100 cặp đôi Sài Gòn hạnh phúc đạp xe đến lễ thành hôn trong ngày Quốc khánh
Những chiếc xe đạp mang màu đỏ của cờ Tổ quốc và màu hạnh phúc đã được 100 cặp đôi cô dâu, chú rể dùng để đưa nhau đến với cuộc sống hôn nhân viên mãn.
Sáng 2-9, cũng là ngày Quốc khánh, 100 cặp đôi đã cùng nhau tạo nên một lễ cưới tập thể rạng rỡ đầy sắc màu, đánh dấu ngày bước vào đời nhau một cách rất đặc biệt.
Năm nay nhân kỷ niệm 10 năm của chương trình, ban tổ chức (BTC) đã quyết định có sự đổi mới khi thay vì diễu hành bằng xe đạp điện, các cặp đôi sẽ đưa nhau dạo quanh những con đường Sài Gòn và tiến đến lễ thành hôn bằng xe đạp, phương tiện đi lại chân chất mộc mạc đã in hằn trong ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người Việt.
Đặc biệt, lần đầu tiên qua các năm tổ chức, chiếc nón lá truyền thống dân tộc xuất hiện trong lễ cưới.
Các cặp đôi là cán bộ công nhân viên, thanh niên công nhân, giáo viên, chiến sĩ, người lao động đang làm việc tại các KCN-KCX, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và khu vực lân cận, được BTC lựa chọn trong số các hồ sơ gửi đến từ giữa tháng 5 đến hết ngày 5-8.
BTC cũng ưu tiên người mất việc làm, bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo, tàn tật và những người có thu nhập thấp, gương sáng trong lao động để trao cơ hội tổ chức lễ cưới miễn phí.
Ngay từ rạng sáng, các cặp đôi từ nhiều quận/huyện trên địa bàn thành phố cũng như một số tỉnh thành khác đã tập trung về khu vực Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM để tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết trong tâm trạng háo hức.
Đèo nhau trên chiếc xe đạp uyên uơng, anh Võ Văn Tú và chị Nguyễn Thị Nhung (cùng quê Nghệ An) cho biết: "Tụi em quen nhau được 6 năm, lại cùng cảnh xa nhà vào Sài Gòn làm công nhân nên thiếu thốn tình cảm gia đình lắm. Nghe có lễ cưới tập thể từ lâu nên khi có đợt đăng ký là tụi em nộp đơn luôn, không ngờ may mắn được chọn".
Chú rể Quốc Duy (quê Bình Dương) dịu dàng chỉnh sửa trang phục cho cô dâu Mỹ Nhi (quê Tiền Giang). Cả hai đều bất ngờ khi ngày vui của mình lại được tổ chức đúng vào ngày lễ lớn của dân tộc. "Chắc chắn hôm nay sẽ là ngày tuyệt vời nhất cuộc đời mà em và vợ không thể nào quên" – Duy nói.
7 giờ, từ Nhà văn hóa Thanh Niên, các cặp đôi cùng di chuyển về khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để cùng dâng hoa lên tượng đài Bác Hồ phía trước UBND thành phố.
Trong ngày vui này, lãnh đạo thành phố cũng có mặt tận nơi để gửi những lời chúc mừng kèm theo quà tặng là những chiếc huy hiệu ý nghĩa cho các cặp đôi.
Sau giây phút này, các cặp đôi đã cùng đèo nhau bằng những chiếc xe đạp dễ thương, chầm chậm qua khắp những con đường nổi tiếng của trung tâm Sài Gòn.
Thấy đoàn xe, nhiều người dân hai bên đường vẫy tay chào chúc mừng. Trong ngày này, do nhiều gia đình đã về quê nghỉ lễ nên không xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc như bình thường. Nhiều cô dâu quá phấn khích đã dùng chính điện thoại cá nhân ghi lại khoảnh khắc trọng đại nhất của mình và một nửa.
Đáng chú ý, trong khi những cô dâu, chú rể khác di chuyển bằng xe đạp bình thường, chị Trúc và anh Quèo lại chở nhau trên chiếc xe đạp điện. Chị Trúc bị teo cơ bẩm sinh, còn anh Quèo bị di chứng chất độc màu da cam. Đến với nhau như một cơ duyên trời định, giờ đây hai người chỉ ước mong có một cuộc sống bình dị, với những đứa con lành lặn, không gặp bất hạnh như cha mẹ. Ngoài hai người, một cặp đôi khác cũng không thể đạp xe vì khuyết tật.
Lễ cưới tập thể trong dịp Quốc khánh là hoạt động ý nghĩa thường niên do Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức.
Với khẩu hiệu "Tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt", chương trình ra đời để kết nối hạnh phúc cho các bạn thanh niên công nhân, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn có được một lễ cưới trang trọng, ấm áp của mình.
10 năm tổ chức, chương trình Lễ cưới tập thể đã làm ông Tơ bà Nguyệt cho nhiều cặp đôi với tổng kinh phí tổ chức đã lên đến gần 20 tỷ đồng: 1.444 chiếc nhẫn được trao tặng, gần 1.500 bàn tiệc, hơn 500 xe đạp và các phương tiện rước dâu khác được sử dụng…
Năm 2012, CLB Gia đình Lễ cưới tập thể cũng đã được thành lập, là nơi giao lưu, chia sẻ niềm vui vô bờ bến cho những cặp uyên ương.