nội, bà nội trợ choáng váng - Ảnh 1.

Các loại rau xanh tiếp tục tăng giá và khan hiếm. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chị Mai cho hay, còn có rau để mua lúc này là rất may mắn. Chiều qua, khi đi làm về qua chợ cóc gần nhà, chị thấy không chỗ nào còn hàng để bán. Sáng nay chị phải đi chợ sớm, nhưng các mặt hàng rau xanh cũng rất ít, các loại củ quả thì nhiều hơn một chút.

Chị Minh Hoa - một tiểu thương tại chợ Thanh Trì (quận Hoàng Mai) chia sẻ, mưa bão làm rau hỏng hết nên rất khan hiếm, kể cả chợ đầu mối cũng không có. Giá rau hiện tại tăng từng ngày, sắp tới nếu tình hình lũ kéo dài thì có thể còn đắt hơn nữa vì không có hàng để bán.

" Từ hôm bão tới nay, giá rau xanh như rau muống, mồng tơi, rau ngót…tăng từng ngày. Hôm nay, rau muống tôi nhập vào đã 28.000 đồng/mớ, tuy nhiên mọi người còn tranh nhau mua vì số lượng có hạn, không dồi dào như mọi khi. Mang về chợ tôi chỉ dám lấy lãi 1-2 nghìn đồng/mớ, lấy công làm lãi chứ không dám lấy nhiều vì lũ lụt nguồn cung khó khăn trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân lớn ", chị Hoa chia sẻ.

Cũng theo chị Hoa, do mưa suốt mấy ngày qua nên việc thu hái nông sản của nông dân và vận chuyển hàng hóa của thương lái khó khăn. Đặc biệt, nhiều khu vực bị ngập nên các loại củ, quả thì có sẵn nhưng rau xanh khan hiếm nhiều. Bởi vậy mà giá cả đều tăng, cao hơn khoảng gấp hai, gấp ba lần so với ngày thường.

Không chỉ rau xanh, hải sản cũng là một mặt hàng khá khan hiếm trong những gần đây. Chị Nguyễn Mai Hồng - một tiểu thương tại chợ Nam Dư (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, giá các loại hải sản mấy hôm nay cũng tăng khá nhiều do nguồn cung khan hiếm. Cụ thể, giá mực trứng tăng từ 250.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg, giá tôm lột tăng loại to tăng từ 310.000 đồng/kg lên 360.000 đồng/kg, tôm biển vàng tăng từ 220.000 đồng/kg lên 260.000 đồng/kg...

Dù giá tăng, nhưng nguồn cung hàng cũng rất hiếm. Nếu trước đây mỗi ngày chị nhập khoảng 20 - 30kg các loại hải sản về bán thì nay mỗi ngày đi lấy hàng từ 2 - 3h sáng nhưng cũng chỉ lấy chưa được 10kg.

Theo chị Hồng, sản lượng mặt hàng thủy hải sản về các chợ chưa thật sự dồi dào do phần lớn tàu, thuyền phải tránh bão, chưa hoạt động trở lại. " Hàng về chủ yếu là hải sản đông lạnh, hoặc ốc, sò...Vài ngày tới khi người dân đi đánh bắt thì mới có đồ tươi về nhiều ", chị Hồng chia sẻ.

Trái lại với mặt hàng rau và hải sản, các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng...,giá cả vẫn ổn định như ngày thường. Cụ thể, các mặt hàng như: sườn non, ba chỉ có giá 145.000 đồng/kg; bắp giò, nạc vai có giá 140.000 đồng/kg; mông sấn 120.000-130.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp 80.000 đồng/kg; trứng gà đỏ 25.000 đồng/10 quả...

Theo chia sẻ của một số tiểu thương, do nguồn cung ổn định vì được nhập hàng từ nhiều hộ chăn nuôi lợn, bò, cho nên giá các loại thịt không tăng nhiều trong đợt mưa bão.

Bộ Công Thương khuyến cáo không tích trữ nhu yếu phẩm quá mức cần thiết

Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc được bảo đảm, không xảy ra biến động lớn về giá. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.

" Qua báo cáo tình hình từ các Sở Công Thương, đến sáng 10/9, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, ngoại trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.

Bộ Công Thương liên tục giữ liên lạc và chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp cập nhật diễn biến hàng hóa tại các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng. Đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh thành khác để có thể hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương… ", ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết.

Chia sẻ