13 tỉnh thành có bệnh nhân tiêu chảy cấp
Chiều 19/5, Cục Y tế dự phòng và Môi trường xác nhận 13 tỉnh thành có bệnh nhân tả với 53 ca dương tính. Bộ Y tế xác nhận trường hợp tử vong ở Ninh Bình do nhiễm tả.
Trường hợp tử vong tại xã Kim Sơn, Ninh Bình trước đó, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế đã điều tra hồi cứu và xác nhận trường hợp này tử vong do mắc tả. Đây là bệnh nhân nam, 50 tuổi ở xóm 7, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Vô tư với rau sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn tả (Ảnh: T.Kiên)
Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, cho biết: Đến nay qua điều tra vẫn chưa xác định bệnh nhân ăn thức ăn gì, nguồn lây nhiễm từ đâu. Tuy nhiên qua hỏi hàng xóm thì được biết người đàn ông này không đi đâu xa, chỉ ở nhà.
Tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, tính đến hết ngày hôm nay (19/5), tại Viện có tổng số 267 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó 161 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Trong tổng số bệnh nhân nhiễm tả thì có 20 ca bị trụy mạch, 7 ca suy thận, 1 ca tiêu chảy cấp có nhồi máu cơ tim, 1 ca tiêu chảy cấp trên bệnh nhân suy tim, suy thận. |
Hai tỉnh mới có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với khuẩn tả là Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng báo cáo có bệnh nhân nghi ngờ nhưng chưa có kết quả xác nhận là Nghệ An và Yên Bái.
Như vậy, tính từ ngày 20/4 - 18/5, cả nước đã ghi nhận 53 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Dịch đã lan ra 13 tỉnh, thành phố, gồm Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương và Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.
Theo ông Nga, việc 13 tỉnh thành có bệnh nhân dương tính với tả, có thể không phải do sự lây lan rộng giữa địa phương nọ tới địa phương kia. Một giả thiết nghiên cứu mà Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đặt ra, đó là do điều kiện khí hậu, mội trường nóng ẩm khiến phẩy khuẩn tả đang từ trạng thái lành tính phát triển thành dạng có độc lực cao, dễ lây lan như V.Cholerae O1, Ogawa. Điều tra về các ca nhiễm bệnh ở các địa phương cho thấy, nhiều tỉnh thành có bệnh nhân mắc đồng thời với thời điểm dịch bệnh xảy ra tại Hà Nội. Tuy nhiên, một số tỉnh cũng có bệnh nhân từ Hà Nội về.
Chăm sóc bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nặng tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia (Ảnh: H.Hải)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cảnh báo, hiện một số địa phương đã phát hiện phẩy khuẩn tả trong nước bề mặt, trong rau, một số thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh; sự giao lưu qua lại giữa các khu vực; thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều dễ gây ngập lụt; sẽ tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh. Do đó, trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm một số tỉnh có trường hợp mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả phát tán rải rác.
Vì thế, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác kiểm soát đảm bảo VSATTP. Tất nhiên về lâu dài phải kiểm soát được nguồn phân, nếu nguồn phân người không ra môi trường, thì người dân sẽ không thể mắc bệnh tả được; nhưng đến nay chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề này. Tại nhiều địa phương tỷ lệ hộ dân chưa có nhà vệ sinh vẫn rất cao. Người dân vẫn có thói quen sử dụng phân tươi để bón rau...