111 trẻ tử vong vì tay chân miệng: Vẫn trong tầm kiểm soát?
Tính đến cuối tuần qua, cả nước ghi nhận 57.055 ca mắc tay chân miệng tại 61/63 tỉnh thành, trong đó số tử vong đã lên đến 111 ca.
Cần nhớ rằng ngày 15.8.2011, cách đây chỉ hơn một tháng, cả nước có 35.000 ca mắc tay chân miệng tại 50 địa phương với 81 ca tử vong, nhưng người có trách nhiệm của bộ Y tế khẳng định “vẫn trong tầm kiểm soát” nên không công bố dịch, dù bộ trưởng bộ Y tế, khi làm việc tại TP.HCM, đã tuyên bố “dịch tay chân miệng đã bùng phát chứ không nói là dịch có nguy cơ bùng phát nữa”.
Tại quận 12, một cán bộ y tế dự phòng giấu tên, than thở: “Năm nào cũng dịch bệnh nhưng chuyển biến trong ý thức của người dân rất chậm. Thú thật chống dịch thành công hay thất bại là hên xui, chỉ biết nhờ trời”.
Những tuần qua, tại khoa nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, số ca mắc tay chân miệng của TP.HCM đã chựng lại, nhưng bệnh nhân từ các địa phương chuyển về vẫn nhiều, chiếm đến 70% số bệnh nhi tay chân miệng điều trị ở đây. Bác sĩ trưởng khoa Trương Hữu Khanh nói: “Do địa phương không công bố dịch và biết rằng vẫn còn tuyến trên, nên các tỉnh không mặn mà với điều trị và cứ chuyển bệnh về TP.HCM cho khoẻ”.
Dĩ nhiên, không công bố dịch cũng có lý do, nhưng vì không chính thức xem tay chân miệng là dịch (mặc dù nó đã là dịch thật sự!), nên đến nay căn bệnh tay chân miệng vẫn không nhận được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo địa phương và không huy động được các ban ngành vào cuộc. Vì đây không phải dịch, nên cán bộ phòng chống tay chân miệng trực tiếp chỉ nhận được phụ cấp 30.000 đồng/ngày (thay vì 60.000 đồng/ngày nếu là dịch), còn nếu làm việc gián tiếp thì không có tiền!
Thế giới đã ghi nhận không ít bài học đau xót về sự chậm trễ công bố dịch. Tại Anh, sự chần chừ của chính phủ trong việc công bố dịch bệnh bò điên vì sợ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nuôi bò đã gây rất nhiều thiệt hại về kinh tế hơn người ta nghĩ. Trong khi đó, phản ứng chậm của nhiều nước với đại dịch AIDS đã tiếp sức cho dịch bệnh này bùng phát mà theo ghi nhận, trước năm 2004 có 40 triệu người khắp thế giới mắc bệnh này.
Bộ Y tế: Không có gì phải quá lo lắng (?!)
Ngày 27.9, TS Nguyễn Văn Bình, cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khẳng định, hiện bệnh tay chân miệng vẫn được “kiểm soát tốt”. Theo ông Bình, không thể so sánh tay chân miệng với dịch cúm A/H5N1 để nói tại sao không công bố dịch. Mỗi bệnh có virút khác nhau, cơ chế lây truyền khác nhau, tác nhân biến đổi khác nhau. Nhìn chung, hiện đã giảm số ca mắc tay chân miệng do các biện pháp tuyên truyền, phòng tránh đã phát huy tác dụng. Nhưng số địa phương có bệnh lại tăng nên tính cả nước số ca mắc không giảm. Điều này không có gì bất thường, không quá lo lắng. Công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh vẫn phải thực hiện đều đặn, người dân không chủ quan với bệnh. Bộ Y tế liên tục có các đoàn kiểm tra tại các địa phương. Ngay trong tuần này, hai đoàn cũng đi các tỉnh kiểm tra tình hình bệnh tay chân miệng. Chị Thu Vân (mẹ bé Nguyễn Minh Gia Phú, ba tuổi, phường 8, quận 11, TP.HCM, đã tử vong vì bệnh tay chân miệng):
Đừng để thêm một trẻ nào tử vong nữa! Gia đình tôi vừa mất một đứa con, nỗi đau đớn này không từ ngữ nào diễn tả hết. Tôi biết, nhiều gia đình khác cũng đang sống trong lo âu, sợ hãi, mất mát như tôi. Do đó, Nhà nước cần có biện pháp thiết thực hơn, đừng để mỗi ngày thêm một nỗi đau. Chị Đinh Thị Thu Loan (ngụ tại phường 8, quận 11, TP.HCM): Ám ảnh Tôi có một con trai nhỏ ba tuổi, sống gần nhà cháu Gia Phú vừa mất vì bệnh tay chân miệng nên tôi luôn sống trong lo sợ. Ngày nào trong nhà tôi cũng có mùi hoá chất, hết cloramin B, đến nước javen, rồi nước rửa tay diệt khuẩn. Mỗi ngày tôi rửa tay, tắm rửa cho con tôi đến cả chục lần, ba của bé thấy vậy cũng sốt ruột vì sợ con cảm lạnh. Nhưng, tôi chỉ biết làm thế vì đã có vắcxin đâu. Thấy nhà bé Gia Phú mất con, mất cháu, đau khổ cả một thời gian dài, tôi bị ám ảnh. Mong sao Nhà nước, ngành y tế tìm biện pháp hữu hiệu nhất khống chế bệnh và đừng để thêm đứa trẻ nào chết, đừng để thêm gia đình nào phải đau khổ, dằn vặt và lo lắng vì bệnh này nữa. Ông Đặng Văn Khoa (nguyên đại biểu HĐND TP.HCM): Đừng đánh đổi bằng sinh mạng người dân Dịch tay chân miệng đang đã trở thành mối lo cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, những biện pháp ngăn ngừa dịch của bộ Y tế nói chung và của chính quyền các địa phương chưa đạt hiệu quả. Đã đến lúc, người dân được thấy những biện pháp khả thi của ngành y tế cũng như hệ thống chính quyền để họ có niềm tin rằng mình đang được bảo vệ. Ngành y tế nên xem đã đến lúc công bố dịch hay chưa bởi đây là trách nhiệm của ngành y trước nhân dân. Khi công bố dịch sẽ huy động được tất cả mọi nguồn lực trong xã hội để mọi người, mọi nhà cùng tham gia với ngành y, với chính quyền chống dịch. Không nên vì bệnh thành tích, vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi bằng sức khoẻ, sinh mạng của người dân. Luật sư Lê Hiếu Đằng (phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam): Sự thờ ơ và bệnh thành tích? Dịch tay chân miệng đã lan tới 61/63 tỉnh thành, 111 ca tử vong, điều đó chứng tỏ các biện pháp của bộ Y tế và các địa phương đưa ra để ngăn chặn dịch bệnh là không hiệu quả. Nguy hiểm hơn, trong bối cảnh nguy cấp như vậy nhưng bộ Y tế vẫn báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ là đã kiểm soát được dịch bệnh, cho thấy sự thờ ơ và bệnh thành tích. |