11 mẹo tiêu tiền của bà nội trợ Nhật giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt mà chất lượng cuộc sống vẫn đảm bảo
Bạn hoàn toàn có thể tham khảo để áp dụng cho gia đình mình.
Ở Nhật, nội trợ cũng là một công việc quan trọng. Bên cạnh chăm lo cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ còn phải có kế hoạch chi tiêu và mua sắm khôn ngoan để có thể tiết kiệm tiền. Đó chính là một cách làm giàu gián tiếp cho gia đình của phụ nữ Nhật.
Sau đây là những mẹo sử dụng tiền để tiết kiệm chi phí mà bà nội trợ Nhật thường áp dụng.
1. Sử dụng tiền mặt
Dù tiền lương của người chồng luôn được gửi vào tài khoản ngân hàng nhưng các bà nội trợ Nhật thường chọn cách rút tiền mặt, để có thể kiểm soát chi phí tốt hơn. Bởi vì khi đặt tiền trong tài khoản, họ sẽ không thể nhận thức được một cách chính xác về số tiền mình có.
2. Luôn có mục tiêu để tiết kiệm
Khi đặt ra một mục tiêu rõ ràng với con số cụ thể, bao giờ chúng ta cũng có động lực tiết kiệm hơn hẳn. Bà nội trợ Nhật am hiểu sâu sắc điều đó, khi tiết kiệm tiền họ thường đặt ra kế hoạch rõ ràng như để dành A số tiền đi du lịch, B số tiền sửa nhà…
3. Không coi nhẹ số tiền lẻ
Khi có những đồng xu lẻ, chúng ta thường muốn tiêu sạch chúng đi một cách nhanh chóng cho nhẹ ví tiền. Tuy nhiên nhiều đồng xu nhỏ có thể tạo thành một số tiền lớn. Phụ nữ Nhật không bao giờ coi nhẹ những đồng xu lẻ ấy, dù là số tiền ít hỏi thì họ vẫn phải chi tiêu có kế hoạch hoặc cất chúng vào lọ để dành.
4. Luôn so sánh giá cả
So sánh giá là một việc vô cùng quan trọng trước khi chi tiêu mà bà nội trợ người Nhật không bao giờ quên. Từ đó họ sẽ tìm ra được sản phẩm có mức giá tốt nhất để tiết kiệm tiền.
Ví dụ thay vì đi ăn ngoài, những người chồng mang cơm hộp đi làm 3 lần mỗi tuần, họ có thể tiết kiệm tới 63.000 yên mỗi năm (khoảng 7,5 triệu đồng). Hoặc nếu người chồng chuyển từ uống bia đắt tiền sang một thương hiệu rẻ hơn, gia đình họ có thể tiết kiệm tới 30.000 yên mỗi năm (khoảng 6,3 triệu đồng).
5. Sử dụng phương pháp phong bì để phân bổ tiền chi tiêu
Nguyên lý và cách thực hiện của phương pháp này rất đơn giản. Sau khi đã trích ra số tiền để tiết kiệm, phần dành cho chi tiêu được phân chia vào các phong bì với mục đích sử dụng khác nhau như tiền đi lại, tiền sinh hoạt…
Mỗi khi mùa sắm, bạn sẽ lấy tiền từ chiếc phong bì tương ứng, giúp chúng ta tiêu tiền một cách có kiểm soát hơn.
6. Chỉ dành 10% đến 15% thu nhập cho mục đích giải trí
Giải trí là một khoản chi tiêu không thiết yếu, nếu bạn dành quá nhiều thu nhập cho mục đích này thì ngân sách sẽ bị phá vỡ. Do đó khi phân bổ tiền lương, bà nội trợ Nhật chỉ dành tối đa 10% - 15% số tiền cho giải trí, đề cao mục tiêu tiết kiệm.
7. Mẹo tiết kiệm khi đi siêu thị
Khi đi mua sắm ở siêu thị, phụ nữ Nhật thường chỉ lấy những thứ mình cần rồi thanh toán ngay lập tức. Họ không thích đi dạo xung quanh các kệ hàng, vì hành vi đó sẽ thúc đẩy bạn mua sắm những món đồ không có trong danh sách.
Ngoài ra họ cũng thường so sánh giá cả ở các siêu thị khác nhau, bởi vì hàng hóa có thể được bán với mức giá chênh lệch giữa các siêu thị.
8. Mở và đóng tủ lạnh trong vòng 3 giây
Trước khi mở tủ lạnh, các bà nội trợ luôn nghĩ sẵn trong đầu xem mình cần lấy thứ gì. Bởi vì thực phẩm trong đó đã được sắp xếp ngăn nắp, có quy củ, nên họ chỉ mất khoảng 3 giây để lấy đồ. Đóng tủ lạnh lại ngay giúp tiết kiệm điện, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chất lượng đồ ăn bảo quản bên trong.
9. Tận dụng nước nóng từ bồn tắm để lau nhà
Nước nóng đầy bồn sau khi tắm xong cứ thế bỏ đi sẽ rất lãng phí. Phụ nữ Nhật tận dụng nó để lau nhà, vừa sạch sẽ lại tiết kiệm hóa đơn tiền nước.
10. Mua các loại máy móc và thiết bị tiết kiệm năng lượng
Thiết bị tiết kiệm năng lượng sẽ giúp các gia đình giảm bớt đáng kể hóa đơn tiền điện mỗi tháng. Sử dụng những thiết bị này là một cách tiết kiệm về lâu về dài.
11. Chỉ mua quần áo khi có giảm giá
Các cửa hàng, trang web bán quần áo thường xuyên có đợt giảm giá vào mỗi mùa. Bà nội trợ người Nhật hiểu rằng quần áo là một trong những mặt hàng mà người tiêu dùng không nên mua đúng với giá niêm yết ban đầu. Chỉ cần chờ một chút thời gian để chúng được giảm giá, lúc ấy bạn có thể mua sản phẩm mình cần với mức giá ưu đãi.
Theo: jpninfo